Kinh tế

Hàng quán mở cửa trở lại trong điều kiện phòng dịch nghiêm ngặt

08:14, 10/06/2021 (GMT+7)

Sau 21 ngày không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, UBND thành phố quyết định nới lỏng một số hoạt động, dịch vụ từ 0 giờ ngày 9-6, trừ spa, karaoke, quán bar, vũ trường. Vì vậy, các dịch vụ ăn uống, nhà hàng... mở cửa phục vụ khách hàng tại chỗ, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Nhân viên một nhà hàng trên đường Phan Thành Tài (quận Hải Châu) rửa tay sát khuẩn cho thực khách đến nhà hàng trong ngày đầu mở cửa trở lại.  Ảnh: XUÂN SƠN
Nhân viên một nhà hàng trên đường Phan Thành Tài (quận Hải Châu) rửa tay sát khuẩn cho thực khách đến nhà hàng trong ngày đầu mở cửa trở lại. Ảnh: XUÂN SƠN

Thận trọng mở cửa hoạt động

Sáng 9-6, phần lớn các cửa hàng ăn uống, các quán cà phê trên nhiều tuyến phố, khu dân cư đã mở cửa hoạt động. Những dây băng, vật dụng... làm chỉ dấu lúc kinh doanh bán hàng mang đi đã được tháo ra để sẵn sàng phục vụ khách tại chỗ. Khác với cảnh cẩn trọng giãn cách tiếp xúc giữa người với người trong những ngày thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hơn 21 ngày qua, ngay từ sáng sớm ngày 9-6, người dân thành phố đã chủ động đến các hàng quán để ăn sáng, uống cà phê…, vốn là nếp sống, thói quen sinh hoạt hằng ngày. ​

Anh Nguyễn Văn Thành (trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) bày tỏ: “Chúng tôi rất vui khi thành phố nới lỏng một số dịch vụ. Cảm giác ngồi nhâm nhi cà phê sáng trước giờ vào làm việc và nhìn thành phố thật thú vị”.

Trong khi đó, các chủ cửa hàng cũng chuẩn bị đầy đủ hàng hóa để phục vụ khách. Bà Đoàn Thị Lệ, chủ quán bún Lệ (đường Lê Văn Thứ, quận Sơn Trà) cho biết, từ tối 8-6, ngay khi nắm thông tin thành phố cho phép bán hàng, phục vụ khách tại chỗ từ 0 giờ ngày 9-6, bà đã mua thêm nguyên liệu để chế biến; yêu cầu nhân viên trong quán mang khẩu trang, găng tay khi phục vụ khách. “Mặc dù chỉ có một số khách ghé đến ngồi tại chỗ, đa phần vẫn e dè tiếp xúc nên mua hàng mang về nhưng tôi thấy vui lắm”, bà Lệ cho biết.

Còn chị Nguyễn Lê Thị Thùy Trâm, chủ quán cơm gà Tú Nguyên (đường Khúc Hạo, quận Sơn Trà) nói: “Trong ngày đầu, đa phần khách ghé đến đều mua mang về chứ không ngồi ăn tại chỗ. Dù không đông lắm nhưng tôi thấy vui khi quán có khách. Hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi để cuộc sống người dân ổn định trở lại”.

Tại các quán cà phê, khách hàng đến khá đông dù mỗi quán phải tuân thủ quy định chỉ phục vụ tối đa không quá 50% công suất chỗ ngồi theo quy định của thành phố. Anh Nguyễn Văn An, chủ một quán cà phê trên đường Hồ Nghinh (quận Sơn Trà) chia sẻ, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, anh đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh. Đến nay, khi được thành phố cho phép bán tại chỗ, quán cà phê của anh mở cửa hoạt động trở lại nhưng chỉ dọn ra một nửa số bàn ghế để giữ khoảng cách an toàn phòng, chống dịch. Dù lượng khách cũng như doanh thu bán hàng chưa cao nhưng việc nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch, cho phép kinh doanh bán hàng tại chỗ đối với một số dịch vụ đã giúp người kinh doanh ở quy mô nhỏ kịp thời có thêm thu nhập, bù đắp thời gian phải đóng cửa.

Tại các tuyến đường có nhiều quán nhậu như: Chương Dương (quận Ngũ Hành Sơn), Hà Kỳ Ngộ (quận Sơn Trà), Như Nguyệt (quận Hải Châu), Thăng Long (quận Cẩm Lệ)...,  dù được hoạt động bình thường trở lại nhưng hàng quán vẫn chưa đông đúc như trước. Chiều 9-6, nhiều hàng quán vẫn “cửa đóng, then cài”. Một số chủ quán cho biết thời gian qua, số lượng người đến quán giảm mạnh, thậm chí giảm hơn một nửa so với trước kia.

Anh Đặng Văn Xữ, chủ quán nhậu A Xữ (đường Hà Kỳ Ngộ) cho hay, ngay từ sáng sớm, anh đã mở cửa sửa soạn, dọn vệ sinh quán, sắp xếp và bố trí chỗ ngồi bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy định để phục vụ người dân sau thời gian dài đóng cửa thực hiện phòng, chống dịch. “Trong thời gian tạm nghỉ, tôi gặp nhiều khó khăn vì đây là công việc chính của mình. Bây giờ, thành phố cho phép các hoạt động buôn bán, kinh doanh của người dân dần trở lại bình thường nên tôi cảm thấy rất vui. Hiện tại, tôi đã liên hệ ngư dân để cung cấp thêm các loại hải sản, phục vụ cho khách hàng”, anh Xữ chia sẻ.

Các dịch vụ như cắt tóc nam, nữ cũng hoạt động lại sau thời gian dài đóng cửa. Tại tiệm cắt tóc Quốc Anh (đường Lê Duẩn), toàn bộ nhân viên, thợ cắt tóc đều đeo khẩu trang trong suốt thời gian tiếp xúc với khách. Khách đến tiệm được yêu cầu phải khai báo y tế trước khi thực hiện dịch vụ.

Lực lượng chức năng phường Bình Hiên (quận Hải Châu) đến quán ăn trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn chủ quán ký cam kết phòng, chống Covid-19 trong sáng 9-6.
Lực lượng chức năng phường Bình Hiên (quận Hải Châu) đến quán ăn trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn chủ quán ký cam kết phòng, chống Covid-19 trong sáng 9-6.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Ngay trong sáng 9-6, các hàng quán được phép mở cửa trở lại đón khách tại chỗ, hầu hết chính quyền các địa phương đều cử lực lượng kiểm tra việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch. Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông Hồ Tấn Phước cho biết, phường đã thực hiện tuyên truyền liên tục trên trang thông tin điện tử, loa phát thanh, băng-rôn, tờ rơi…; phối hợp với Tổ Kiểm tra quy tắc đô thị, lực lượng dân quân tuyên truyền bằng loa di động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và các hộ kinh doanh ăn uống. Tính đến sáng 9-6, phường đã vận động hơn 200 hàng quán ký cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà khẳng định: “Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, quận Sơn Trà đã yêu cầu các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, phục vụ ăn uống phải ký cam kết bảo đảm tuân thủ quy định phòng, chống dịch. Địa phương tăng cường cử lực lượng thường xuyên đi kiểm tra, giám sát. Đối với trường hợp vi phạm sẽ nhắc nhở, nếu tiếp tục tái phạm sẽ xử lý theo quy định”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Thanh Khê Trần Tường Vân thông tin, ngay sau khi có chỉ đạo của UBND thành phố về việc cho phép một số hoạt động được mở cửa trở lại từ 0 giờ ngày 9-6 và triển khai các biện pháp áp dụng phòng, chống Covid-19 trong hình mới, quận đã nhanh chóng chỉ đạo Phòng Y tế quận phối hợp UBND các phường ra quân kiểm tra, yêu cầu các hộ kinh doanh phải ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định, khuyến cáo về phòng, chống dịch. Đặc biệt, tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế, bố trí chỗ ngồi bảo đảm khoảng cách an toàn cho người dân; thực hiện khai báo y tế và thường xuyên mở ứng dụng Bluezone trong suốt thời gian làm việc.

“Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp giám sát, nhắc nhở, kiểm tra cần thiết để các hoạt động của người dân diễn ra bảo đảm an toàn theo quy định. Quận sẽ xử lý nghiêm nếu đơn vị nào để xảy ra việc vi phạm, không thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch của thành phố”, bà Trần Tường Vân cho biết thêm.

Cùng với việc chính quyền thành phố nới lỏng một số hoạt động, người dân Đà Nẵng chấp hành nghiêm túc quy định 5K trong mọi hoạt động tại nơi công cộng như một thói quen để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Đó là điều cần thiết giữa lúc tình hình Covid-19 trên cả nước cũng như thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp.

QUỲNH TRANG- VĂN HOÀNG

Sau thời gian tạm dừng hoạt động tắm biển để phòng, chống Covid-19, ngày 9-6, UBND thành phố cho phép người dân tắm biển trở lại. Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (gọi tắt là Ban quản lý) cho biết, thời gian tắm biển hằng ngày được quy định từ 4 giờ 30 đến không quá 7 giờ 30 (buổi sáng) và 16 giờ 30 đến không quá 18 giờ 30 (buổi chiều), là khung giờ cơ bản để người dân tắm biển. Hiện nay, các hoạt động kinh doanh, tắm nước ngọt chưa được mở cửa trở lại, chỉ duy trì giữ xe cho khách. Do đó, để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch khi tắm biển, Ban quản lý đã cho kẻ vạch, phân luồng đi vào cho người dân. Tiếp tục tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh về các chủ trương, quy định phòng, chống dịch tại nơi công cộng, các chế tài xử phạt để người dân nắm rõ. Đồng thời, huy động hết lực lượng để trực tại các bãi biển. Nhắc nhở người dân đeo khẩu trang khi đến tắm biển và khi lên bờ, không tụ tập đông người tại bãi biển. Ban quản lý cũng cho chăng dây dưới nước, chia thành các khu vực nhỏ và cử người túc trực, phân luồng người dân xuống tắm biển để tránh tình trạng quá đông người tắm tại một khu vực. Riêng các khu vực tắm nước ngọt đều được chăng dây, khóa vòi nước.

Theo ông Nguyễn Đức Vũ, khó khăn nhất hiện nay là các bãi tắm của Đà Nẵng rộng trong khi lực lượng trật tự, cứu hộ có hạn, vì vậy sẽ khó trong việc giám sát toàn bộ các hoạt động của người dân như phải đeo khẩu trang tới khi xuống tắm và tắm xong đeo khẩu trang trở lại để đi về. Do đó, Ban quản lý rất mong người dân nâng cao ý thức tự giác thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch của thành phố.

THU HÀ

 

.