Kinh tế

Hỗ trợ nông dân chăn nuôi hiệu quả

13:39, 06/12/2021 (GMT+7)

Bên cạnh việc tập trung cơ giới hóa, ứng dụng các thiết bị công nghệ cao trong sản xuất, thành phố đã hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình bằng nhiều mô hình chăn nuôi, sản xuất. Qua đó, giúp người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Hoạt động hỗ trợ của ngành nông nghiệp sẽ là đòn bẩy giúp nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình.  Trong ảnh: Nông dân xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang chăm sóc đàn ngan Pháp. Ảnh: VĂN HOÀNG
Hoạt động hỗ trợ của ngành nông nghiệp sẽ là đòn bẩy giúp nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình. TRONG ẢNH: Nông dân xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang chăm sóc đàn ngan Pháp. Ảnh: VĂN HOÀNG

Gia đình ông Lê Đình Tới (trú thôn Cẩm Toại Trung, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) là 1 trong 3 hộ trên địa bàn huyện được Hội Nông dân thành phố chọn thí điểm triển khai mô hình nuôi ngan Pháp thương phẩm theo hướng an toàn sinh học vào giữa tháng 5-2021. Từ 100 con ngan Pháp chỉ 10 ngày tuổi ban đầu, sau 3 tháng chăm sóc, lứa ngan của ông đã đạt trọng lượng trung bình từ 3-3,5kg/con, được xuất chuồng với giá bán 60.000 đồng/kg.

Theo ông Tới, trừ các khoản chi phí trong quá trình chăn nuôi, ông thu về hơn 5 triệu đồng/vụ. Được biết, trong tháng đầu tiên, ngan chưa thích ứng được với môi trường tự nhiên nên ông phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để phòng ngừa dịch bệnh cho ngan. “Sau khi lứa ngan Pháp nuôi thử nghiệm đạt được kết quả khả quan, gia đình tôi tiếp tục nuôi thêm 100 con nữa. Hiện lứa ngan thứ 2 đã đạt trọng lượng khoảng 2kg/con, dự kiến sẽ xuất bán từ cuối tháng 11 âm lịch để phục vụ cho thị trường Tết”, ông Tới cho hay.

Cuối tháng 9-2021, Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm Đà Nẵng phối hợp UBND xã Hòa Phước, Hòa Nhơn bàn giao khoảng 2.400 con gà giống cho 10 hộ dân tham gia mô hình chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Tham gia mô hình nuôi gà tại xã Hòa Phước, sau gần 2 tháng, đàn gà của ông Lê Kim Hùng (thôn Trà Kiểm) phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt 4-5%. Được biết, sau khi nhận con giống, ông Hùng tập trung nuôi trong chuồng rồi sau đó tận dụng mảnh vườn với diện tích hơn 2.000m2 làm khu vực nuôi gà thả vườn.

Theo ông Hùng, các hộ nuôi ở xã đều được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn vệ sinh chuồng trại, tiêm vắc-xin phòng bệnh cũng như cách xử lý những phát sinh trong quá trình nuôi. Ngoài ra, trong suốt thời gian triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thường xuyên theo dõi, hướng dẫn hộ nuôi tuân thủ đầy đủ quy trình kỹ thuật để tạo ra sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang Nguyễn Văn Vân, các hộ được chọn nuôi thử nghiệm đều là những hộ có kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm, đáp ứng được khả năng vốn đối ứng, điều kiện về chuồng trại… Sau khi hoàn thành nuôi thử nghiệm, mô hình có kết quả cao sẽ được Hội Nông dân huyện đề xuất các hộ nuôi tái đàn để tiếp tục đánh giá hiệu quả; đồng thời phối hợp các đơn vị hỗ trợ nhân rộng những mô hình này đến với nhiều người dân.

“Qua sự hỗ trợ của các cấp, ngành nông nghiệp thành phố, nhiều mô hình chăn nuôi trên địa bàn huyện đạt hiệu quả kinh tế cao, có đầu ra ổn định, giải quyết việc làm và tăng thu nhập của người dân. Đây là đòn bẩy giúp nông dân đầu tư, phát triển sản xuất, chăn nuôi”, ông Nguyễn Văn Vân nói.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang Lê Đình Ca cho biết, hằng năm, phòng đều có kế hoạch tổ chức, phối hợp với hội nông dân các cấp, UBND xã tiến hành rà soát nhu cầu của nông dân đối với việc chuyển giao công nghệ, tập huấn cây trồng, con vật nuôi, hỗ trợ trang bị các phương tiện, máy móc phục vụ trong sản xuất, chuyển giao kỹ thuật… Từ nguồn vốn sự nghiệp, phòng đã hỗ trợ, triển khai các mô hình phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Theo Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm, trong năm 2021, đơn vị đã hỗ trợ nguyên vật liệu, giống, cơ sở vật chất, tập huấn kỹ thuật… cho các hộ tham gia mô hình chăn nuôi và sản xuất như: sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu; sản xuất hoa phục vụ nông nghiệp đô thị; nuôi trồng thủy sản thân thiện môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm gắn với liên kết chuỗi…

Thời gian đến, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật; nhân rộng những mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, chuyển giao công nghệ, nhân rộng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo sản phẩm an toàn, chất lượng tốt… Qua đó, vừa tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương.

VĂN HOÀNG

.