Tài xế ô-tô lúng túng với quy chuẩn báo hiệu đường bộ mới

.

Từ ngày 1-7-2020, quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới. Tuy nhiên, gần 20 ngày trôi qua, nhưng nhiều tài xế lái ô-tô vẫn còn lúng túng, chưa nắm rõ quy định mới.

Từ ngày 1-7, nhiều biển báo đường bộ thay đổi theo quy chuẩn mới. TRONG ẢNH: Biển báo đường bộ đầu tuyến nối cắt ngang cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. 	     Ảnh: THÀNH LÂN
Từ ngày 1-7, nhiều biển báo đường bộ thay đổi theo quy chuẩn mới. TRONG ẢNH: Biển báo đường bộ đầu tuyến nối cắt ngang cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: THÀNH LÂN

Anh Đặng Ngọc Phụng, lái xe của Công ty TNHH Bình Hưng Thịnh cho biết anh có nghe nói đã áp dụng quy chuẩn mới, nhưng do thường xuyên phải chạy xe đường dài liên tục nên chưa có thời gian xem kỹ. Đôi lúc xe dừng để bốc xếp hàng hóa thì mới truy cập vào mạng để xem và thật sự chưa nắm hết được các điểm mới trong QCVN 41:2019 này. Cũng là một lái xe lâu năm, anh Trần Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Điện lạnh Hòa Thương khá bất ngờ khi được hỏi về việc cấm xe bán tải đi vào thành phố. Anh cho biết, giờ mới biết quy định này. Cùng chung suy nghĩ của hai lái xe trên, nhiều tài xế khác tỏ ra khá lúng túng khi được hỏi về bộ quy chuẩn mới được áp dụng từ đầu tháng 7-2020.

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố, điểm đáng chú ý trong quy chuẩn QCVN 41:2019 là quy định xe bán tải không được lưu thông vào nội đô các thành phố lớn. Cụ thể, quy chuẩn này quy định: “Xe ô-tô con là xe được xác định theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ để chở người không quá 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ người lái)”.

Quy chuẩn mới cũng quy định, chỉ những xe bán tải (xe pickup), xe tải VAN có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 950kg hoặc xe 3 bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 400kg mới được xem là xe ô-tô con trong tổ chức giao thông (trước đây chỉ cần xe dưới 1,5 tấn và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống đã được xem là xe con). Như vậy, quy định này đã loại xe tải dưới 1,5 tấn ra khỏi danh sách xe ô-tô con. Bởi theo quy chuẩn trước, xe ô-tô con còn bao gồm ô-tô chở hàng với khối lượng chuyên chở dưới 1,5 tấn. Do đó, đối với một số xe bán tải như: Ford Ranger XLS đời 2013, Ford Ranger XLS đời 2015... sẽ bị cấm vào thành phố. Điều này cũng gây không ít khó khăn cho các chủ xe bán tải, lâu nay các mẫu xe bán tải loại này vẫn ra vào thành phố một cách bình thường.

Trong khi đó, khi lái xe, các tài xế cần chú ý quan sát kỹ biển báo giao thông để điều khiển xe cho đúng nhằm tránh bị phạt oan. Bởi theo quy chuẩn mới, biển báo không nhất thiết phải đặt trên giá long môn, cột cần vươn hay nhắc lại bên trái. Cụ thể, quy chuẩn 41:2019/BGTVT đã bỏ quy định buộc treo biển trên giá long môn hoặc cột cần vươn trên đường có mỗi chiều chạy xe từ 2 làn trở lên như quốc lộ 1. Theo đó, quy chuẩn quy định biển báo hiệu đặt ở vị trí để người tham gia giao thông dễ nhìn thấy và có đủ thời gian để chuẩn bị đề phòng.

Ngoài ra, tùy từng trường hợp, có thể đặt bổ sung biển báo ở bên trái theo chiều đi. Tuy nhiên, theo lái xe Nguyễn Tấn Sơn, việc không buộc đặt biển báo trên cột cần vươn hay giá long môn của quy chuẩn 41:2019/BGTVT so với quy chuẩn 41:2016/BGTVT gây khó khăn cho đối tượng tham gia giao thông bởi vì, với biển cắm bên đường có chiều cao từ 1,8-2 m như hiện nay thường bị xe tải, xe khách loại lớn đi sát làn đường bên phải che lấp khiến xe phía sau không nhìn thấy.

Bên cạnh đó, ở nhiều khu dân cư đông đúc, biển báo cắm ở vệ đường dễ bị lẫn vào màu sắc của nhà cửa, biển hiệu quảng cáo nên khó phát hiện. Ngoài ra, quy chuẩn mới cũng bổ sung nhiều vấn đề về báo hiệu giao thông khác, buộc lái xe cần phải cập nhật và ghi nhớ như: quy định chung về hành vi vượt xe, bỏ quy định vượt phải; quy định đặt biển chỉ dẫn lối đi khi đặt biển cấm; quy định ô-tô phải đỗ 1/2 thân xe lên vỉa hè tại một số khu vực; quy định bổ sung vạch phân chia các làn xe cùng chiều, dạng vạch kép.

Theo lãnh đạo Sở GTVT thành phố, quy chuẩn biển hiệu giao thông đường bộ thường được cập nhật mới trong khoảng thời gian 2-3 năm/lần. Do đó, lái xe cần chú ý quan sát biển báo, khi đến gần giao lộ thì cần quan sát kèm theo đèn tín hiệu giao thông, biển báo để tránh vi phạm. Đáng chú ý của quy chuẩn này là quy định về biển báo hiệu “bắt đầu khu đông dân cư” (R.420) và biển báo “hết khu đông dân cư” (R.421). Một trong những lỗi mà trước đây, nhiều lái xe bị xử lý lỗi chạy quá tốc độ vì nhầm tưởng là đã hết khu đông dân cư sau khi đi cả một quãng đường dài không có biển báo. Riêng đối với thành phố Đà Nẵng, trước tháng 7-2020, UBND thành phố đã triển khai việc điều chỉnh, thay thế biển báo theo QCVN 41:2019/BGTVT.

Theo đó, lắp đặt lại các biển báo theo quy chuẩn mới, đồng thời điều chỉnh, bổ sung biển báo các loại xe tải vào trung tâm thành phố... Cụ thể, điều chỉnh, thay thế nhóm biển báo số hiệu R.403, đường dành riêng cho từng loại xe lắp đặt trên giá long môn tại 26 tuyến đường phố chính trên địa bàn thành phố thành nhóm biển báo số hiệu R412 “Làn đường dành riêng cho từng loại xe hoặc nhóm xe”.

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích