Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về đất đai của Đà Nẵng

.

Như Báo Đà Nẵng đã đưa tin, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên vào ngày 18-7 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đề nghị Thủ tướng và các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về đất đai cho thành phố. Báo Đà Nẵng thông tin rõ thêm những nội dung về các đề nghị nói trên.

Dự án 29ha Khu đô thị Đa Phước đang là nút thắt về quản lý đất đai tại thành phố Đà Nẵng. 												   Ảnh: TRIỆU TÙNG
Dự án 29ha Khu đô thị Đa Phước đang là nút thắt về quản lý đất đai tại thành phố Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Dừng rà soát, xử lý các dự án

Nút thắt về quản lý đất đai bao trùm tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố những năm qua và hiện tại là việc thực hiện Kết luận số 2852/KL-TTCP ngày 2-11-2012 của Thanh tra Chính phủ.

Thời gian qua, thành phố đã huy động nhiều nguồn lực và áp dụng nhiều biện pháp để thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ. Tính đến thời điểm hiện nay, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện truy thu được 636,5 tỷ đồng, chiếm 63,5% số tiền thất thu theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, tại Kết luận số 2852/KL-TTCP, Thanh tra Chính phủ đề nghị thành phố rà soát các trường hợp tương tự để thu hồi tiền về ngân sách.

Qua rà soát, ngoài 46 dự án theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trên địa bàn thành phố còn đến 1.061 dự án tương tự. Việc thực hiện truy thu tiền thất thu của 1.061 dự án tương tự nói trên là rất khó thực hiện và ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép thành phố dừng việc rà soát, xử lý thu hồi tiền thất thu đối với các trường hợp tương tự nói trên đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm tạo điều kiện giải phóng nguồn lực từ hàng trăm dự án, khu đất trên địa bàn thành phố để phát triển sản xuất kinh doanh, không để lãng phí tài sản của Nhà nước. “Để hỗ trợ cho nhà đầu tư, tháo gỡ các khó khăn, đề nghị Thủ tướng và các Phó Thủ tướng cho chỉ đạo để tháo gỡ các khó khăn và vướng mắc, trong đó, các dự án nào nằm trong danh mục thanh tra, kiểm tra mà đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi, có thể dùng biện pháp nào đó để khép lại, chứ cứ áp dụng theo kết luận thanh tra thì cứ để kéo dài mãi mà không làm được”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đề nghị.

“Giải cứu” tính pháp lý cho khu đô thị Đa Phước

Liên quan đến khu đất 29 ha thuộc Khu đô thị quốc tế Đa Phước, tại Bản án hình sự phúc thẩm số 158/2020/HS-PT ngày 12-5-2020, TAND cấp cao tại Hà Nội giao UBND thành phố Đà Nẵng thu hồi khu đất 29ha thuộc dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước và cùng các bên liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi cho công dân tại khu đất này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, UBND thành phố đã nhận thấy các khó khăn, vướng mắc.

Trước hết, Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước đã chuyển nhượng nhà cho người dân vào ở trong dự án nên khi thu hồi dự án là phải thu hồi nhà, đất của toàn bộ các hộ dân đang sinh sống trong khu đất. Sau khi thu hồi, việc giao lại đất cho các hộ dân là không thực hiện được vì theo quy định (Luật Đất đai năm 2013) là không giao trực tiếp mà phải thông qua đấu giá.

Trong khi đó, phán quyết của tòa án là phải thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật bảo đảm quyền lợi cho công dân tại khu đất này, nên việc này rất khó thực hiện được trên thực tế. Mặt khác, Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước đã đầu tư rất lớn vào dự án. Theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành, việc thu hồi dự án là thu hồi toàn bộ khu đất và phải thực hiện đền bù về tài sản hợp pháp của chủ đầu tư. Do đó, cần số tiền rất lớn từ ngân sách để đền bù về tài sản hợp pháp của chủ đầu tư.

Hơn nữa, Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước đã thế chấp bằng quyền sử dụng đất đối với khu đất 29ha để vay của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội lên đến hơn 1.500 tỷ đồng đầu tư phát triển dự án. Khi toàn bộ quyền sử dụng đất bị thu hồi, Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước sẽ bị phá sản, các khoản nợ ngân hàng nói trên sẽ trở thành nợ xấu, không có khả năng thu hồi và sẽ tác động lớn đến xã hội, gây ra nhiều hậu quả khó lường.

Chính vì thế, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo thực hiện đối với những nội dung vướng mắc về thu hồi đối với khu đất 29ha thuộc Khu đô thị quốc tế Đa Phước theo Bản án hình sự phúc thẩm số 158/2020/HS-PT của TAND cấp cao tại Hà Nội. “Đà Nẵng được chỉ đạo thu hồi đất nhưng hiện có rất nhiều nhà cửa, người dân đang sinh sống ở đó và đang lo lắng vì mua nhà ở và đất ở với số tiền lớn. Rất khó thực hiện thi hành án”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nói.

Xử lý chính sách thu tiền sử dụng đất tái định cư

Đối với việc thực hiện chính sách thu tiền sử dụng đất quy định tại Nghị định số 79/2019/NĐ-CP ngày 26-10-2019 của Chính phủ, lãnh đạo UBND thành phố cho rằng, Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến tình hình kinh tế-xã hội, thu nhập của người dân bị giảm sút, trong đó, đối tượng nợ tiền sử dụng đất đa số là hộ nghèo, hộ dân bị giải tỏa, đền bù, nhận đất tái định cư nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, khó có khả năng tích lũy và trả nợ tiền sử dụng đất đến ngày 28-2-2021.

UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn trả nợ tiền sử dụng đất thêm 1 năm. Theo đó, đối với hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ tiền sử dụng đất trước ngày 1-3-2016, UBND thành phố đề nghị Chính phủ cho phép tiếp tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hoặc theo số tiền ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được xác định theo đúng quy định của pháp luật) đến hết ngày 28-2-2022.

Hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ tiền sử dụng đất từ ngày 1-3-2016 đến trước ngày nghị định này có hiệu lực thi hành thì được gia hạn thời gian nợ từ 5 năm lên 6 năm. “Có hơn 5.000 hộ dân giải tỏa từ cách đây hơn 10 năm có hoàn cảnh khó khăn, nghèo được Nhà nước cho nợ tiền sử dụng đất tái định cư, nhưng đến nay, vẫn trả tiền nợ không nổi. Do đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn trả nợ tiền sử dụng đất thêm 1 năm nữa để người dân có điều kiện trả nợ”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ kiến nghị.

Đối với bản án đối với tài sản thế chấp là các lô đất thuộc sân vận động Chi Lăng, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo xử lý kháng nghị phần dân sự Bản án hình sự sơ thẩm số 332/2016/HSST ngày 9-9-2016 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh và Bản án phúc thẩm số 30/2017/HSPT ngày 24-1-2017 của TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh về xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm. “Sân vận động Chi Lăng là một khối tài sản rất lớn liên quan đến lịch sử, văn hóa của Đà Nẵng. Sau khi có các bản án nói trên, các cơ quan chức năng không thi hành án được. Tòa án đã tuyên nhưng bản án không thực thi được.

Hiện nay, cơ quan chức năng đã phát mãi và đấu giá, nhưng cũng không thực thi được. Do đó, các cơ quan chức năng đã có kiến nghị Trung ương kháng nghị giám đốc thẩm xét xử lại phần dân sự của bản án. Kháng nghị này có thể mang đến việc tòa án tuyên giao dịch dân sự đó không có hiệu lực pháp lý để Đà Nẵng có cơ hội đàm phán, lấy lại sân vận động Chi Lăng”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nói.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.