Hiến kế cho khởi nghiệp Đà Nẵng

.

Đà Nẵng đã xây dựng được nền tảng cho một hệ sinh thái khởi nghiệp với các thành phần như: vườn ươm doanh nghiệp, các dự án khởi nghiệp, nhà trường, nhà đầu tư… Báo Đà Nẵng giới thiệu một số ý kiến của các nhà khởi nghiệp, đơn vị ươm tạo nhằm giúp thành phố tiếp tục phát triển khởi nghiệp trong năm 2021. 

Ông Thống Lê Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Cashbag (quận Hải Châu), nhà sáng lập dự án khởi nghiệp Cashbag: Phát triển một số startup tiêu biểu để thu hút nhà đầu tư

Thực tế cho thấy, những năm qua, nhiều startup sau khi thành lập và ươm tạo ở Đà Nẵng thì phải chuyển đến Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục phát triển. Bản thân Cashbag cũng đã “nam tiến”, xây dựng đội ngũ kinh doanh ở Thành phố Hồ Chí Minh còn đội ngũ kỹ thuật thì ở Đà Nẵng.

Có một số lý do để các startup chọn “bắc tiến” hoặc “nam tiến”. Thứ nhất, hầu hết nhà đầu tư, quỹ đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam tập trung ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Để có thể gọi vốn, người sáng lập dự án phải thường xuyên gặp gỡ nhà đầu tư, xây dựng mối quan hệ và lòng tin. Thứ hai, thị trường nhân sự ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều rộng và có phần năng động hơn Đà Nẵng, thuận lợi cho công tác tuyển dụng. Ở hai thành phố lớn, các startup cũng dễ gặp được người giỏi để trao đổi kinh nghiệm và học hỏi.  Thứ ba, đối với những startup như Cashbag (nền tảng tiếp thị liên kết) thì Thành phố Hồ Chí Minh là một thị trường màu mỡ bởi sức mua lớn, các nhà bán lẻ cởi mở với những dịch vụ, công nghệ mới. Nhờ những lợi thế về khí hậu, Cashbag ở Thành phố Hồ Chí Minh có thể kinh doanh quanh năm mà không chịu ảnh hưởng bởi mưa bão như tại Đà Nẵng.

Tuy vậy, Đà Nẵng vẫn có những thế mạnh của riêng mình. Lý do khiến Cashbag quyết tâm xây dựng đội ngũ kỹ thuật tại Đà Nẵng là vì nhân sự kỹ thuật ở đây không hề thua kém Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí có phần nổi trội hơn nhờ sự chăm chỉ, lòng trung thành, ít nhảy việc. Kỹ thuật là vấn đề “xương sống” của một startup công nghệ, vì vậy đội ngũ ở Đà Nẵng cũng được Cashbag chú trọng đầu tư.

Thời gian vừa qua, Đà Nẵng đã thành công trong việc xây dựng nền tảng của một hệ sinh thái khởi nghiệp, trở thành điểm đến khởi nghiệp sáng nhất trong khu vực miền Trung. Trong giai đoạn tiếp theo, để có thể tiếp tục phát triển sâu hơn, tôi nghĩ Đà Nẵng nên dồn sức đẩy mạnh từ 4 đến 5 startup tiêu biểu, lấy đây làm “mồi câu” để thu hút các quỹ đầu tư, nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Sự xuất hiện của họ ở thành phố sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các startup địa phương khác, đồng thời giúp giới khởi nghiệp quốc tế biết nhiều hơn về Đà Nẵng.

Lê Thị Cẩm Trinh, nhà đồng sáng lập dự án khởi nghiệp Umbalena (Công ty TNHH Công nghệ VOOC, quận Hải Châu): Thu hút các công ty, tập đoàn lớn vào Đà Nẵng

Umbalena được thành lập và trải qua giai đoạn ươm tạo tại Đà Nẵng. Trong thời gian ở thành phố, chúng tôi đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía chính quyền. Thực tế là số dự án khởi nghiệp ở Đà Nẵng còn ít nên dễ nhận được hỗ trợ. Hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng cũng nhỏ nên các thành viên dễ quen biết nhau, giúp đỡ nhau trong việc kết nối quan hệ, truyền thông. Các thông tin, chính sách của chính quyền cũng dễ đến với startup hơn. Bản thân Umbalena cũng được Hội LHPN thành phố hỗ trợ tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp Việt Nam 2020, lọt vào top 3 dự án xuất sắc nhất, đoạt giải cao nhất hạng mục tiên phong trong lĩnh vực Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Hội LHPN thành phố cũng giúp dự án tham gia các chương trình tập huấn, kết nối với báo chí, đài truyền hình… Bên cạnh đó, Umbalena cũng tham gia ươm tạo tại Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng, được tư vấn, xúc tiến làm việc với các quỹ đầu tư, có cơ hội gặp gỡ các chuyên gia đầu ngành…

Hiện nay, Đà Nẵng vẫn là một nơi phù hợp cho các startup công nghệ ở giai đoạn sớm. Song khi đã qua giai đoạn này thì startup rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao để đưa công ty phát triển. Đây là vấn đề mà thành phố vẫn đang thiếu so với Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh. Để giải quyết bài toán này, tôi cho rằng Đà Nẵng có thể “đi đường vòng” bằng cách thu hút các công ty, tập đoàn lớn quốc tế đến mở chi nhánh ở Đà Nẵng. Những doanh nghiệp này sẽ đưa công nghệ và nhân sự giỏi về, xây dựng các chương trình tập huấn nhân sự, góp phần đẩy nhân sự Đà Nẵng lên một tầm cao mới về cả chất lượng và số lượng. Bên cạnh đó, thành phố có thể quy hoạch một vài tòa nhà để cho các startup thuê mặt bằng với giá ưu đãi. Ngoài ra, tạo mạng lưới các cố vấn trong những ngành hẹp, mới như xây dựng ứng dụng di động, marketing cho sản phẩm ứng dụng di động…

Ông Lý Đình Quân, Giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn: Phát triển khởi nghiệp du lịch, tận dụng thế mạnh của thành phố

Covid-19 đã khiến ngành du lịch của Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy vậy, đây có thể là cơ hội để thành phố lựa chọn các sản phẩm khởi nghiệp du lịch đổi mới sáng tạo, có yếu tố tăng trải nghiệm, du lịch bền vững... Đây là các sản phẩm mới, dựa trên lợi thế bản địa, cần có chính sách hỗ trợ và kết nối với doanh nghiệp để tạo ra các chuỗi giá trị du lịch mới, tăng sức cạnh tranh, kết hợp với phát triển thương hiệu địa phương sẽ tạo ra sự đa dạng hóa các chuỗi dịch vụ này.

Thành phố nên khuyến khích startup sử dụng các ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực quản trị, giảm chi phí, giải quyết các tồn tại của ngành như ứng dụng đào tạo du lịch trực tuyến, ứng dụng quản trị và cung ứng nguồn nhân lực du lịch, các ứng dụng đặt phòng, các ứng dụng 3D nhằm số hóa các di tích, tăng trải nghiệm, ứng dụng thưc tế ảo cho trải nghiệm du lịch số, ứng dụng tại sàn bán dịch vụ cho các công ty lữ hành quốc tế, ứng dụng quản lý điểm dịch vụ xanh, ứng dụng quảng bá dịch vụ trên nền tảng xã hội du lịch… Theo tôi, hàng trăm ứng dụng có thể phục vụ đa dạng mọi nhu cầu cho doanh nghiệp số hóa ngành du lịch. Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn có thể phối hợp lựa chọn, tổ chức giới thiệu 10-30 doanh nghiệp công nghệ cho cộng đồng du lịch.

PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.