Siết chặt quản lý hoạt động chuyển nhượng đất nông nghiệp nhưng không sản xuất

.

Thời gian qua, có không ít người rao bán đất nông nghiệp, đất rừng trái phép và cũng có nhiều người ở nội đô về khu vực nông thôn để mua đất nông nghiệp với giá rẻ nhưng không sản xuất, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai.

Hiện nay, một số người dân mua đất nông nghiệp để xây dựng nhà chứ không sản xuất (Ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: HOÀNG HIỆP
Hiện nay, một số người dân mua đất nông nghiệp để xây dựng nhà chứ không sản xuất (Ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: HOÀNG HIỆP

Trên các trang mạng xã hội, có không ít người đang rao tin mua, bán đất nông nghiệp, đất rừng đang sản xuất, đất màu, đất trồng cây lâu năm... , trong đó, có nhiều thông tin rao mua, bán đất có diện tích lớn tại các xã của huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu. Đặc biệt, có nhiều mẩu tin có các cụm từ: “khách đầu tư”, “đất viết tay”, “giấy tờ 3 lá”...

Cũng có không ít trường hợp sau khi đã mua đất nông nghiệp, các đơn vị liền tiến hành thủ tục yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết việc chuyển đổi tên, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Ngoài ra, có không ít “khách đầu tư” tìm mua đất nông nghiệp nhằm tiến hành phân lô, bán nền. Thậm chí, trong mẩu tin rao bán đất nông nghiệp còn có thêm nội dung “chuyển lên đất được”, để thu hút người mua đất.

Theo Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) thành phố, thời gian qua, một số Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ thành phố, nhất là tại huyện Hòa Vang, có tiếp nhận đơn của một số tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, trong đó chủ yếu đất trồng rừng sản xuất của hộ gia đình, cá nhân, nhưng không rõ mục đích sau khi nhận chuyển nhượng đất. Nội dung đơn yêu cầu đăng ký biến động, cấp đổi sổ đỏ. Tuy nhiên, các yêu cầu chưa được giải quyết vì chưa bảo đảm các quy định của pháp luật về đất đai.

Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ thành phố Đà Nẵng Nguyễn Hồng Song cho rằng, ngoại trừ đất trồng lúa bị cấm chuyển nhượng cho người không trực tiếp sản xuất, còn các loại đất nông nghiệp khác thì pháp luật không cấm chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng đất nông nghiệp phải có diện tích không quá hạn mức giao đất theo quy định.

Trường hợp nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp mà không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì phải chuyển sang thuê đất nông nghiệp với Nhà nước (mua đất của nông dân nhưng cũng phải trả tiền thuê đất với Nhà nước). “Tuy nhiên, quy định cũng chưa rõ ràng lắm làm chúng tôi lúng túng trong việc giải quyết chuyển đổi tên, cấp sổ đỏ”, ông Nguyễn Hồng Song nói.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Nguyễn Quang Vinh cho rằng, thời gian qua, tại thành phố Đà Nẵng, người dân ở khu vực đô thị (không phải người sản xuất nông nghiệp) về khu vực nông thôn để mua, nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của nông dân (được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất) để đầu cơ. Tình trạng này dễ dẫn đến nông dân mất đất sản xuất.

Trong khi đó, pháp luật về đất đai hiện hành chỉ hạn chế việc chuyển nhượng đất trồng lúa, chứ không hạn chế các đối tượng nhận chuyển nhượng các loại đất nông nghiệp khác. Có nhiều người sau khi nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp thì bỏ hoang hóa, dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai. Thậm chí, có trường hợp gây áp lực lên chính quyền về việc chuyển mục đích sử dụng đất sang mục đích sử dụng khác, dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch. Thực tế, đã có trường hợp như Công ty CP Alibaba (công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh đã thu mua hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu) để chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô, bán nền với hậu quả để lại rất lớn.

“Nhà nước đã giao đất nông nghiệp cho nông dân sản xuất với ưu đãi không thu tiền sử dụng đất, thì chỉ có nông dân sử dụng diện tích đất đó thôi. Bây giờ chuyển nhượng cho một đối tượng khác mà không phải là trường hợp sản xuất trực tiếp thì không thuộc đối tượng được ưu đãi như nông dân. Do đó, để khắc phục tình trạng mua, bán đất nông nghiệp và tránh để xảy ra trường hợp mua đất nông nghiệp để phân lô và bán nền, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ xem xét, bổ sung quy định đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì khi nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp phải chuyển sang thuê đất nông nghiệp với Nhà nước do trong trường hợp này, người nhận chuyển nhượng là đối tượng không được Nhà nước ưu đãi như đối với nông dân”, ông Nguyễn Quang Vinh đề nghị.

Đối với việc nhiều người dân đã xây dựng nhà trong những năm qua trên các thửa đất nông nghiệp xen lẫn các trong khu dân cư trên địa bàn thành phố đề nghị được chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, từ ngày 20-4-2018, UBND thành phố đã có Công văn số 2856/UBND-QLĐTh chỉ đạo sử dụng các thửa đất nông nghiệp này theo hướng sử dụng vào mục đích chung. Đồng thời, hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở đối với các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Liên Chiểu (trừ phường Hòa Hiệp Bắc), quận Ngũ Hành Sơn (trừ phường Hòa Quý và Hòa Hải) và bảo đảm hạ tầng đô thị tại huyện Hòa Vang cũng như các phường, xã còn lại. Tiếp đó, vào ngày 17-8-2018, Văn phòng UBND thành phố có Công văn số 2189/VP-QLĐTh nêu chỉ đạo của UBND thành phố là đối với đất nông nghiệp thuần túy, sử dụng mục đích tăng cường không gian xanh đô thị.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.