Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng

.

Với mức tăng 20,3% so với cùng kỳ 8 tháng đầu năm 2020, hoạt động xuất khẩu của thành phố vẫn duy trì tăng trưởng kéo dài từ cuối năm ngoái đến nay. Đáng lưu ý, các ngành công nghiệp chủ lực đều ghi nhận sự khởi sắc khi doanh nghiệp giữ ổn định đơn hàng, chủ động nguồn nguyên liệu dù diễn biến tình hình dịch bệnh còn phức tạp.

Lũy kế tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2021. (Nguồn: Sở Công thương) TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung. Ảnh: KHÁNH HÒA - Đồ họa: THANH HUYỀN
Lũy kế tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2021. (Nguồn: Sở Công thương). TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung. Ảnh: KHÁNH HÒA - Đồ họa: THANH HUYỀN

Khởi sắc những quý đầu năm

7 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất kinh doanh tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng tiếp tục duy trì tăng trưởng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái với doanh thu đạt trung bình 400 tỷ đồng/tháng, riêng doanh thu xuất khẩu trung bình 10 triệu USD/tháng. Thời gian này, công ty triển khai phương án sản xuất “3 tại chỗ” đối với 1/2 số công nhân làm việc trực tiếp và 1/2 cán bộ làm việc gián tiếp nhằm bảo đảm duy trì các nhà máy sản xuất do khối lượng đơn hàng quá lớn.

Tại Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng, doanh thu 7 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2020. Thị trường xuất khẩu chủ lực của đơn vị là châu Âu đã cơ bản hồi phục, qua đó giúp công ty có đủ đơn hàng để bảo đảm đẩy mạnh hoạt động sản xuất từ nay đến cuối năm. Đây là hai trong số nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn thành phố tiếp tục giữ vững hoạt động sản xuất, duy trì liền mạch đà tăng trưởng kéo dài từ cuối năm 2020 nhờ thực hiện nghiêm túc mục tiêu “kép”.

Phân tích từ Sở Công thương cho thấy, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp thành phố. Một số nhà máy trong các khu công nghiệp phải tạm dừng hoạt động do có các trường hợp công nhân bị nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động sản xuất để bảo đảm đơn hàng đã ký kết; đồng thời tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch cho người lao động.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp thành phố (IIP) tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 3,3%, có 14/22 phân ngành cấp 2 được thống kê có chỉ số IIP tăng so với cùng kỳ, trong đó có nhiều lĩnh vực tăng khá cao như: sản xuất xăm, lốp cao su tăng 52,4%; đóng tàu và cấu kiện nổi tăng 47,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 43,2%; sản xuất thiết bị điện tăng 34,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 33,7%; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ tăng 31,7%; sản xuất dụng cụ thể thao, đồ chơi, trò chơi tăng 29,1%; sản xuất giày dép tăng 25,1%; sản xuất sản phẩm điện tử tăng 22,5%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 11,7%...

Mặc dù gặp khó khăn trong tháng 8 do thành phố áp dụng biện pháp mạnh trong công tác phòng, chống dịch nhưng lũy kế tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng ước đạt 2.029,4 triệu USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.154 triệu USD, tăng 20,3% và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 875,1 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 279,2 triệu USD, đây là tín hiệu lạc quan trong khi cán cân thương mại hàng hóa cả nước đang trong tình trạng nhập siêu trong các tháng qua thì Đà Nẵng vẫn giữ được đà xuất siêu ổn định và cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2015-2020.  

Trong đó, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 524,7 triệu USD; khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lũy kế 8 tháng ước đạt 616,7 triệu USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của thành phố trong 8 tháng qua đều tăng trưởng mạnh. Đơn cử, cao su thành phẩm ước đạt 55,5 triệu USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ 2020; động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử ước đạt 377 triệu USD, tăng 19%; hàng dệt may ước đạt 304 triệu USD, tăng 18,4%; thủy sản ước đạt 132 triệu USD, tăng 18,1%; thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ ước đạt 11,8 triệu USD, tăng 17,8%; đồ chơi trẻ em ước đạt 57,8 triệu USD, tăng 17,6%.

Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố rất nỗ lực để có thể duy trì sản xuất và phòng, chống dịch bệnh.  TRONG ẢNH: Kỹ sư vận hành Nhà máy nghiên cứu sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao SMT (Trungnam EMS) tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: PHẠM ĐĂNG KHIÊM
Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố rất nỗ lực để có thể duy trì sản xuất và phòng, chống dịch bệnh. TRONG ẢNH: Kỹ sư vận hành Nhà máy nghiên cứu sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao SMT (Trungnam EMS) tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: PHẠM ĐĂNG KHIÊM

Tăng tốc sản xuất cuối năm

Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng cho biết, gần một tháng nay, đơn vị duy trì phương án “3 tại chỗ” cho 1/2 số lượng công nhân để đạt tiến độ giao hàng khi khối lượng đơn hàng hiện nay quá lớn, đã lấp đầy cho đến cuối năm. Tuy nhiên, theo ông Nhựt, phương án “3 tại chỗ” chỉ hiệu quả trong thời gian ngắn, từ 1-2 tháng, không thể kéo dài do chi phí quá lớn. “Về lâu dài, chúng tôi mong thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh, để hoạt động trở lại bình thường. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ phủ sóng tiêm vắc-xin cho người dân, trong đó có đối tượng công nhân để có thể bảo đảm nguồn nhân lực cho doanh nghiệp”, ông Nhựt cho hay.

Với kết quả kinh doanh khả quan trong 8 tháng đầu năm, theo ông Huỳnh Trinh, Giám đốc Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng, hiện nhu cầu các sản phẩm gỗ từ thị trường châu Âu là rất lớn. Đây là cơ hội để doanh nghiệp tăng tốc cho mùa vụ cuối năm. Hiện đơn hàng tại công ty đủ để tạo việc làm cho hơn 200 công nhân đến hết năm 2021.

Đối với bài toán nguồn nguyên liệu, công ty chủ động có nguồn cung từ Quảng Nam, Quảng Ngãi và một vài địa phương trên địa bàn thành phố. “Trong thời gian Đà Nẵng thực hiện 7 ngày ở nhà theo phương châm “ai ở đâu thì ở đó”, công ty tạm dừng hoạt động, chỉ duy trì tổ máy tầm 5 công nhân để thực hiện công đoạn sấy gỗ. Thời điểm cuối năm đang đến gần, chúng tôi mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để nhà máy hoạt động trở lại nhằm đẩy nhanh tiến độ, hoàn tất đơn hàng cho đối tác”, ông Huỳnh Trinh nói.

Mặc dù tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nhưng nhờ nỗ lực trong việc thực hiện mục tiêu “kép” nên phần lớn các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp đều nỗ lực giữ ổn định được hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là thời điểm những tháng cuối năm 2021.

Trong đó, khối các doanh nghiệp xuất khẩu ghi nhận những mảng màu tươi sáng, minh chứng qua các con số tăng trưởng, khi thị trường quốc tế đang phục hồi mạnh mẽ; tiến độ bao phủ vắc-xin cho người dân, công nhân trên địa bàn thành phố đang được đẩy mạnh.

Theo báo cáo từ Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp, qua hai đợt triển khai, đã có 18.500 liều vắc-xin được tiêm cho đối tượng công nhân ở các khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Đây là nỗ lực của thành phố để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp ổn định sản xuất và tăng trưởng.

 KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.