Xây dựng đô thị nông nghiệp bền vững

.

45 năm sau giải phóng, kinh tế-xã hội của huyện Hòa Vang có sự chuyển biến tích cực. Vượt lên khó khăn của một huyện thuần nông còn lạc hậu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đồng lòng khai thác tiềm năng, phát huy nội lực để xây dựng và phát triển Hòa Vang trở thành huyện nông thôn đặc trưng, tạo tiền đề phát triển nông nghiệp bền vững, hình thành điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn của thành phố.

Mô hình homestay du lịch cộng đồng tại thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc) tạo bước khởi đầu cho mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Hòa Vang.Ảnh: LAM PHƯƠNG
Mô hình homestay du lịch cộng đồng tại thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc) tạo bước khởi đầu cho mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Hòa Vang.Ảnh: LAM PHƯƠNG

Hoàn thành xây dựng nông thôn mới

Năm 2010, huyện Hòa Vang là địa phương duy nhất của thành phố triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), là một trong số ít địa phương được Ban Chỉ đạo Trung ương về NTM chọn làm thí điểm. Trong bối cảnh đó, huyện Hòa Vang đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tranh thủ sự chung tay của toàn thành phố, tạo đồng thuận cao của toàn xã hội. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành, huyện Hòa Vang bắt tay xây dựng NTM với xuất phát điểm ban đầu rất thấp. Toàn huyện chỉ có 4/11 xã đạt từ 9-15 tiêu chí, 3/11 xã đạt từ 6-8 tiêu chí, 4 xã chỉ đạt mức 4-5 tiêu chí.

Bình quân toàn huyện đạt 8/19 tiêu chí. Bên cạnh đó, có 113/118 thôn chưa có nhà văn hóa đạt chuẩn, 7/11 xã chưa có chợ đạt chuẩn. Thu nhập bình quân đầu người đạt 15 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 18,25%. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội còn yếu, thiếu đồng bộ, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn… “Vượt lên trên những khó khăn ấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện đã phát huy truyền thống cách mạng, đức tính cần cù, biến cái khó thành động lực, tận dụng những lợi thế có sẵn, phát huy nội lực. Huyện đã tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương, thành phố và các cấp, ngành để thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020”, ông Hành nói.

Sau gần 10 năm triển khai xây dựng NTM, huyện đạt nhiều kết quả nổi bật. Đến nay, 11/11 xã trên địa bàn huyện đã đạt chuẩn NTM. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa theo hướng đô thị. Hệ thống điện, đường, trường, trạm, nước sạch từng bước chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu nhân dân. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 49 triệu đồng/người. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân Hòa Vang được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, huyện Hòa Vang đã thực hiện thành công nhiều nội dung nâng cao chất lượng xây dựng NTM.

Cụ thể, toàn huyện có 12 thôn kiểu mẫu NTM được công nhận, 36 vườn mẫu đạt chuẩn, 35 tuyến đường kiểu mẫu nông thôn khang trang tạo nên diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện ngày càng khởi sắc và hiện đại. Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 30-12-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy “về phương hướng, nhiệm vụ xây dựng, phát triển huyện Hòa Vang đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Đảng bộ, chính quyền huyện xác định tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, hướng đến xây dựng huyện trở thành vùng nông nghiệp ổn định, bền vững. Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường cho biết, huyện hướng đến liên kết hóa sản xuất, doanh nghiệp hóa sản phẩm, xã hội hóa đầu tư, ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học công nghệ mới, tạo sự đột phá và bền vững, nhằm xây dựng một vùng nông nghiệp trù phú.

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

Trong quá trình xây dựng NTM, huyện Hòa Vang xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập là yếu tố then chốt. Từ đó, huyện đã tích cực kêu gọi, hỗ trợ, đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất, nhất là các mô hình nông nghiệp, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao (CNC). Đặc biệt, huyện đã hình thành 2 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trong trồng rau, củ, quả tại xã Hòa Ninh và xã Hòa Phú, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.

Mô hình trồng hoa lan mokara cắt cành tại xã Hòa Bắc đem lại nguồn lợi hiệu quả cho người dân. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Mô hình trồng hoa lan mokara cắt cành tại xã Hòa Bắc đem lại nguồn lợi hiệu quả cho người dân. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Tại xã miền núi Hòa Phú, những năm gần đây, mô hình trồng rau, củ, quả trong nhà kính, ứng dụng CNC được nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư. Tiêu biểu như cơ sở sản xuất rau sạch Nông Phú (tại tổ 5, thôn Nông Lâm, xã Hòa Phú) của anh Trương Ngọc Sơn (SN 1973) mang lại nguồn lợi lớn. Cơ sở của anh Sơn có tổng diện tích 10.000m2, được đầu tư nhà màng, hệ thống tưới nước thông minh, giàn trồng. Tùy từng mùa, anh Sơn trồng được nhiều loại nông sản, rau củ quả đặc trưng, vốn chỉ phát triển được ở những vùng nhiệt độ lạnh như: xà lách, cải ngọt, cải bó xôi, cà chua bi, dưa lưới, ớt chuông…

Hiện nay, trang trại rau sạch của anh Sơn cho thu hoạch hằng ngày, cung cấp thường xuyên cho các cửa hàng rau sạch, thực phẩm sạch. Không chỉ đem lại nguồn lợi cho gia đình, anh Sơn còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng. Hay như trang trại chuyên canh nông sản, rau củ quả Tâm An Farm (tại thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương) của anh Nguyễn Hữu Thịnh cũng được trồng theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường. Được đầu tư xây dựng từ năm 2014, trang trại của anh Thịnh hiện có hàng chục loại nông sản, rau, củ, quả được trồng liên tục theo mùa. Đặc biệt, các loại nông sản, rau, củ, quả đang được trồng theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, chất lượng bảo đảm, được nhiều cửa hàng rau sạch đặt mua để cung ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân toàn thành phố.

Trên cơ sở thành công từ những trang trại nông nghiệp, huyện Hòa Vang triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị” và chuyên đề “Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với đẩy mạnh xây dựng NTM” bước đầu đạt kết tốt. Huyện đã quy hoạch 6 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC với tổng diện tích 210ha để kêu gọi đầu tư. Diện tích đất sản xuất chuyên canh rau, hoa ứng dụng khoa học kỹ thuật tăng lên từng năm. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 11,5/46,33ha trồng rau ứng dụng CNC; 2,5/22ha trồng hoa ứng dụng khoa học kỹ thuật. Huyện cũng phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp khác với tổng diện tích 42,4, trồng các loại rau phổ thông phục vụ nhu cầu ăn uống hằng ngày của người dân. Tại vùng chuyên canh rau Yến Nê 1 (xã Hòa Tiến) hiện có 40 hộ tham gia sản xuất, cung cấp một lượng lớn rau quả phục vụ các chợ trên địa bàn thành phố.

Cùng với phát triển kinh tế nông nghiệp, huyện Hòa Vang đặt mục tiêu phát triển du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn huyện đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở đó, địa phương xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Hòa Vang và triển khai thực hiện hiệu quả đề án “Phát triển du lịch cộng đồng kết hợp bảo tồn văn hóa cộng đồng người Cơ tu tại thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc)”. Ngoài ra, địa phương tích cực phối hợp với Sở Du lịch và các sở, ngành liên quan thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch văn hóa sinh thái thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn) và phát triển tuyến du lịch đường sông Túy Loan và sông Cu Đê. Từ tháng 10-2019, điểm lưu trú (homestay) du lịch cộng đồng tại thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc) do anh Đinh Văn Như làm chủ đã hoàn thành giai đoạn 1 và chính thức đi vào hoạt động. Đây là mô hình homestay du lịch cộng đồng đầu tiên tại Đà Nẵng, mở đầu cho định hướng phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Hòa Vang.

Theo Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường, trong thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các đề án đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị. Bên cạnh đó, tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại góp phần đẩy mạnh sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện, hướng đến xây dựng huyện Hòa Vang trở thành đô thị nông nghiệp bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy.

HUY HOÀNG

 

;
;
.
.
.
.
.