Khơi thông sông Cổ Cò, kết nối vùng đô thị xứ Quảng

.

Hơn 20 năm qua, việc khơi thông sông Cổ Cò để kết nối thành phố Đà Nẵng và thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) được hai địa phương đặt ra trong các nội dung quy hoạch chung. Năm 2020, điều kiện thực hiện đã cơ bản bảo đảm, mở ra mốc thời gian thi công hoàn thành ngay trong năm để tạo động lực liên kết phát triển kinh tế-xã hội trên cơ sở hạ tầng dùng chung; đồng thời, khai mở chuỗi liên kết vùng đô thị ở xứ Quảng.

Hiện trạng sông Cổ Cò đoạn qua phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn đang bị bồi lấp. 							      Ảnh: TRIỆU TÙNG
Hiện trạng sông Cổ Cò đoạn qua phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn đang bị bồi lấp. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Bài 1: Khai mở dòng sông “cổ tích”

Sông Cổ Cò hiện trạng đã bồi đắp qua nhiều thập kỷ, dòng sông chứa nhiều trầm tích của lịch sử. Nhiều thế hệ lãnh đạo của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã đặt vấn đề thực hiện khai mở dòng sông; người dân cũng mong chờ con sông hồi sinh, sống lại một màu xanh trên vùng đất đang trên đà phát triển.

Được biết đến với cái tên Lộ Cảnh Giang, Cổ Cò là một dòng sông lịch sử nối liền Đà Nẵng (từng được biết với tên Touranne) với Hội An (Fai-Fo hay Faifoo) trong giai đoạn trước thế kỷ 19. Con sông này là tuyến đường thủy an toàn nối liền phố cảng Hội An với tiền cảng Đà Nẵng.

Nhiều trầm tích từ dòng sông được các nhà nghiên cứu xác định trong bản đồ, như của Le Floch de la Carrière (1745), sông Cổ Cò được ghi với cái tên “Bras de Mer de Touranne a Fayfo” (một nhánh biển nối Touranne với Hội An). Trong “Hải ngoại ký sự” được viết nhân chuyến thăm tới Đàng Trong năm 1695, nhà sư Thích Đại Sán mô tả Cổ Cò như một tuyến sông mênh mang, hai bên bờ sông là các làng mạc san sát trù phú.

Sau năm 1997, khi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được chia tách thành 2 đơn vị hành chính thì các quy hoạch của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đều đề cập đến việc nạo vét khơi thông con sông lịch sử này. Qua nhiều đồ án quy hoạch, chính quyền hai địa phương đã khẳng định con sông là tuyến giao thông đường thủy và du lịch quan trọng nối liền thành phố Đà Nẵng và thành phố Hội An. Tuy vậy, hiện trạng dòng sông đang bị bồi lấp, xâm hại cảnh quan, dòng chảy một cách nghiêm trọng bởi các dự án phát triển đô thị lẫn sản xuất nông nghiệp.

Về cơ bản, đáy sông và các mạch ngầm của dòng sông vẫn tồn tại và mặc dù chưa được nạo vét khai thông nhưng dòng sông vẫn ở dạng các đầm, hồ, ao trong vùng. Năm 2004-2005, Đà Nẵng lập quy hoạch chi tiết bình đồ tuyến sông với bề rộng 80 đến 120m. Trong bản Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng thực hiện năm 2002 và trong Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được thực hiện năm 2013, vai trò của tuyến sông Cổ Cò được khẳng định và đề cao.

Về phía tỉnh Quảng Nam, trong Quy hoạch chung khu đô thị mới Điện Bàn đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 có sự ghi nhận vai trò của dòng sông này. Tiếp đó, đoạn phía nam của sông Cổ Cò, trong định hướng Quy hoạch chung thành phố Hội An đến năm 2030 được ghi nhận là dòng sông quan trọng về tạo cảnh quan môi trường và tuyến giao thông đường thủy kết nối với sông Hàn, thành phố Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Hải (50 tuổi, nhà khu dân cư Tân Trà, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) chia sẻ: “Cả tuổi thơ tôi gắn bó với chăn trâu, cắt cỏ, chèo ghe bắt cá ở con sông này. Nay thì đôi bờ cứ san sát các dự án nhà ở. Tôi mong chủ trương nạo vét khơi thông dòng sông sớm được thực hiện để sông Cổ Cò hồi sinh”.

Ông Hà Đức, ngụ thôn Quảng Lăng B, phường Điện Nam Trung (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) cho biết, thời thanh niên ông cùng chúng bạn có nhiều kỷ niệm gắn bó với dòng sông này. Ở các vùng đất ven sông Cổ Cò như An Bàng, Trà Quế (thành phố Hội An) nhờ sông mà người dân phát triển mạnh về du lịch, dịch vụ. Ông Đức mong  một ngày nào đó sông Cổ Cò được khai thông, hồi sinh. Lúc đó, chắc chắn người dân nơi đây sẽ được hưởng lợi lớn từ phát triển du lịch, dịch vụ đường sông.

Thi công cầu qua sông Cổ Cò đoạn phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn.   Ảnh: TRIỆU TÙNG
Thi công cầu qua sông Cổ Cò đoạn phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng nhận định, nếu khai thông được sông Cổ Cò thì cả một vùng rộng lớn nối Đà Nẵng với Hội An sẽ phát triển rất mạnh. Trước đó, từ năm 1933, chính quyền đã cho xây dựng hệ thống ngăn mặn ở vùng xâm nhập mặn này. Khi xây dựng các đập ngăn mặn trên sông (phía Quảng Nam xây đập Đế Võng và đập Hà My) tạo thành hồ nước ngọt ở giữa. Hồ nước ngọt này cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay, vai trò sản xuất lương thực ở khu vực này không còn. Trên cơ sở đó, vai trò của sông Cổ Cò đáp ứng cho nông nghiệp nhỏ dần. “Cho đến hôm nay, vai trò đặc biệt quan trọng của hệ thống thủy lợi, các đập ngăn mặn trên sông Cổ Cò đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Hiện nay, việc khai thông sông Cổ Cò sẽ giúp trả lại hệ sinh thái cũ của nó từ bao đời nay. Đây là một việc làm rất đúng đắn về sinh thái và điều quan trọng nữa là phát triển được kinh tế cho cả vùng rộng lớn từ phía nam thành phố Đà Nẵng cho đến thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An, đặc biệt là dọc hai bên bờ sông, vùng ven biển”, ông Huỳnh Vạn Thắng nói thêm.

Năm 2019, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã tiếp cận được các nguồn vốn để thực hiện chủ trương khơi thông sông Cổ Cò. Nhiều chuyển biến trong công tác tổ chức thi công đang được thực hiện, mở ra thời cơ mới cho dòng sông Cổ Cò hồi sinh.

“Sông Cổ Cò dài 28km (trong đó đoạn qua tỉnh Quảng Nam dài 19,7km), được thực hiện bởi 2 dự án gồm: Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò (thành phố Hội An) dài 14km và xây dựng cầu Nghĩa Tự, cầu ông Điền…; dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Hội An, gồm 5 dự án thành phần.

Trong đó có thành phần nạo vét sông Cổ Cò dài 5,7 km và xây dựng mới cầu vượt sông Cổ Cò. Đến nay, trên địa bàn thị xã Điện Bàn đã hoàn thành công tác kiểm kê, xác nhận nguồn gốc đất của 468 hộ với 1.057 thửa. Tại thành phố Hội An, việc thu hồi đất dự án chủ yếu là đất nuôi trồng thủy sản và một ít đất lúa thuộc xã Cẩm Hà, số hộ ảnh hưởng là 38 hộ, 44 thửa. Hiện công tác kiểm định, đền bù, giải phóng mặt bằng hai bên sông Cổ Cò đang được triển khai”.

(Nguồn: Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam)

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Praesent et purus vitae erat porta lacinia lobortis sed leo. “Năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 và năm 2019, trong đó có dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò (đoạn qua địa phận thành phố Đà Nẵng); bảo vệ, nâng cao khả năng chứa tàu thuyền tránh trú bão của Âu thuyền Thọ Quang và khả năng thoát nước lũ, giảm ngập úng qua hệ thống thoát nước và hồ điều hòa của thành phố Đà Nẵng thuộc Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở Quyết định số 1802/QĐ-TTg ngày 13-12-2019 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, giao kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 245,704 tỷ đồng và năm 2019 là 60 tỷ đồng; số còn lại là 185,704 tỷ đồng được giao trong kế hoạch vốn năm 2020 theo quy định hiện hành.

Dự án có tổng vốn đầu tư là 585,824 tỷ đồng, trong đó: ngân sách Trung ương hỗ trợ 245,704 tỷ đồng và ngân sách thành phố là 340,12 tỷ đồng. Dự án gồm: Nạo, vét thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò (đoạn qua địa phận thành phố Đà Nẵng) được giao cho Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng làm chủ đầu tư kiêm quản lý, vốn đầu tư là 486,123 tỷ đồng, gồm nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ là 146,003 tỷ đồng và số còn lại từ ngân sách thành phố là 340,120 tỷ đồng. Trong đó, một phần vốn ngân sách thành phố được bố trí từ nguồn thu hồi cát thuộc dự án theo chủ trương của UBND thành phố tại Công văn số 2261/UBND-SXD ngày 10-4-2019”

(Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng)

TRIỆU TÙNG

 

 

;
;
.
.
.
.
.