Kinh tế

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

14:43, 22/10/2021 (GMT+7)

Do ảnh hưởng của Covid-19 nên các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố cũng chịu nhiều tác động. Trước tình hình này, các giải pháp, phương hướng phục hồi kinh tế trên lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang được quan tâm. Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ xung quanh vấn đề này.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Lê Đức Viên (bên trái) ký kết hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng DNES. (Ảnh chụp tháng 6-2021) Ảnh: MAI QUẾ
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Lê Đức Viên (bên trái) ký kết hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng DNES. (Ảnh chụp tháng 6-2021). Ảnh: MAI QUẾ

* Năm 2021 gần kết thúc, Sở Khoa học và Công nghệ đang triển khai giải pháp nào để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thưa ông?

- Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đặt ra 6 giải pháp cho các tháng còn lại của năm 2021. Đầu tiên, tiếp tục tập trung nguồn lực hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ để bù đắp kịp thời các khó khăn hiện nay và chuẩn bị đón đầu cho giai đoạn phục hồi trong thời gian tới.

Thứ hai, chuẩn bị phương án để triển khai áp dụng Nghị định số 94/2020/NĐ-CP ngày 21-8-2020 quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia nhằm có các cơ chế thuận lợi phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng (UBND thành phố đã có văn bản xin chủ trương gửi Chính phủ và các bộ ngành có liên quan).

Thứ ba, phối hợp Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCNC&CKNC) nghiên cứu thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại KCNC&CKCN, lấy doanh nghiệp làm lực lượng tiên phong triển khai.

Thứ tư, phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc Bộ KH&CN thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng, hiện UBND thành phố đã có văn bản kiến nghị và sở đã chủ động xúc tiến với Bộ KH&CN, dự kiến ra mắt trong cuối năm 2021.

Thứ năm, tham mưu UBND thành phố kế hoạch hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025, chương trình phát triển tài sản trí tuệ thành phố Đà Nẵng đến năm 2030; tham mưu ban hành Nghị quyết HĐND thành phố về nội dung hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ, xây dựng thương hiệu cộng đồng cho các sản phẩm OCOP và hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm tiêu biểu của thành phố.

Cuối cùng là xúc tiến để hợp tác với Chính phủ Hàn Quốc 3 dự án gồm: xây dựng cơ chế chính sách thu hút các tài năng khởi nghiệp và các nhà đầu tư quốc tế đến Đà Nẵng; dự án đổi mới mô hình tăng trưởng của thành phố dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; dự án các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, năng lực cạnh tranh trên địa bàn thành phố.

* Giai đoạn 2022-2025, Sở KH&CN có những giải pháp gì để phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố?

- Sở đã xây dựng 5 phương hướng phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2022-2025. Đầu tiên là nghiên cứu xây dựng, trình quy định chi tiết để áp dụng Nghị định số 94/2020/NĐ-CP ngày 21-8-2020 cho Đà Nẵng sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Thứ hai, tiếp tục củng cố và mở rộng hợp tác quốc tế về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tập trung hợp tác với một số hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu thế giới, thu hút nguồn lực đầu tư đến Đà Nẵng và giới thiệu các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng ra thị trường quốc tế.

Thứ ba, phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc Bộ KH&CN triển khai các hoạt động của Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng để phát huy vai trò trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố đối với khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Thứ tư, hình thành cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhiều về số lượng và mạnh về chất lượng. Sở xác định lựa chọn ít nhất một vài doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có mô hình kinh doanh và giải pháp công nghệ vượt trội để làm nền tảng chuyển đổi số, sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu của thành phố trên bình diện quốc gia và quốc tế.

Đến năm 2025, thành phố sẽ hỗ trợ phát triển 200 dự án khởi nghiệp sáng tạo, 100 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm (hiện nay đã ươm tạo, hỗ trợ 137 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành 50 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo). Cuối cùng là phát huy vai trò của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng trong việc kết nối và thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố, đồng thời, nhân rộng mô hình đối tác công, tư để huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố.

* Để thực hiện các giải pháp như ông trao đổi ở trên, Sở KH&CN có đề xuất gì để mang lại hiệu quả cao nhất?

- Để thực hiện được các giải pháp, phương hướng trên, chúng tôi cho rằng cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, tập trung triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn; khẳng định quan điểm lấy doanh nghiệp làm trung tâm và tập trung hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao năng lực làm chủ và đổi mới công nghệ. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, trong đó ưu tiên các ngành, lĩnh vực mũi nhọn đang gặp khó khăn do đại dịch như ngành du lịch, dịch vụ thương mại, vận tải...

Thành phố cần tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, ưu tiên trước cho dự án Khu làm việc và Đào tạo khởi nghiệp Đà Nẵng khi điều kiện cho phép vì đây sẽ là giải pháp đột phá về cơ sở hạ tầng nhằm ươm tạo nên những “kỳ lân công nghệ” tương lai của thành phố; sớm quy hoạch chi tiết 1/2000 phân khu đổi mới sáng tạo của thành phố để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư và thí điểm mô hình đặc khu đổi mới sáng tạo, hình thành nên cực tăng trưởng kinh tế mới của thành phố dựa trên tri thức và đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, nghiên cứu chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học giỏi để giải quyết những vấn đề thách thức và bài toán của thành phố trong tình hình mới. Song song, Đà Nẵng cần sớm tham gia Hiệp hội các thị trưởng nói tiếng Pháp AIMF và mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, hợp tác với mạng lưới các thành phố ở châu Âu và trên thế giới.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

MAI QUẾ thực hiện

.