Ưu tiên cấp điện cho trạm bơm chống ngập úng

.

Nhằm tiếp tục chuẩn bị ứng phó với ngập úng đô thị trong những tháng cao điểm mưa bão sắp đến, các đơn vị liên quan đang khẩn trương thực hiện các giải pháp cấp điện ưu tiên, bảo đảm cấp điện liên tục cho các trạm bơm chống ngập úng trên địa bàn thành phố.

Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng Hà Văn Thành cho biết, rút kinh nghiệm từ việc trạm bơm chống ngập cho khu vực tuyến đường Trương Chí Cương - Nguyễn Xuân Nhĩ (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) bị mất điện từ 3 giờ sáng đến 6 giờ sáng 18-9 do ảnh hưởng của bão số 5, làm ảnh hưởng đến công tác chống ngập úng ở khu vực nói trên, đơn vị đã làm việc với các cơ quan chức năng để cấp điện ưu tiên, bảo đảm cấp điện liên tục các trạm bơm chống ngập úng ở khu vực trung tâm thành phố. “Đơn vị đã có văn bản đề nghị Sở Công thương và các đơn vị chức năng về việc quan tâm, hỗ trợ cung cấp điện ưu tiên cho các trạm bơm chống ngập úng theo quy định để bảo đảm vận hành, chống ngập úng đô thị.

Mặt khác, việc đầu tư máy phát điện có công suất đến 1.000kVA có kinh phí rất lớn và việc tìm kiếm công ty cho thuê loại máy phát điện này rất khó khăn mà công ty cho thuê cũng khó lòng chấp thuận việc chở máy phát điện đến các trạm bơm trong điều kiện mưa lớn, gió bão vì dễ gây hư hỏng máy. Do đó, việc cấp điện ưu tiên cho các trạm bơm chống ngập úng là phương án phù hợp, khả thi. Trước mắt, đơn vị đã làm việc với Điện lực Hải Châu (thuộc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng) để kịp thời phối hợp, bảo đảm cấp điện cho các trạm bơm chống ngập”, ông Hà Văn Thành chia sẻ.

Trong khi đó, theo ông Võ Hòa, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, đơn vị luôn xem các trạm bơm chống ngập là những phụ tải cấp điện ưu tiên. Các trạm bơm này đều được cấp điện từ 2 nguồn điện lưới. Theo đó, trạm bơm chống ngập đường Trương Chí Cương - Nguyễn Xuân Nhĩ được cấp điện chính từ đường dây 22kV của xuất tuyến (XT) 475E13 thuộc Trạm biến áp (TBA) 220kV Ngũ Hành Sơn; dự phòng cấp điện từ đường dây XT 477E11 thuộc TBA 110kV Liên Trì và đường dây XT 473E12 thuộc TBA 110kV Cầu Đỏ. Trạm bơm chống ngập Thuận Phước được cấp điện từ đường dây XT 482E11 và dự phòng cấp điện từ XT 473E10 thuộc TBA 110kV Xuân Hà; ngoài ra, trạm bơm này còn được lắp đặt máy phát điện dự phòng do thành phố đầu tư. Trạm bơm chống ngập khu vực Đảo Xanh (đầu cầu Trần Thị Lý) được cấp điện từ đường dây XT 477E11 và dự phòng cấp điện từ XT 482E11.

Tuy nhiên, sự cố gây mất điện cho trạm bơm chống ngập khu vực đường Trương Chí Cương - Nguyễn Xuân Nhĩ vào rạng sáng 18-9 là do sét đánh trực tiếp vào hệ thống đường dây XT 475E13, gây mất điện cả đường dây. Đơn vị đã khẩn trương triển khai lực lượng và tăng cường phương tiện cơ giới, tiến hành kiểm tra đường dây, xác định vị trí sự cố và nỗ lực khôi phục cấp điện song song việc bảo đảm an toàn lực lượng thi công, ứng trực trong điều kiện mưa bão.

“Các trạm bơm chống ngập (kể cả các trạm chuẩn bị đưa vào vận hành) hiện nằm trong danh mục các điểm cấp điện ưu tiên và được cấp điện từ 2 nguồn điện lưới, có thể chuyển tải qua lại khi một bên mất điện. Tuy nhiên, trường hợp sự cố mất điên tại trạm bơm chống ngập tuyến đường Trương Chí Cương - Nguyễn Xuân Nhĩ vừa qua lại xảy ra tại khu vực gần trạm bơm, phải xử lý xong mới cấp điện trở lại được.

Do đó, đối với các phụ tải quan trọng như trạm bơm chống ngập, đặc biệt trong những thời điểm mưa lớn, bão, lụt, việc đầu tư máy phát điện dự phòng tại chỗ mới có thể đáp ứng được yêu cầu bảo đảm nguồn điện liên tục như trạm bơm chống ngập Thuận Phước (đã có máy phát điện dự phòng)”, ông Võ Hòa đề nghị. Theo ông Hòa, để chủ động nguồn điện trong tình huống xảy ra thiên tai, sự cố bất khả kháng cũng như tạm ngừng cấp điện theo kế hoạch (thông báo trước với khách hàng), khách hàng cần có phương án bố trí máy phát điện dự phòng, bảo đảm nguồn điện liên tục cho các phụ tải quan trọng này.

HOÀNG HIỆP

 

;
;
.
.
.
.
.