Sau khi Báo Đà Nẵng đăng bài “Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về đất đai của Đà Nẵng” (ngày 22-7), một số người dân, doanh nghiệp, nhà quản lý đồng tình với kiến nghị mà Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã đề đạt với Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều người dân, nhà đầu tư tại Khu đô thị quốc tế Đa Phước lo lắng vì sợ bị thu hồi đất. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Đại tá Nguyễn Trí Tổng, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tham mưu Quân khu 5, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố: Phải nhờ Chính phủ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn này
Với tư cách là một cử tri, một người dân thành phố, tôi rất ủng hộ, đồng tình với các kiến nghị mà Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đề đạt lên Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong vấn đề quản lý đất đai của Đà Nẵng. Những vấn đề mà lãnh đạo thành phố kiến nghị lên Thủ tướng cũng đã được bản thân tôi phản ánh, kiến nghị trong các lần tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố và HĐND thành phố. Các vấn đề về quản lý đất đai của Đà Nẵng là những “nút thắt” và chỉ khi tháo gỡ những “nút thắt” này thì Đà Nẵng mới có điều kiện thực hiện tốt Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Những vướng mắc, khó khăn về quản lý đất đai, thực hiện kế hoạch sử dụng đất của Đà Nẵng cứ để kéo dài thì rất khó khăn cho Đà Nẵng. Đà Nẵng đã thực hiện tốt Kết luận số 2852/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ, trong đó, việc truy thu tiền thất thu về sử dụng đất đã hoàn thành được 63,5% tổng số tiền. Đối với những trường hợp còn lại thì việc thực hiện gặp nhiều khó khăn, vì thế, Chính phủ cần có giải pháp tháo gỡ.
Liên quan đến việc thu hồi khu đất 29ha ở Khu đô thị quốc tế Đa Phước, việc TAND thành phố Hà Nội giao cho UBND thành phố Đà Nẵng thu hồi đất là rất khó khăn vì đã có nhiều người bỏ tiền tỷ ra mua nhà, đất ở và đang ở trong khu đô thị đó. Những người mua nhà, đất ở là “ngay tình”. Mặt khác, chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước đã bỏ nhiều tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở, căn hộ, nên việc thu hồi đất gặp khó vì lấy tiền ngân sách rất lớn để bồi thường. Do đó, Đà Nẵng không đủ sức để thực hiện theo bản án, mà phải nhờ Trung ương tháo gỡ “nút thắt” này.
Đối với sân vận động Chi Lăng, phía các cơ quan chức năng không thi hành án được, mà phía Tập đoàn Thiên Thanh muốn triển khai dự án cũng không được vì chưa có quy hoạch được cấp có thẩm quyền thông qua. Do đó, thành phố và các cơ quan chức năng đang mong muốn kháng nghị phần dân sự bản án hình sự đối với ông Phạm Công Danh và các đồng phạm thì mới thi hành án được. Chỉ có kháng nghị, xét xử phần dân sự bản án hình sự thì mới “mềm hóa” được và Đà Nẵng mới có cơ hội đàm phán để lấy lại sân vận động Chi Lăng.
Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà): Cần gia hạn thêm thời gian trả nợ tiền đất tái định cư
Trên địa bàn phường có nhiều trường hợp còn nợ tiền sử dụng đất tái định cư từ 10-15 năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều hộ còn nợ tiền đất gặp thêm nhiều khó khăn, khó có thể trả nợ tiền đất đúng hạn vào ngày 28-2-2021. Do đó, nếu được gia hạn thời gian trả nợ tiền đất theo Nghị định số 79/2019/NĐ-CP ngày 26-10-2019 của Chính phủ thêm một năm thì rất tốt cho bà con. Các hộ dân rất lo lắng về thời hạn trả nợ tiền đất tái định cư đang đến gần do quá khó khăn khi Covid-19 làm nhiều người dân bị mất việc làm, mất thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Thi, nhà đầu tư bất động sản tại quận Hải Châu: Nhà đầu tư bị chôn vốn rất lớn
Không chỉ nhiều người dân bỏ tiền tỷ để mua đất ở, nhà ở tại Khu đô thị quốc tế Đa Phước đang lo lắng vì việc thu hồi khu đất 29ha tại dự án này của TAND thành phố Hà Nội, mà còn nhiều nhà đầu tư đang chôn vốn ở đây từ hàng chục đến hơn 100 tỷ đồng. Với số lượng vốn rất lớn đầu tư ở đây, nhiều gia đình, doanh nghiệp lao đao. Do đó, người dân và nhà đầu tư mong muốn Thủ tướng Chính phủ sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để khơi thông dòng vốn đầu tư và người dân được sinh sống hợp pháp, chứ nhiều hộ dân 2 năm qua đang sinh sống bất hợp pháp.
HOÀNG HIỆP