Bảo đảm cung ứng hàng hóa lâu dài cho quận Sơn Trà

.

Trước nhu cầu tiêu dùng thực phẩm thiết yếu của người dân vùng cách ly y tế, các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm, siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống... đã tăng lượng dự trữ hàng hóa, nhiều hệ thống tăng trên 50% so với ngày thường. Các hình thức kinh doanh cũng được đổi mới theo hướng tăng cường bán trực tuyến, đi chợ hộ, bán hàng lưu động…

Các lực lượng chức năng tổ chức vận chuyển thực phẩm đưa vào khu vực cách ly y tế tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Ảnh: QUỲNH TRANG
Các lực lượng chức năng tổ chức vận chuyển thực phẩm đưa vào khu vực cách ly y tế tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Ảnh: QUỲNH TRANG

Nỗ lực cung ứng thực phẩm đến người dân

Theo ghi nhận, tình hình vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu vào địa bàn các địa phương cách ly y tế (quận Sơn Trà) trong hai ngày qua đã cải thiện hơn so với trước. Là một trong các đơn vị cung ứng lương thực, nhu yếu phẩm, các mặt hàng thiết yếu cho người dân khu vực cách ly y tế thuộc quận Sơn Trà, Bưu điện Đà Nẵng đã thiết lập 9 điểm bán lưu động và sắp triển khai thêm 4 điểm.

Ông Đào Sỹ Toàn, Phó Giám đốc Bưu điện Đà Nẵng thông tin, Bưu điện đã phối hợp tổ Covid-19 cộng đồng và Ban quản lý các khu cách ly tập hợp nhu cầu của người dân, chuẩn bị nguồn hàng và cung cấp đến các khu vực cách ly kịp thời, đầy đủ cho người dân cũng như thực hiện các biện pháp an toàn, tránh lây nhiễm dịch bệnh.

“Mạng lưới Bưu điện Đà Nẵng trải đều đến từng địa bàn phường, xã nên dễ dàng trong việc hỗ trợ giữa các điểm bán hàng. Chúng tôi cũng thiết lập các điểm bán hàng bình ổn cố định tại các bưu cục và một số điểm lưu động theo yêu cầu của chính quyền địa phương. Nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu được đơn vị phối hợp nhà cung cấp chuẩn bị sẵn tại tất cả các điểm bán như: gạo, mỳ ăn liền, nước mắm, các mặt hàng khô...

Riêng đối với các mặt hàng tươi sống, tùy từng địa bàn cụ thể, dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Bưu điện phối hợp nhà cung cấp lớn trên địa bàn quận, huyện cung cấp kịp thời cho người dân nhưng phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bình ổn giá”, ông Toàn nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hải đảo Lý Sơn cho biết, đơn vị có khả năng cung ứng 10 tấn thực phẩm gồm rau củ quả, rong biển, cá, chả cá mỗi ngày, tương ứng từ 700 - 1.000 đơn hàng. Tuy nhiên, thời gian qua, đơn vị chỉ cung ứng được 500 đơn hàng mỗi ngày cho quận Sơn Trà bởi thiếu nhân lực và phương tiện.

“Tôi đã chia sẻ khó khăn về phương tiện vận chuyển với lãnh đạo UBND quận Sơn Trà và đã được chính quyền hỗ trợ. Hiện nay, để rút ngắn thời gian soạn đơn, chúng tôi đã triển khai các “gói hàng” có sẵn kết hợp đủ rau, thịt, cá cho bữa cơm gia đình với nhiều đơn giá để người dân lựa chọn. Việc triển khai gói “combo” này giúp các đơn vị cung ứng hàng hóa tiết kiệm thời gian soạn đơn hàng và sẽ giao hàng đúng giờ hơn”, ông Định nói.

Còn ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng ban quản lý chợ đầu mối Hòa Cường cho hay, theo đặt hàng từ UBND quận Sơn Trà, chợ đã cung ứng về quận 50 tấn rau, quả các loại và sẽ tăng số lượng nếu quận có nhu cầu đặt thêm. Trước lo ngại chợ đầu mối nông sản lớn nhất thành phố (mỗi ngày cung ứng cho cả thành phố từ 300-330 tấn rau củ quả các loại) tạm dừng hoạt động từ ngày 12-8, ông Diệp Hoàng Thông Anh nói: “Tuy phải tạm đóng cửa chợ để khử khuẩn, xét nghiệm nhưng hàng hóa vẫn về chợ mỗi ngày và được tập kết, giao nhận hàng tại điểm tiếp nhận tạm thời là Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế Đà Nẵng (số 9 đường Cách mạng Tháng Tám). Vì vậy, người dân yên tâm, không lo thiếu rau, củ, quả”.

Đến nay, trên địa bàn thành phố có 10 siêu thị lớn tham gia cung ứng các mặt hàng thiết yếu với tổng trị giá hàng hóa ước hơn 64 tỷ đồng (lưu chuyển theo chu kỳ 2-3 ngày/lần); các chợ trên địa bàn thành phố với tổng trị giá hàng hóa ước khoảng 10 tỷ đồng (lưu chuyển về chợ theo chu kỳ 1-2 ngày/lần) với nguồn hàng đa dạng, phong phú, bảo đảm cung ứng cho thị trường. Ngoài ra, còn có hệ thống các chuỗi cửa hàng tiện lợi, tạp hóa, các đầu mối, thương nhân khác cùng tham gia dự trữ, cung ứng một số mặt hàng thiết yếu. Sở Công thương đã lên nhiều phương án cung ứng hàng thiết yếu nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Điểm bán lưu động của Công ty 5T Foods tại Trường Mầm non Bạch Yến, phường Phước Mỹ. Ảnh: QUỲNH TRANG
Điểm bán lưu động của Công ty 5T Foods tại Trường Mầm non Bạch Yến, phường Phước Mỹ. Ảnh: QUỲNH TRANG

Mở thêm kênh bán hàng

Trong chiều 10-8, quận Sơn Trà đã gấp rút tìm điểm mở chợ tạm với phương châm “phải bảo đảm chợ an toàn nhất có thể”. Đến sáng 12-8, điểm bán hàng lưu động đầu tiên do Sở Công thương tổ chức được mở bán tại số 67 đường Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà). Tại điểm bán này có đầy đủ các mặt hàng rau, thịt, cá, thực phẩm khô…

Người dân có thể đến mua sắm hàng thiết yếu với giá tốt. Phó Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ Nguyễn Văn Chung thông tin, sau khi tìm được địa điểm bảo đảm diện tích, phường đang kêu gọi doanh nghiệp tham gia bán hàng tại chợ tạm để bà con có chỗ mua sắm hàng thiết yếu giá tốt. Hơn nữa, địa điểm này có thể xem như một điểm tập kết hàng lớn của các nhà cung ứng nhằm đưa hàng hóa đến gần với người dân hơn.

Theo ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, để bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa liên tục, kịp thời cho người dân tại các khu vực cách ly y tế, quận đã làm việc với Sở Công thương, nhờ hỗ trợ triển khai các điểm bán hàng lưu động, xe bán hàng lưu động cho người dân tại 5 phường. Theo đó, bán hàng theo phương thức nhận đơn và giao đơn từ các tổ Covid-19 cộng đồng, tổ hỗ trợ của phường, không bán trực tiếp cho người dân.

Ngoài ra, quận báo cáo thành phố cho phép các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn 5 phường đang thực hiện cách ly y tế hoạt động lại theo nguyên tắc cam kết thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch; bảo đảm nhân viên hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” (sản xuất - ăn nghỉ - cách ly tại chỗ); cho phép các xe vận chuyển hàng hóa từ bên ngoài vào bổ sung hàng cho các siêu thị.

Đối với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi không phục vụ tại chỗ mà chỉ bán hàng thông qua đơn hàng do các tổ Covid-19 cộng đồng, tổ hỗ trợ của phường cung cấp, không bán trực tiếp cho người dân. “Khả năng của các nhà cung ứng trên địa bàn quận Sơn Trà tạm thời đáp ứng yêu cầu cho người dân trong khu vực cách ly y tế. Tuy nhiên, về lâu dài, để bảo đảm cung ứng hàng hóa liên tục, kịp thời, bảo đảm chất lượng và thời gian, quận sẽ làm việc thêm với các nhà cung ứng lớn, đủ năng lực cung ứng nhu yếu phẩm thiết yếu cho khu vực đang bị cách ly y tế”, ông Nam đề cập thêm.

Hàng hóa dồi dào, bảo đảm nhu cầu người dân toàn thành phố

Theo ghi nhận của phóng viên, trong sáng 12-8, lượng người đi chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tiệm tạp hóa trên địa bàn tăng 30-40% so với ngày thường. Bà Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc siêu thị Big C cho biết, lượng khách hàng đến siêu thị tăng đột biến ở khung giờ từ 9-11 giờ. Một số mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh nhất là hàng thực phẩm khô (mỳ ăn liền, miến, nui…), đồ hộp, trứng khiến một số thời điểm hụt hàng cục bộ. Tuy nhiên, hàng hóa tại siêu thị đa số được nhập từ các nhà cung cấp tại chỗ, do vậy, không lo đứt gãy hàng hóa. Tại một số chợ trên địa bàn, người dân đi mua sắm hàng thiết yếu khá đông, nhưng không xảy ra tình trạng thiếu hàng vì các đơn vị bán lẻ luôn tăng cường lượng hàng. Tại chợ Đống Đa, ban quản lý chợ chỉ giải quyết cho những người đi chợ đúng ngày trên thẻ; những người đi chợ không đúng ngày, tuyệt đối không được vào chợ.

Trước tình hình người dân mua hàng tích trữ, lãnh đạo Sở Công thương cho biết, để bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, ngành công thương đã đề nghị các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm, siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống tăng lượng dự trữ hàng hóa (nhiều hệ thống tăng trên 50% so với ngày thường). Ngoài ra, sở đã xây dựng các phương án sẵn sàng cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội theo các cấp độ diễn biến của dịch bệnh. Vì vậy, người dân bình tĩnh, không nên mua tích trữ hàng hóa số lượng lớn, chỉ mua đủ dùng. Bởi nguồn cung hàng hóa của Đà Nẵng hiện rất dồi dào, ổn định, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân toàn thành phố.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.