Kinh tế ban đêm là phần không nhỏ của một thành phố phát triển du lịch bởi các hoạt động kinh tế về đêm không chỉ tạo được sự khác biệt cho điểm đến mà còn mang lại nguồn thu đáng kể. Ngày 28-9-2020, UBND thành phố ra Quyết định số 3613/QĐ-UBND ban hành đề án “Phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Nẵng”. Đây là cơ hội để ngành du lịch thành phố hình thành thêm các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, góp phần tăng thời gian lưu trú, chi tiêu của du khách khi đến Đà Nẵng.
Ngành du lịch nên hình thành chuỗi sản phẩm phù hợp và tạo sự khác biệt để phục vụ du khách. TRONG ẢNH: Du khách mua sắm tại chợ đêm Sơn Trà. Ảnh: THU HÀ |
3 giai đoạn phát triển
Đà Nẵng được đánh giá là một trong những thành phố có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm với hệ thống hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất, các hoạt động, dịch vụ về đêm đã cơ bản được hình thành đồng bộ, môi trường du lịch an toàn, thân thiện, thu hút lượng lớn du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, nghỉ dưỡng hằng năm.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh, những năm gần đây, một số hoạt động vui chơi, giải trí, dịch vụ ban đêm đang hình thành như khu phố du lịch An Thượng, chợ đêm Sơn Trà, Helio, khu du lịch Sun World Danang Wonders… Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế ban đêm mới chỉ được khai thác ở quy mô nhỏ, hoạt động mang tính tự phát riêng lẻ, manh mún tại một số khu vực trên địa bàn thành phố, chưa tạo được dấu ấn khác biệt so với các hoạt động trong khung giờ truyền thống. Chưa kể, kinh tế ban đêm cũng đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức liên quan tới vấn đề an ninh trật tự địa phương, áp lực hạ tầng, ô nhiễm tiếng ồn, rác thải… và chưa có khung pháp lý, chính sách về thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm. Vì thế, đề án “Phát triển kinh tế ban đêm tại Đà Nẵng” được UBND ban hành có thể được xem là một trong những đòn bẩy quan trọng vừa phục vụ mục tiêu trước mắt là phục hồi hoạt động du lịch hậu Covid-19, khắc phục những hạn chế nêu trên, vừa góp phần tạo thêm sản phẩm thu hút du khách, phát triển du lịch, dịch vụ nói riêng và phát triển kinh tế của thành phố nói chung.
Do đó, định hướng phát triển kinh tế ban đêm của đề án dự kiến có 3 giai đoạn. Giai đoạn thí điểm (dự kiến từ năm 2021-2022), thành phố sẽ khảo sát, chọn lọc, tổ chức khai thác các khu vực, dịch vụ phục vụ kinh tế ban đêm sẵn có trên nguyên tắc bảo đảm mỹ quan, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, chất lượng, tính hấp dẫn, có khả năng phát triển và có hiệu quả; đồng thời hạn chế tối thiểu ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân. Giai đoạn 2 (dự kiến từ năm 2022-2025), thành phố hoàn thành định hướng phát triển kinh tế ban đêm, hình thành mô hình kinh tế ban đêm của Đà Nẵng. Đồng thời, kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án phục vụ phát triển kinh tế ban đêm, ưu tiên xây dựng một số khu tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt, tách biệt khu dân cư, quy mô lớn và đẳng cấp ngang tầm với các khu vui chơi giải trí nổi tiếng trên thế giới. Giai đoạn 3 (dự kiến từ 2025 trở đi), thành phố hình thành, đưa vào hoạt động các dự án, các tổ hợp giải trí ban đêm, tăng tốc phát triển và phát huy hiệu quả các hoạt động, dịch vụ phát triển kinh tế ban đêm.
Sản phẩm du lịch của kinh tế ban đêm phải có sự khác biệt và thu hút khách. TRONG ẢNH: Hoạt động hô hát bài chòi diễn ra vào các buổi tối cuối tuần tại chân cầu Rồng phía đường Trần Hưng Đạo. (Ảnh chụp tháng 6-2020). Ảnh: THU HÀ |
Cần quy hoạch đồng bộ
Thực tế, những chuyên gia và người làm du lịch đều nhận thấy các sản phẩm du lịch về đêm là “mỏ vàng” để ngành du lịch khai thác. Bởi, ban ngày du khách dành thời gian để đi thăm cảnh đẹp, ban đêm là khoảng thời gian để vui chơi, trải nghiệm các dịch vụ và tiêu tiền. Điều quan trọng là phải hình thành được một nền kinh tế ban đêm có sự khác biệt, thực sự hấp dẫn và có sức hút đối với du khách.
Ông Trần Lực, Phó Giám đốc Công ty dịch vụ lữ hành Saigon tourist, Chi nhánh Đà Nẵng chỉ ra rằng, các điểm mua sắm hiện nay của Đà Nẵng nằm rải rác ở nhiều nơi khác nhau (chợ đêm Sơn Trà, chợ đêm Lê Duẩn, chợ đêm Thanh Khê Tây…). Việc đầu tư tản mát, không đồng bộ, rải rác nhiều nơi sẽ khó thành công. Bên cạnh đó, việc các sản phẩm dịch vụ ở quá xa nhau, đi lại tốn nhiều thời gian của khách, tốn chi phí thì sẽ khó lên các chương trình tour. Đà Nẵng nên quy hoạch và xây dựng một khu phức hợp để du khách đến đó có thể tham quan, ăn uống, mua sắm… cả ngày lẫn đêm. Như thế sẽ thuận lợi cho các đơn vị lữ hành trong việc xây dựng tour cũng như tạo sự tiện lợi cho khách không phải di chuyển nhiều tốn thời gian. “Khi đi du lịch, du khách thường thích tương tác với người dân, tìm hiểu văn hóa bản địa, vì thế rất cần những khu mua sắm có các hoạt động của người dân bản địa. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng được sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Đà Nẵng để đến Đà Nẵng là khách mua sản phẩm đó mang về”, ông Trần Lực đề xuất.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng bày tỏ, phía doanh nghiệp mong muốn có những sản phẩm du lịch, hoạt động hấp dẫn để thu hút khách đến Đà Nẵng. Mỗi năm, Đà Nẵng nên giới thiệu ít nhất một sản phẩm mới để tạo sức hút với du khách. Ví dụ, thành phố có chủ trương hình thành một phố đi bộ, chợ đêm mua sắm, giải trí, ẩm thực từ cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý qua cầu Nguyễn Văn Trỗi… Nếu làm tốt điều đó, thành phố sẽ có một khung cảnh tấp nập “trên bến dưới thuyền”, tức là trên có phố đi bộ, dưới có tàu du lịch qua lại. Trên tuyến phố đi bộ có các dịch vụ ẩm thực giải trí mua sắm kéo dài từ cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý, công viên châu Á, chợ đêm Sơn Trà…
Bà Trương Thị Hồng Hạnh cho hay, trên cơ sở tham khảo các mô hình phát triển kinh tế ban đêm trên thế giới và tình hình thực tế tại Đà Nẵng, giai đoạn 2021-2025, Đà Nẵng sẽ phát triển kinh tế ban đêm với thương hiệu “Đêm Đà Nẵng” (Danang by Night), với các dịch vụ, hoạt động về đêm lung linh, nhiều màu sắc; các hoạt động dọc sông Hàn xen lẫn nét thơ mộng, hiện đại; hình thành các loại hình tàu lưu trú hạng sang 4-5 sao.
Bên cạnh đó, du khách có thể trải nghiệm sự thân thiện, hiền hòa của người Đà Nẵng trong sinh hoạt cộng đồng tại những tuyến phố đi bộ, chợ đêm, chợ truyền thống với các sản phẩm địa phương đặc trưng. Các hoạt động, dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế ban đêm như văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao biển, phố đi bộ, các chương trình nghệ thuật, dịch vụ ăn uống, mua sắm tham quan du lịch về đêm... Dựa trên định hướng về không gian phát triển kinh tế ban đêm và các nhóm hoạt động, dịch vụ, thành phố sẽ kết nối các địa điểm phù hợp để tạo thành chuỗi các hoạt động, dịch vụ bổ trợ như kết nối giữa phố du lịch An Thượng và tuyến đường ven biển Hoàng Sa- Võ Nguyên Giáp - Trường Sa; phố đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo và chợ đêm Sơn Trà…
THU HÀ