XỬ LÝ NUÔI THỦY SẢN TRÁI PHÉP TRÊN SÔNG, VỊNH: CẦN GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

Bài cuối: Cần chính sách hỗ trợ kịp thời

.

Trước quy định cấm nuôi thủy sản bằng lồng, bè trên các sông Cẩm Lệ, Cổ Cò và vịnh Mân Quang của UBND thành phố, nhiều nông dân nuôi cá theo hình thức tự phát đang gặp nhiều khó khăn. Do vậy, cơ quan chức năng cần xem xét quy hoạch phát triển vùng nuôi thủy sản trên sông kết hợp với phát triển du lịch để họ được tiếp tục hành nghề.

Người dân nuôi cá lồng bè gần khu vực cầu Nguyễn Tri Phương, quận Cẩm Lệ. Ảnh: VĂN HOÀNG
Người dân nuôi cá lồng bè gần khu vực cầu Nguyễn Tri Phương, quận Cẩm Lệ. Ảnh: VĂN HOÀNG

Nguồn sinh kế chủ yếu

Ông Nguyễn Đức Phong (trú phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) chia sẻ, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên sông được ông triển khai từ năm 2014 và đây là nguồn sinh kế chủ yếu của gia đình. Trừ các khoản chi phí, việc nuôi cá mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Mặc dù các cấp chính quyền quận, phường nhiều lần gặp mặt tuyên truyền, nhưng do chưa có việc làm thay thế, ông vẫn bám trụ với nghề này.

“Chúng tôi biết có lệnh cấm, nhưng nếu nghỉ nuôi cá thì không biết phải mưu sinh bằng nghề gì. Vốn đầu tư của gia đình tôi đều nằm trong những lồng bè nuôi cá này. Hy vọng thành phố sẽ có hỗ trợ để tôi cũng như nhiều hộ dân khác tiếp tục được nuôi cá hoặc chuyển đổi việc làm phù hợp”, ông Phong nói.

Tương tự, gắn bó với việc nuôi cá bằng lồng, bè trong nhiều năm nay, ông Lê Sơn (trú tổ 89, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) bày tỏ, gia đình ông đang nuôi 14 lồng cá với tổng số tiền đầu tư lên đến 300 triệu đồng từ nguồn vốn vay. Đối với chủ trương của thành phố, ông Sơn cùng nhiều hộ dân nuôi cá khác sẽ tuân thủ và chấp hành.

Tuy nhiên, cần gia hạn thời gian cụ thể để người dân tính toán việc thu hoạch, bán lồng bè. Đồng thời, cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời và hiệu quả sau khi dừng việc nuôi cá như: bố trí lô buôn bán ở chợ, hỗ trợ vay vốn để kinh doanh…

“Các hộ nuôi cá khu vực này đều là những người lớn tuổi. Bây giờ, để chúng tôi học nghề mới thì không biết khi nào mới có thể đi làm nuôi gia đình. Vì vậy, tôi mong chính quyền thành phố, quận có những giải pháp phù hợp, thiết thực để giúp đỡ và tạo thuận lợi cho chúng tôi ổn định kinh tế”, ông Sơn cho hay.

Từ đầu năm 2020, UBND quận Sơn Trà đã tháo dỡ toàn bộ 61 chòi canh, nhà tạm dựng trái phép trên cồn đất vịnh Mân Quang; 113 chòi canh, nhà tạm trên các lồng bè dưới nước tại vịnh Mân Quang. Một số lồng bè đã thu hoạch xong, người dân tự tháo dỡ. Đối với các lồng bè chưa đến thời kỳ thu hoạch, các địa phương đã yêu cầu các hộ cam kết tự tháo dỡ, di dời ngay sau khi thu hoạch xong.

Ông Nguyễn Hoàng Vũ (hộ nuôi cá lồng bè, phường Nại Hiên Đông) bộc bạch: “Thực sự việc cấm nuôi cá trên vịnh Mân Quang thì chúng tôi đã biết từ lâu nhưng do không có nghề nghiệp khác, dự án lại chưa diễn ra nên bà con vẫn bám nghề. Chúng tôi mong muốn được nuôi hết lứa cá này, đến cuối năm nay, khi cá xuất lồng, bà con cam kết sẽ tháo dỡ lồng bè, nhà chòi, trả lại mặt nước”.

Đâu là giải pháp?

Theo ông Cao Đình Hải, thực hiện chủ trương của thành phố, UBND phường cũng nhiều lần tổ chức đối thoại, phối hợp các lực lượng ra quân tuyên truyền và đề nghị người dân có kế hoạch chấm dứt nuôi. Song, do một số hộ nuôi cá sinh sống ở các quận, huyện khác nên việc tuyên truyền gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, một số kiến nghị, nguyện vọng của các hộ dân vượt quá thẩm quyền của địa phương nên không thể giải quyết kịp thời, phải trình lên các cấp.

Trong quá trình tuyên truyền, nhiều hộ vẫn tiếp tục thả lứa cá mới để duy trì hoạt động. Qua nhiều buổi đối thoại với các hộ dân nuôi cá lồng bè trên vịnh Mân Quang, đa số người dân bày tỏ nguyện vọng được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tháo dỡ, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề và mong muốn thành phố quy hoạch và hỗ trợ mặt nước để tiếp tục nuôi cá bằng lồng, bè.

Được biết, tháng 3 vừa qua, UBND quận Cẩm Lệ đã ban hành công văn về kiểm tra, xử lý việc nuôi trồng thủy sản trên lưu vực sông Cẩm Lệ. Theo đó, tiếp tục rà soát, thống kê các hộ nuôi lồng bè trên địa bàn. Mặt khác tiến hành khảo sát, tổng hợp các ý kiến, nguyện vọng của các hộ dân trong việc chuyển đổi ngành nghề sản xuất để ổn định đời sống; phối hợp với các đơn vị có liên quan đề xuất giải pháp, tổ chức các lớp giới thiệu, hướng dẫn và đào tạo nghề phù hợp.

“Nếu được thành phố phê duyệt các vùng nuôi trồng thủy sản, quận sẽ vận động người dân dừng việc nuôi tự phát trên sông, tham gia nuôi trong vùng được phép. Đối với những hộ dân không có nhu cầu tiếp tục nuôi cũng sẽ có hướng dẫn chuyển đổi ngành nghề phù hợp”, ông Võ Thiên Sinh, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho hay.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phan Văn Mỹ cho biết: “Sau tiếp nhận các ý kiến, đối với các hộ nuôi thủy sản trên sông, sở đề xuất UBND thành phố không quy hoạch nuôi cá lồng, bè trên sông, chấm dứt theo lộ trình từ năm 2021 đến 2025. Đối với nuôi cá lồng bè trên biển, sở đề xuất UBND thành phố quy hoạch nuôi trên biển chỉ nên tập trung thu hút các đối tượng đầu tư theo hướng công nghệ cao, quy mô đầu tư lớn. Diện tích vùng quy hoạch nuôi thủy sản lồng bè trên biển dự kiến khoảng 20ha, độ sâu tối thiểu là 20m, nằm ngoài khu vực khai thác hợp lý theo Quyết định số 54/2009/QĐ-UBND. Quy mô tối đa để nuôi hải sản cho vùng này là 100 lồng tròn kiểu Na Uy với thể tích 500m3/lồng hoặc 20 lồng nuôi thể tích 2.400m3/lồng; tổng thể tích lồng dao động từ 48.000-50.000m3”.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng, thành phố cần sớm quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản để hàng trăm hộ dân đang nuôi cá lồng bè trái phép được nuôi hợp pháp. Nhìn rộng ra các tỉnh bạn, nhiều địa phương đã quy hoạch mặt nước, ban hành các quy chuẩn về lồng bè, cá nuôi trong lồng bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm…bởi nuôi cá trong lồng bè là cách khuyến khích người dân sản xuất, phát huy lợi thế, tăng thu nhập cho người dân.

Với những hộ dân có nhu cầu giải thể nghề thì cũng hỗ trợ một phần kinh phí để chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Cuối cùng, sau khi thực hiện tháo dỡ, cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt chẽ, nghiêm cấm nuôi trồng thủy sản trái phép, tránh tình trạng tuyên truyền - tháo dỡ - tiếp tục thả cá - tuyên truyền… đã tồn đọng hàng chục năm nay.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 4, tại các sông, vịnh, biển trên toàn thành phố có 416 hộ nuôi thủy sản với 1.179 lồng, 437 bè. Trong đó, quận Cẩm Lệ có 44 hộ với 248 lồng, 52 bè; quận Hải Châu có 47 hộ với  308 lồng, 47 bè; quận Sơn Trà có 284 hộ nuôi trên vịnh Mân Quang, Công trình đá 15 và cầu cảng Thọ Quang với 353 lồng, 284 bè…

QUỲNH TRANG - VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.