Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quốc gia về đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhận xét đồ án có chất lượng và sẽ tạo ra “làn sóng” đầu tư, phát triển mới cho thành phố.
Các trục giao thông hướng đông-tây như tuyến đường Võ Văn Kiệt - Nguyễn Văn Linh với hầm chui qua Sân bay Đà Nẵng làm nên trục tăng trưởng cho phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn mới. Trong ảnh: Tuyến đường Võ Văn Kiệt, quận Sơn Trà. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Cấu trúc đô thị mạch lạc mở ra sự phát triển đa cực
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, thành phố đã đầu tư mọi nguồn lực để định hướng cho một thời kỳ phát triển mới của đô thị Đà Nẵng. Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được tư vấn thực hiện đã xác định, 10 năm tới (năm 2030) Đà Nẵng đạt dân số khoảng 1,97 triệu người, quy mô đất xây dựng đô thị hơn 34.000ha, chiếm hơn 35,5 % diện tích đất liền.
Thành phố Đà Nẵng sẽ có 3 vùng đô thị đặc trưng, 2 vành đai kinh tế (phía bắc là vành đai công nghiệp công nghệ cao và cảng biển-logistics, phía nam là vành đai đổi mới sáng tạo và nông nghiệp công nghệ cao). Không gian đô thị được định hướng phát triển chia làm 12 phân khu. Nổi bật như phân khu ven sông Hàn và bờ đông diện tích hơn 6.500ha, dân số khoảng 484.000 người, là đô thị hiện trạng được cải tạo và tái thiết hình thành đô thị nén tại trung tâm thành phố. Phân khu cảng Liên Chiểu diện tích 1.258ha, dân số khoảng 19.000 người, phát triển cảng Liên Chiểu, cụm logistics, Khu đô thị cảng biển; phân Khu Công nghệ cao diện tích khoảng 5.679ha, dân số dự kiến khoảng 314.000 người, phát triển công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghệ thông tin cùng với bến xe phía bắc, các khu đô thị đã và đang hình thành tại Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Hiệp Nam.
Phân khu Trung tâm lõi xanh diện tích khoảng 4.740ha dân số khoảng 61.000 người, là khu vực đặc trưng bởi các dãy Phước Tường - An Ngãi nhiều cây xanh, tuyến đường cao tốc bắc nam, tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao và ga đường sắt mới. Phân khu “Đổi mới sáng tạo” diện tích khoảng 3.900ha dân số khoảng 233.000 người, phát triển dịch vụ giáo dục đào tạo, y tế, thể dục thể thao chất lượng cao. Trọng tâm của phân khu này là làng đại học, công viên phần mềm cùng với các bệnh viện quốc tế, khu liên hiệp thể thao Hòa Xuân, bến xe phía nam. Phân khu Sân bay Đà Nẵng diện tích khoảng 1.300ha dân số khoảng 104.000 người, trọng tâm là sân bay Đà Nẵng và cụm logistics hiện đại mới. Về định hướng hạ tầng kỹ thuật, thành phố phải tiếp tục nâng cấp, mở rộng sân bay Đà Nẵng đạt công suất 30 triệu hành khách/năm.
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 lần này cũng bổ sung hầm chui xuyên qua sân bay Đà Nẵng, hầm qua sông Hàn, cầu đường bộ nối đường 29 Tháng 3 với đường Bùi Tá Hán. Đà Nẵng cũng định hướng hình thành mới bến xe phía bắc, bến xe phía tây (cửa ngõ lên Tây Nguyên), đồng thời tiếp tục phát triển bến xe phía nam. Bến xe Trung tâm hiện tại sẽ được chuyển đổi phục vụ giao thông công cộng. Một đường hầm xuyên qua ga đường sắt mới và đường cao tốc kết nối về phía tây cũng được đưa vào đồ án lần này.
Đánh giá về đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà rất tán thành trong định hướng thiết kế đô thị Đà Nẵng đã chú ý đến một số điểm nhấn như khu vực hai bờ sông Hàn, bán đảo Sơn Trà hay khu trung tâm thành phố… Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng đề nghị Đà Nẵng làm rõ thêm vấn đề bản sắc của đô thị Đà Nẵng. Đồng thời, Đà Nẵng cũng cần làm rõ mức độ đáp ứng và yêu cầu đảm bảo quốc phòng an ninh trong kết hợp phát triển kinh tế để hài hòa trong phát triển. Như vậy Đà Nẵng mới đáp ứng vai trò trong định vị chiến lược thúc đẩy sự phát triển Đà Nẵng đến năm 2030 là thành phố một phần của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu; cổng vào của hành lang kinh tế Đông - Tây; tham gia mạng lưới thông minh ASEAN cũng như là điểm đến phong cách sống toàn cầu; trung tâm du lịch, dịch vụ và kinh tế biển.
Đầu tư cảng Liên Chiểu làm động lực phát triển cho thành phố Đà Nẵng. Trong ảnh: Vệt dự án công trình và bãi biển Xuân Thiểu - Nam Ô, quận Liên Chiểu. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
“Thỏi nam châm” cảng Liên Chiểu
Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn cho rằng, cần phải ưu tiên, tập trung nguồn lực xây dựng khẩn trương cảng Liên Chiểu. “Phải dùng cú hích đầu tư công để xây cảng Liên Chiểu thật nhanh. Đây là động lực phát triển, hình thành trung tâm logistics lớn, khu đô thị trung tâm phía bắc của Đà Nẵng”, ông Vạn nói. Vấn đề này, Bí Thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa phân tích, theo trục giao thông từ Bắc vào Nam, cảng Liên Chiểu có lợi thế lớn hơn cả cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) hay cảng Cái Mép-Thị Vải (Thành phố Hồ Chí Minh) bởi cảng Liên Chiểu không chỉ là cảng nước sâu, được che chắn gió tốt mà còn có cả khu vực hậu cần công nghiệp, giao thông đường sắt, đường bộ Bắc - Nam ngay sau lưng. Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho biết, Đà Nẵng xác định tầm quan trọng của việc quy hoạch đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu nên thời gian đến địa phương chủ động công tác chuẩn bị đầu tư, kêu gọi đầu tập trung và đề xuất dự án tiếp cận nguồn vốn đầu tư công mang tính quốc gia.
Việc đưa cảng Liên Chiểu vào Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như chuyển công năng cảng Tiên Sa, theo chuyên gia Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Việt Nam, cảng Tiên Sa giờ không còn phù hợp, muốn chuyển hàng hóa qua ga đường sắt, đường bộ phải xuyên qua trung tâm thành phố. Vì thế, cần chuyển ngay sang cảng du thuyền, địa thế rất đẹp, chẳng khác gì cảng Monaco của Pháp. Đà Nẵng là thành phố du lịch, mà du lịch đẳng cấp phải có bến du thuyền. Song song với đó, phải cấp bách xây cảng Liên Chiểu, điều kiện thuận lợi, có mũi Hải Vân che chắn. Phải lấy vài trăm héc-ta mặt biển làm cảng, mở rộng thêm khu vực dân cư gần sông Cu Đê hình thành một trung tâm đô thị lớn ở đây.
TRIỆU TÙNG