Sớm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khôi phục và phát triển du lịch

.

Hơn một năm qua, các doanh nghiệp trong ngành du lịch rơi vào tình trạng kiệt quệ do dịch bệnh. Nhiều lao động phải chuyển nghề khác để kiếm sống, điều này có thể dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi ngành du lịch khôi phục trở lại. Xung quanh vấn đề này, Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khôi phục và phát triển du lịch sau khi dịch bệnh được khống chế.

Ngành du lịch cần xây dựng những sản phẩm mới phù hợp để thu hút khách. TRONG ẢNH: Du khách lướt ván tại biển Mỹ Khê (quận Sơn Trà). (Ảnh chụp tháng 3-2021). 		                    Ảnh: KIM LIÊN
Ngành du lịch cần xây dựng những sản phẩm mới phù hợp để thu hút khách. TRONG ẢNH: Du khách lướt ván tại biển Mỹ Khê (quận Sơn Trà). (Ảnh chụp tháng 3-2021). Ảnh: KIM LIÊN

* Ngành du lịch thành phố chịu nhiều thiệt hại do dịch bệnh gây ra như thế nào, thưa bà?

- Năm 2020, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ đạt khoảng 2,7 triệu lượt, giảm 63,2% so cùng kỳ năm 2019. Ước tính trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 1 triệu lượt, tiếp tục giảm 36,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo thống kê sơ bộ, các doanh nghiệp đã đầu tư vào khu điểm du lịch, cơ sở lưu trú, tàu xe vận chuyển khoảng 3,2 tỷ USD nhưng hiện các dịch vụ đang tạm ngừng khai thác. Hơn 1 năm qua, thiệt hại của doanh nghiệp ước khoảng 27.300 tỷ đồng; đã có 1.591/1.926 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, lưu trú, khu điểm du lịch, tàu du lịch, xe vận chuyển tạm ngừng hoạt động (chiếm 82,6%); khoảng 38.717/50.963 lao động (năm 2019), chiếm 76% tổng số lao động du lịch nghỉ việc, thất nghiệp từ khi dịch bệnh bùng phát (năm 2020) đến nay.

* Mùa hè thường là mùa bội thu khách của ngành du lịch, nhưng năm nay, dịch bệnh quay trở lại đúng dịp hè, theo đánh giá của bà, ngành du lịch thành phố có còn cơ hội để phục hồi các hoạt động du lịch trong năm nay không?

- Hiện các thị trường khách nội địa được xem là trọng điểm và tiềm năng của du lịch Đà Nẵng như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh, thành phố phía Bắc... đang có dịch. Sự xuất hiện các biến chủng mới của Covid-19 tạo ra thách thức lớn trong việc khôi phục các hoạt động du lịch. Chưa kể, theo dự báo những tháng cuối năm, Đà Nẵng bước vào mùa mưa bão, thời tiết không thuận lợi cũng tác động không nhỏ đến quyết định đi du lịch của du khách.

Chúng tôi đang theo sát tình hình kiểm soát dịch bệnh trên cả nước, kết quả triển khai các mô hình thí điểm đón khách quốc tế trong và ngoài nước để kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp, chuẩn bị các điều kiện nhằm sớm khôi phục hoạt động du lịch; đồng thời bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

* Ngành du lịch thành phố có những giải pháp gì để khôi phục hoạt động du lịch trong thời gian tới?

- Thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã quan tâm chỉ đạo tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện hỗ trợ khôi phục và phát triển du lịch thành phố. Ngành đã tham mưu đề xuất các cấp lãnh đạo thành phố về “Kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố” với một số giải pháp trọng tâm như: thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; chuẩn bị các sản phẩm du lịch mới, ưu tiên nguồn lực đầu tư công; triển khai các kế hoạch, đề án đã ban hành. Đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch đường thủy nội địa; nghiên cứu tổ chức giải đua thuyền buồm trên sông Hàn...; xây dựng và triển khai theo phân kỳ kế hoạch chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước và hoạt động kinh doanh du lịch giai đoạn 2021-2025.

Sở đang tiếp tục đa dạng hóa các hình thức truyền thông, xúc tiến quảng bá, liên kết hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước; thí điểm một số điểm tham quan du lịch bằng công nghệ thực tế ảo; tổ chức các hội thảo trực tuyến (webinar) để kết nối khách hàng.

* Ngành du lịch có giải pháp nào để hỗ trợ người lao động nhằm bảo đảm nguồn nhân lực khi hoạt động du lịch được phục hồi?

- Để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người lao động, Chính phủ và thành phố đã có các chính sách hỗ trợ cụ thể như: giảm giá bán điện cho cơ sở lưu trú du lịch; gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất đến hết năm 2021; giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tối thiểu cho các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực thuộc danh mục ưu tiên đầu tư, cho vay tại Quỹ đầu tư phát triển Đà Nẵng với mức thấp nhất là 6,5%/năm, giảm 0,5% so với mức lãi suất cho vay tối thiểu hiện nay... Người lao động được vay tối đa 100 triệu đồng/lao động trong thời gian 3-5 năm, lãi suất là 7,92%/năm (bằng mức lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo)...

Ngoài ra, hỗ trợ các hội đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý, nhân viên phục vụ du lịch; nghiên cứu xây dựng “Sàn giao dịch du lịch trực tuyến” (chợ du lịch trực tuyến), tổ chức mua bán trực tuyến với khách hàng...

Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, ngành du lịch sẽ nỗ lực cùng thành phố vượt qua khó khăn, sớm khôi phục hoạt động kinh doanh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của thành phố.

* Xin cảm ơn bà.

THU HÀ (thực hiện)

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích