Kinh tế

Ổn định thị trường hàng hóa cuối năm

08:19, 14/10/2021 (GMT+7)

Ngay sau khi thành phố cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, thị trường bán lẻ trên địa bàn tiếp đà phục hồi. Dự kiến từ nay đến cuối năm, ngành bán lẻ sẽ triển khai nhiều hoạt động kích cầu, sức mua của người tiêu dùng sẽ tăng lên, tạo lực đẩy tăng tốc.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng. Ảnh: Quỳnh Trang
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG

Chuẩn bị nguồn hàng

Thông thường, khoảng đầu tháng 9, các kênh bán lẻ đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa dịp lễ, Tết, đồng thời thương thảo với các nhà sản xuất để đưa ra giá tốt cho người tiêu dùng trong dịp mua sắm cuối năm. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, kế hoạch dự trữ nguồn hàng của các nhà bán lẻ bị chậm tiến độ đến đầu tháng 10. Qua khảo sát, ở thời điểm này, hầu như các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng thực phẩm đã hoạch định kế hoạch kinh doanh đến cuối năm.

Giám đốc siêu thị Co.opmart Sơn Trà Lê Thị Hiền nhận định: “Thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa sẽ tăng, mặt khác, các yếu tố về thời tiết mùa mưa bão, dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp để bổ sung nguồn hàng, chốt phương án tăng cường lượng hàng thiết yếu lên từ 2-4 lần để chủ động điều tiết, duy trì nguồn cung ổn định”.

Tương tự, ông Nguyễn Tiến Dương, Giám đốc siêu thị MM Mega Market thông tin, hiện các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm khô như gạo, gia vị đã được đơn vị trữ trước từ 60-90 ngày. Riêng thực phẩm tươi sống, Mega luôn chủ động nguồn hàng nhờ tiên phong phát triển theo mô hình “Từ nông trại đến bàn ăn” hơn 15 năm nay.

“Chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp để bổ sung những mặt hàng còn thiếu do ảnh hưởng của Covid-19 khiến việc sản xuất bị chậm tiến độ. Hệ thống tiếp tục phát huy các kênh bán hàng online một cách hiệu quả và tổ chức, sắp xếp đội ngũ giao hàng để cung ứng hàng hóa kịp thời đến người tiêu dùng. Chúng tôi vẫn đang theo dõi tình hình dịch bệnh, sức mua của người dân cũng như chờ các chỉ thị mới từ phía chính quyền thành phố để có những kế hoạch kinh doanh thích hợp”, ông Dương cho biết thêm.

Tại hệ thống siêu thị Danavi Mart, bà Phan Như Yến, Giám đốc siêu thị cho biết: “Ảnh hưởng của Covid-19 khiến đa số người dân gặp khó khăn về thu nhập, vì vậy siêu thị sẽ ưu tiên việc bình ổn giá trong thời gian đến, nhất là dịp cuối năm bằng cách dự trữ hàng sớm, đàm phán giá với nhà cung cấp để hạn chế tăng giá bất hợp lý. Mặt khác, chúng tôi cũng khai thác thêm các nguồn hàng từ các tỉnh, thành phố khác, bảo đảm giá cạnh tranh và chất lượng”.

Mặc dù mở cửa trở lại bình thường, song các nhà bán lẻ đánh giá, do dịch bệnh tác động trực tiếp đến thu nhập, người tiêu dùng chắc chắn phải thắt chặt chi tiêu. Mặt khác, theo đại diện các nhà bán lẻ, những năm trở lại đây, thời gian nghỉ lễ, Tết tương đối dài nên người dân có xu hướng du lịch nhiều cộng với nguồn cung dồi dào, sản lượng và chất lượng hàng hóa tăng nên việc bình ổn thị trường những tháng cuối năm hoàn toàn có thể đáp ứng.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Go! (quận Thanh Khê). 	                  Ảnh: QUỲNH TRANG
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Go! (quận Thanh Khê). Ảnh: QUỲNH TRANG

Nỗ lực kích cầu

Theo Sở Công Thương, tình hình thị trường Đà Nẵng 9 tháng đầu năm khá ổn định, nguồn hàng dồi dào, giá không có biến động lớn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 43.065 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020. Sở đã xây dựng xong kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trong 3 tháng cuối năm.

Theo đó, ngành công thương dự kiến tổ chức các hoạt động kết nối nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng giữa đơn vị sản xuất với nhà phân phối, người tiêu dùng như Hội chợ EWEC Đà Nẵng 2021, các chương trình kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm và tuần lễ kích cầu mua sắm. Ngoài ra, đơn vị tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử thành phố và các sàn thương mại điện tử trong nước và các kênh xúc tiến thị trường khác...

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thời gian tới, sở sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp sản xuất lớn trong các khu, cụm công nghiệp nhằm khôi phục nhanh nhất các hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì chuỗi cung ứng. Đặc biệt là tận dụng thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao trong dịp cuối năm thúc đẩy tăng tốc sản xuất, kinh doanh để bù đắp cho những tháng vừa qua.

Ngoài ra, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên các chương trình liên kết, hoạt động kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố trong thời gian tới sẽ được thực hiện trực tuyến để hạn chế việc tập trung đông người. Sở sẽ tăng cường hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nắm bắt, quen với việc khai thác các tiện ích của nền tảng số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Trong khi đó, các nhà bán lẻ cũng đã có kế hoạch cho các chương trình khuyến mãi kích cầu ngắn hạn, dài hạn, dự kiến được thực hiện luân phiên với mỗi nhóm hàng, ngành hàng khác nhau...

QUỲNH TRANG

.