Góp ý đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng: Phát huy kiến trúc bản địa nhằm tạo lập bản sắc kiến trúc cho đô thị

.

Tiếp tục các ý kiến góp ý dự thảo điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Báo Đà Nẵng giới thiệu góp ý của TS.KTS Tô Văn Hùng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố Đà Nẵng.

Quy định quản lý kiến trúc cần khuyến khích sử dụng màu sắc trung tính, vật liệu thân thiện mội trường.  Trong ảnh: Khu đô thị trung tâm thành phố.  Ảnh: TRIỆU TÙNG
Quy định quản lý kiến trúc cần khuyến khích sử dụng màu sắc trung tính, vật liệu thân thiện mội trường. Trong ảnh: Khu đô thị trung tâm thành phố. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đã mở thêm vành đai phía tây, mở trục giao thông ngầm xuyên sân bay là ý tưởng tốt nhằm kết nối khu vực đông và tây thành phố. Ý tưởng chuyển ga đường sắt ra ngoài khu vực đô thị hiện nay, chuyển đổi mục đích sử dụng đất khu vực nhà ga cũ theo chức năng của khu dân dụng (công viên cây xanh, thương mại dịch vụ, công trình công cộng…); đồng thời xây một ga hàng hóa tại khu vực tây bắc phục vụ cung cấp, vận chuyển hàng hóa là hợp lý.

Cùng với đó, mục tiêu phát triển cảng hàng hóa Liên Chiểu thành cảng quốc tế được xem như một động lực để đưa Đà Nẵng trở thành đô thị có vị thế trong khu vực và từng bước chuyển cảng Tiên Sa thành cảng du lịch là đề xuất được đánh giá cao. Đặc biệt, đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung lần này bổ sung đáng kể tỉ lệ đất dành cho cây xanh đô thị (9,6m2/người), đất dành cho giao thông đô thị (9% so với đất xây dựng đô thị tính đến đường giao thông liên khu vực).

Qua nghiên cứu hồ sơ đồ án, đơn vị tư vấn quan tâm một số vấn đề trước tiên là việc lựa chọn định hướng phát triển đô thị nén (compact city) cho thành phố Đà Nẵng là một hướng đi phù hợp với xu thế cũng như các điều kiện của thành phố hiện nay.

Tuy nhiên, cần phải thực hiện mô hình một cách toàn diện về tính “nén” của đô thị, không đơn thuần chỉ là tăng hệ số sử dụng đất, chú trọng nhà cao tầng thay thế cho công trình thấp tầng, giải phóng không gian nhằm mục đích tăng diện tích không gian xanh; quan trọng hơn chính là tập trung các tiện ích đô thị, giúp cho các giải pháp quản lý đô thị thông minh, hiệu quả hơn trong việc khai thác hiệu quả của dịch vụ đô thị, cơ sở hạ tầng, thuận lợi cho việc giao thông đi lại của người dân.

Tuy nhiên, các chỉ số về mật độ dân cư tại các khu vực lõi trung tâm đô thị theo đồ án khoảng trên 8.000 người/km2 vẫn còn khá thấp so với định hướng của một đô thị nén; kinh nghiệm một số thành phố có tính chất tương tự điều kiện Đà Nẵng đều có mật độ trên 10.000-15.000 người/km2.

Đối với các quy định liên quan đến quản lý kiến trúc, bên cạnh những trào lưu, phong cách hiện đại thì cũng cần chú trọng phát huy kiến trúc bản địa nhằm tạo lập bản sắc kiến trúc cho đô thị Đà Nẵng; khuyến khích sử dụng màu sắc trung tính, vật liệu thân thiện môi trường, hài hòa cảnh quan xung quanh và tôn trọng các điểm nhấn kiến trúc; khuyến khích sáng tác công trình theo tiêu chí kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững nhằm góp phần hướng đến một đô thị sinh thái trong tương lai. Hiện nay, Đà Nẵng có những di tích như:

Bảo tàng điêu khắc Chăm, tòa nhà HĐND thành phố (nay là Bảo tàng Đà Nẵng địa chỉ 42 Bạch Đằng), nhà thờ Chính tòa…; các công trình văn hóa địa phương như: đình làng Hải Châu, thành Điện Hải..., hay các công trình mang dấu ấn giai đoạn lịch sử xây dựng và phát triển của thành phố như: chợ Cồn, Đài tưởng niệm thành phố…

Đây là những công trình cần thiết phải được bảo tồn và phát huy trong cấu trúc đô thị hiện đại, theo đó cần tiếp cận như những điểm nhấn kiến trúc đô thị. Ngoài ra, trong thiết kế đô thị, cần chú trọng tạo ra những yếu tố mang tính “cột mốc” (landmark) tại các trục cảnh quan hay những không gian kiến trúc cảnh quan nhằm tạo sức hút cũng như mang lại dấu ấn của một điểm đến phục vụ du lịch.

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị xác định rõ mục tiêu hướng đến của đô thị Đà Nẵng trong tương lai là trở thành đô thị sinh thái. Do đó, trong quy chế quản lý liên quan đến tổ chức kiến trúc cảnh quan cần thiết phải đề cập đến những nguyên tắc mang tính định hướng.

Tôi xin gợi ý các nguyên tắc tổ chức kiến trúc cảnh quan hướng đến đô thị sinh thái, đó là gìn giữ sự đa dạng sinh học; thiết kế hài hòa với các nguyên tắc của tự nhiên; bảo đảm tính gắn kết giữa các nhân tố cảnh quan; phát triển đô thị ở mức phù hợp với “ngưỡng” của môi trường; tăng cường kết nối không gian cảnh quan bằng các giải pháp giao thông “xanh”; duy trì hành lang xanh, mảng xanh và hồ điều hòa trong đô thị.

Tư vấn cần bổ sung hệ thống không gian ngầm trong đồ án điều chỉnh quy hoạch. Không gian đô thị không chỉ là trên mặt đất mà còn cả dưới lòng đất. Khi đất đai đô thị ngày càng hạn hẹp thì không gian ngầm đô thị có ý nghĩa cực kỳ lớn về kinh tế, tiện ích đô thị cũng như bảo đảm an ninh quốc phòng.

Ở các khu vực trung tâm đô thị cũ, mật độ xây dựng cao và tập trung dân số đông thì gần như không còn đất mở rộng cho giao thông, bãi đỗ xe, xây dựng công trình công cộng, trung tâm thương mại - dịch vụ... thì khai thác không gian ngầm cho các mục đích trên là giải pháp rất đáng lưu ý.

Quy hoạch không gian ngầm sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất triển khai các công trình, dự án ngầm của đô thị trong thời gian đến. Hệ thống không gian ngầm cần gắn liền với hệ thống giao thông ngầm, kết nối với cụm công trình cao tầng, các đầu mối giao thông, trung tâm công cộng… Do đó, tư vấn cần chú trọng nghiên cứu và đề xuất nội dung này.

Bên cạnh các giải pháp tổ chức không gian, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở cho một đô thị phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đô thị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững thì quy định quản lý đồ án quy hoạch chung cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Đây chính là cơ sở pháp lý để cụ thể hóa đồ án quy hoạch chung (quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị…), là công cụ triển khai các dự án, công trình đúng với các mục tiêu đã đề ra trong đồ án quy hoạch chung.

Do đó, các điều khoản phải cụ thể, tuân thủ các tiêu chí, nguyên tắc, quy chuẩn, cơ cấu, tỉ lệ thành phần đất đai… bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ, có lộ trình thực hiện và mang tính khả thi cũng như trong quá trình quản lý các hoạt động xây dựng của thành phố. Quy định cần có các điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm tính pháp lý của các dự án, công trình đã và đang triển khai cũng như thuận lợi khi thực hiện các thủ tục liên quan đến giao đất, cho thuê đất theo đúng quy định pháp luật.

TRIỆU TÙNG ghi

;
;
.
.
.
.
.