Kinh tế

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG LẦN THỨ V, GIAI ĐOẠN 2020-2025

Ngành giao thông vận tải đóng góp phát triển Đà Nẵng

08:52, 28/09/2020 (GMT+7)

Quản lý tốt vận tải hành khách đường bộ và đường thủy nội địa, quy hoạch, phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông, phối hợp bảo đảm an toàn giao thông… là những điểm nổi bật mà ngành giao thông vận tải thành phố thực hiện trong 5 năm qua, góp phần thúc đẩy kinh tế Đà Nẵng phát triển toàn diện.

Hạ tầng giao thông của thành phố ngày càng hiện đại, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Trong ảnh: Công trình nút giao thông khác mức ngã ba Huế là dấu ấn lớn trong phát triển hạ tầng giao thông của Đà Nẵng.  Ảnh: TÙNG LÂM
Hạ tầng giao thông của thành phố ngày càng hiện đại, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. TRONG ẢNH: Công trình nút giao thông khác mức ngã ba Huế là dấu ấn lớn trong phát triển hạ tầng giao thông của Đà Nẵng. Ảnh: TÙNG LÂM

Đa dạng các loại hình và mạng lưới vận tải

Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Lê Văn Trung cho biết, 5 năm qua, các loại hình vận tải và mạng lưới vận tải trên địa bàn thành phố phát triển mạnh về quy mô, đáp ứng nhu cầu giao thương, đi lại của nhân dân và du khách.

Cụ thể, giai đoạn 2015-2020, khối lượng luân chuyển hàng hóa ước tăng 8,3%/năm, khối lượng luân chuyển hành khách ước tăng 9%/năm và doanh thu vận tải ước tăng 6,6%/năm. Sản lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 43,1 triệu tấn, tăng bình quân 9,3%/năm. “Bên cạnh phát triển quy mô, công tác quản lý vận tải có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần phát triển vận tải, dịch vụ, kiểm soát hoạt động của các phương tiện và duy trì trật tự vận tải trên địa bàn thành phố. Song song, ngành đã duy trì công tác kiểm soát tải trọng xe, kiểm tra xử lý “xe dù, bến cóc”, xe trá hình hoạt động trên địa bàn thành phố, đặc biệt là khu vực sân bay, bến xe”, ông Lê Văn Trung nhìn nhận.

Đặc biệt, ngành giao thông vận tải thành phố đã đưa vào vận hành 12 tuyến buýt trợ giá, 2 tuyến buýt du lịch và tuyến buýt liền kề Đà Nẵng - Huế, nâng tổng số lên 20 tuyến buýt hoạt động trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, hệ thống xe buýt chất lượng cao đang được triển khai đầu tư trong khuôn khổ Dự án phát triển bền vững, dự kiến đưa vào hoạt động sau năm 2020. Xe buýt trợ giá hoạt động bước đầu ổn định, lượng hành khách tăng dần, từng bước thay đổi thói quen của người dân. “Từ khi có tuyến xe buýt trợ giá, con tôi đi học hằng ngày rất thuận tiện, an toàn. Tôi mong các tuyến xe buýt này mở rộng, trong đó ưu tiên các tuyến ngang qua trường học để phục vụ học sinh”, bà Trần Thị Thanh Hòa (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) chia sẻ.

Công tác quản lý vận tải hành khách đường thủy nội địa được tăng cường, kiểm tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Ngành giao thông đã huy động nguồn lực xã hội hóa, khuyến khích thay thế toàn bộ các tàu hoán cải để đóng mới, khai thác các tàu du lịch quy mô trên 50 khách. Ngoài ra, ngành đã phối hợp, triển khai lắp đặt hệ thống giám sát nhận diện tự động AIS để quản lý tất cả các tàu du lịch. Chính vì vậy, hoạt động du lịch đường thủy nội địa đi vào ổn định. Sản lượng vận chuyển hành khách đường thủy ước tăng bình quân 54,4%/năm, góp phần đáng kể phát triển du lịch thành phố.

Hạ tầng giao thông là khâu đột phá

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Sở GTVT thành phố cho biết, thời gian qua đơn vị đã tham mưu thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết của ngành và rà soát, điều chỉnh quy hoạch GTVT thành phố, cập nhật vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hướng đến phát triển bền vững trong tương lai.

Trong 5 năm qua, ngành GTVT thành phố kiên trì quan điểm lấy phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông làm khâu đột phá, xem đây là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu và đi trước một bước. Theo đó, ngành đã chủ trì thẩm định hơn 722 công trình và hạng mục công trình giao thông các loại; thực hiện kiểm tra công tác quản lý chất lượng của 225 công trình/hạng mục công trình; khởi công, đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông quan trọng thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội thành phố và có ý nghĩa động lực cho cả khu vực. Mạng lưới đường giao thông nông thôn cũng được quan tâm đầu tư xây dựng góp phần xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại...

Công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh, nhất là trong việc quản lý duy tu, bảo dưỡng, bảo trì kết cấu đường bộ, đường thủy, hệ thống đèn tín hiệu giao thông, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng giao thông và tạo sự an toàn, thuận lợi cho các phương tiện tham gia giao thông. Đi đôi với phát triển hạ tầng giao thông, Sở GTVT cũng triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kéo giảm tai nạn giao thông hằng năm.

Theo đó, tiến hành cải tạo các nút giao thông trọng điểm thành nút giao khác mức; cải tạo, lắp đặt đèn tín hiệu điều khiển giao thông tại các nút giao; triển khai nhiều giải pháp tổ chức giao thông như: Tổ chức giao thông một chiều, cấm đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ; phân luồng điều tiết xe tải, xe kéo rơ-mooc, sơ-mi rơ-mooc, xe khách; hạn chế tốc độ; cấm dừng, đỗ xe giờ cao điểm; lắp đặt camera giám sát giao thông trên các tuyến đường và xử phạt vi phạm qua camera… góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông trên địa bàn. Ngành giao thông chủ động triển khai định kỳ 1 năm/2 lần tổng rà soát, xử lý các vị trí tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các địa bàn quận, huyện.

“Những giải pháp quyết liệt của ngành, cũng như sự phối hợp của các đơn vị, địa phương, trong đó đặc biệt là lực lượng Công an, tình hình an toàn giao thông của thành phố ngày càng chuyển biến tích cực. 5 năm liên tiếp, tai nạn giao thông giảm dần trên cả 3 tiêu chí; không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài; văn hóa và ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được nâng lên, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”, ông Lê Văn Trung khẳng định.

Tính đến ngày 31-12-2019, toàn thành phố có 2.440 tuyến đường bộ với tổng chiều dài 1.436,63km (tăng 265,59km so với đầu năm 2015), 74 cầu với tổng chiều dài 14.961,50m (tăng 3 cầu với so với đầu năm 2015); 7 tuyến đường thủy nội địa đang khai thác với tổng chiều dài 63,2km.

PHƯƠNG THANH

.