Chú trọng khai thác thị trường khách nội địa

.

Sau Covid-19, thị trường khách nội địa hiện đang được xem là thế mạnh của ngành du lịch dịch vụ của thành phố trong thời gian tới.

Đoàn khách du lịch từ Hà Nội tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn vào sáng 17-5. 						              Ảnh : MAI HIỀN
Đoàn khách du lịch từ Hà Nội tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn vào sáng 17-5. Ảnh : MAI HIỀN

Trong chuyến du lịch đến Đà Nẵng kéo dài 4 ngày 3 đêm, vợ chồng chị Trần Thanh Dung (du khách Hà Nội) chọn lưu trú tại một khách sạn trên đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà. Chị Dung cho hay, dịp này giá dịch vụ lưu trú được giảm sâu nên tranh thủ đi du lịch.

Mọi năm thời điểm này đang là mùa cao điểm khách du lịch nên những khách sạn ngay trước mặt biển như thế này giá khá cao và thường xuyên trong tình trạng “cháy” phòng. Tuy nhiên, đợt này giá phòng thuê chỉ còn 350.000 đồng/phòng/đêm thay vì giá gốc là 600.000 - 700.000 đồng.

Theo nhận định của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), do tác động của Covid-19 nên du khách sẽ đi du lịch theo xu hướng mới. Sức khỏe và an toàn vẫn là ưu tiên hàng đầu của du khách. Do đó, các tour du lịch trong ngày, tour du lịch các điểm đến lân cận và tour du lịch nông thôn, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, chăm sóc y tế, thể thao… sẽ là mục tiêu được du khách hướng đến.

Bên cạnh đó, khách du lịch giảm đi các tour nước ngoài mà lựa chọn du lịch trong nước nhiều hơn. Khách có xu hướng chọn các điểm đến có sản phẩm dịch vụ với giá ưu đãi và các chuyến đi ngắn ngày để giải tỏa tâm lý sau dịch cũng như bảo đảm tiết kiệm chi phí.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours cho rằng, sau dịch, du khách có nhu cầu đi lại nhiều. Ngay sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, nhân viên Vitours đi làm trở lại là đã có khách đặt chỗ, đặt tour mà chủ yếu là nhóm khách trẻ và đa số họ chọn đi các điểm đi lân cận, nội vùng.

Khi đã xác định thị trường khách ở thời điểm hiện tại là khách nội địa thì thành phố nên nhanh chóng liên kết các địa phương, nội vùng miền Trung, hai thành phố lớn ở hai đầu đất nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Nam Bộ… sớm có các hoạt động xúc tiến, có các chính sách ưu tiên để thu hút, kích cầu khách du lịch… Năm nay, năm học sẽ kết thúc vào giữa tháng 7 thì các đơn vị có thể theo đó để có các chương trình, sản phẩm phù hợp.

Theo ông Huỳnh Đức Trung, Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch, từ tình hình thực tế hiện nay, ngành du lịch thành phố đã có kế hoạch khai thác thị trường khách nội địa năm 2020. Giai đoạn trước mắt sẽ chú trọng thu hút nguồn khách từ các địa phương lân cận, thuộc các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…, những khách đi theo nhóm lẻ, gia đình, cặp đôi khách đi ngắn ngày, sử dụng các phương tiện cá nhân di chuyển.

Với những thị trường xa như miền Bắc, miền Nam thì có kế hoạch xúc tiến quảng bá cụ thể với từng thị trường. Đơn cử như tại thị trường miền Bắc, miền Nam, khách thường quan tâm đến nghỉ dưỡng biển, du lịch giải trí, điểm đến mới dành cho khách lẻ, teambuilding dành cho khách đoàn thì Sở Du lịch xác định sẽ quảng bá gói kích cầu cho thị trường này gồm: các tour du lịch trọn gói tại Đà Nẵng và tour liên kết 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; các gói giảm giá sâu của khách sạn, khu nghỉ dưỡng dành cho các chương trình hội thảo, hội nghị vào dịp cuối năm; các gói kích cầu về mua sắm; tổ chức các đoàn khảo sát, famtrip để kết nối doanh nghiệp các địa phương…

Đại diện Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng cho biết, tới đây các doanh nghiệp lữ hành, du lịch của Đà Nẵng sẽ tham gia đoàn khảo sát của Hiệp hội Du lịch Việt Nam tại Cần Thơ để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của du lịch Đà Nẵng. Phía đại diện một số đơn vị lữ hành cho rằng, thời điểm này, các địa phương khác cũng đang triển khai các chương trình kích cầu, tăng ưu đãi để thu hút khách về địa phương họ. Vì thế, Đà Nẵng cần làm nhanh, làm sớm để có thêm lợi thế được du khách lựa chọn.

Ngành du lịch cần nhanh chóng bổ sung thêm các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút các thị trường khách trong nước. TRONG ẢNH: Người dân địa phương và du khách vui chơi, tắm biển Đà Nẵng chiều 14-5.Ảnh: N.H
Ngành du lịch cần nhanh chóng bổ sung thêm các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút các thị trường khách trong nước. TRONG ẢNH: Người dân địa phương và du khách vui chơi, tắm biển Đà Nẵng chiều 14-5. Ảnh: N.H

Trong khi đó, Sở Du lịch thành phố cho biết sẽ xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch ngắn ngày, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch giải trí, sinh thái, chăm sóc sức khỏe… dành cho cả khách đoàn và khách đi lẻ. Bên cạnh đó, phối hợp với các hãng hàng không trong nước khai thác nguồn khách từ các địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Quảng Ninh, Gia Lai… có các đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng.

Triển khai ghi nhớ hợp tác giữa UBND thành phố với Vietnam Airlines để có chính sách phù hợp, ưu đãi với khách trên các chuyến bay từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các chuyến bay từ thành phố kết nối đường bay đến Đà Nẵng. Đồng thời, phối hợp Viettravel triển khai tích cực ghi nhớ hợp tác với UBND Đà Nẵng để thúc đẩy mạnh nguồn khách nội địa từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương miền Tây Nam Bộ, Bắc Trung Bộ đến Đà Nẵng.

“Sở Du lịch sẽ chú trọng liên kết vùng, trao đổi khách, thúc đẩy giao thương kinh tế bằng việc hiện thực hóa các ghi nhớ liên kết phát triển du lịch 3 địa phương Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế - Quảng Nam; Đà Nẵng với Lâm Đồng, Hải Phòng, Nghệ An, Đắk Lắk… Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, thể thao biển, du lịch giải trí, điểm check-in mới dành cho khách lẻ; tập trung sản phẩm du lịch dịch vụ công (MICE), du lịch vui chơi giải trí, teambuilding cho khách đoàn để tăng cường thu hút và gia tăng khách từ miền Bắc, miền Nam…”, ông Huỳnh Đức Trung nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc với Sở Du lịch về cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn bởi ảnh hưởng của Covid-19 ngày 18-5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đã lắng nghe kiến nghị về việc thành phố sớm có những chính sách riêng để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch và bổ sung vào gói kích cầu tạo sự khác biệt thu hút khách đến Đà Nẵng; đồng thời, xem xét chính sách miễn giảm phí tham quan đối với các khu điểm du lịch do thành phố quản lý.

Trong đó, miễn 100% giá vé tham quan các khu, điểm du lịch do thành phố quản lý gồm: Khu Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật... trong thời gian 3 tháng kể từ khi thành phố kiểm soát được dịch bệnh và cho phép mở cửa hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng đề xuất thành phố hỗ trợ chi phí quảng bá trực quan chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng 2020, hỗ trợ truyền thông điểm đến Đà Nẵng, giới thiệu sản phẩm dịch vụ trên truyền hình để thu hút kích cầu du lịch khách nội địa...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đề nghị Sở Du lịch phối hợp với các Sở: Tài chính, Văn hóa và Thể thao... tiếp tục tham mưu, đề xuất giải pháp trình HĐND thành phố triển khai chương trình kích cầu du lịch có hiệu quả và thực sự thu hút khách đến thành phố; qua đó, từng bước khôi phục lại hoạt động của ngành dịch vụ du lịch và lan tỏa kích thích phát triển các ngành khác trong thời gian đến.                                         

N.H

NHẬT HẠ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.