Kinh tế
Lựa chọn chỉ tiêu và giải pháp tăng trưởng
Theo báo cáo của Cục Thống kê thành phố, trong 2 năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh, chỉ tiêu GRDP đã bị sụt giảm nghiêm trọng và không đạt theo Nghị quyết HĐND thành phố giao từ đầu năm. Quan sát diễn biến và ảnh hưởng của dịch bệnh tác động đến chỉ tiêu tăng trưởng cho thấy có mối quan hệ khá thú vị, có thể tham khảo để lựa chọn chỉ tiêu và giải pháp tăng trưởng cho năm 2022.
Cho đến nay có thể chia quá trình xuất hiện dịch bệnh và tác động đến sự phát triển kinh tế -xã hội của thành phố thành 4 đợt: đợt 1, 6 tháng đầu năm 2020, dịch chưa xuất hiện ở Đà Nẵng, tác động đến kinh tế là gián tiếp, GRDP giảm 3,75%. Đợt 2, 6 tháng cuối năm 2020, ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở Đà Nẵng (ngày 23-7-2020), thành phố thực hiện phong tỏa, ảnh hưởng đến kinh tế là trực tiếp, GRDP cả năm giảm 9,77%. Đợt 3, 6 tháng đầu năm 2021, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát từ những tháng cuối năm 2020, tác động là gián tiếp do tình hình dịch bệnh trong nước còn phức tạp, GRDP tăng 4,99%. Đợt 4, 6 tháng cuối năm 2021, dịch bệnh xuất hiện trở lại (2-5-2021), thành phố thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt, GRDP dự kiến cả năm tăng 0,18%, trong đó dịch vụ tăng 1,24%, công nghiêp - xây dựng giảm 2,13%, nông - lâm - thủy sản giảm 2,38%.
Số liệu thống kê cho thấy, ảnh hưởng của dịch bệnh đối với khu vực công nghiệp -xây dựng là nghiêm trọng nhất, dù thành phố có xuất hiện ca nhiễm hay không, đặc biệt là giai đoạn thành phố bị phong tỏa do đứt gãy chuỗi cung ứng, giãn cách xã hội. Trong đó sự trồi sụt của ngành khai khoáng qua các đợt dịch, đợt 1 giảm 16,95%, cả năm 2020 giảm 37%; đợt 3 tăng 43,23%, cả năm 2021 dự kiến tăng 26,1% và tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp, năm 2020 đạt 46% (đến 30-11-2020) và năm 2021 đạt 64,5% (đến 31-10-2021) kế hoạch HĐND giao có tác động lớn nhất. Mặc dù lĩnh vực du lịch sụt giảm nghiêm trọng, nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh đối với khu vực dịch vụ ít nghiêm trọng hơn, do hoạt động thương mại đã trở thành trụ đỡ cho tăng trưởng của khu vực dịch vụ thể hiện qua chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa đều giảm ít hơn hoặc tăng cao hơn mức giảm và tăng của khu vực dịch vụ qua các đợt dịch. Khu vực nông- lâm-thủy sản được xem là ít chịu ảnh hưởng nhất bởi dịch bệnh, tuy nhiên năm 2021 lại là khu vực giảm sâu nhất do sản lượng của ngành thủy sản liên tục suy giảm từ 6 tháng cuối năm 2020, cả năm 2020 giảm 1,4%; 6 tháng đầu năm 2021 giảm 2,96% và cả năm 2021 dự kiến giảm 4,2%.
Năm 2022, điều kiện tác động của dịch bệnh đã có những sự thay đổi quan trọng. Đó là, tình hình kiểm soát dịch bệnh trên thế giới trở nên khả quan, nhiều thị trường quốc tế đã mở cửa; Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19”, và các hướng dẫn của các bộ, ngành chỉ ra cách tiếp cận mới về thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả Covid-19; mức độ tiêm phủ vắc-xin rất cao trên địa bàn thành phố; chính sách cởi mở của thành phố và khát vọng phát triển của xã hội.
Phân tích ảnh hưởng của dịch bệnh đối với tăng trưởng GRDP thời gian qua và các nhân tố của năm 2022 cho thấy để lựa chọn chỉ tiêu tăng trưởng cần xác định các kịch bản dịch bệnh được quy định theo từng cấp độ, cho từng khu vực, lựa chọn các ngành, khu vực kinh tế có triển vọng và dư địa phát triển theo lộ trình ngắn hạn và dài hạn, từ đó xây dựng các giải pháp về chính sách, về đầu tư, đất đai, về con người nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch đề ra.
Cụ thể, thứ nhất, tập trung các giải pháp để đẩy mạnh tiêu dùng, trước mắt là tiêu dùng nội địa thông qua các chính sách kích cầu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết. Thứ hai, thúc đẩy đầu tư công, nâng cao tỷ lệ giải ngân thông qua việc giảm tối đa thủ tục hành chính, nâng cao năng lực của đội ngũ và tháo gỡ nhanh chóng các vướng mắc trong công tác giải phóng măt bằng. Thứ ba, quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm phục hồi sản xuất bao gồm khơi thông nguồn vốn, hồi phục sức khỏe tài chính cho doanh nghiệp, bảo đảm sự thông suốt và nhanh chóng trong vận chuyển hàng hóa và cung ứng đủ nguồn nhân lực lao động. Cuối cùng, khơi dậy truyền thống đồng thuận xã hội và khát vọng vươn lên sau khó khăn của lực lượng lao động.
Lựa chọn chỉ tiêu tăng trưởng khả thi theo từng quy mô, kịch bản ảnh hưởng của dịch bệnh là cơ sở để thành phố xây dựng các giải pháp phát triển phù hợp, các đơn vị doanh nghiệp chủ động thực hiện kế hoạch sản xuất, bảo đảm thực hiện thắng lợi kế hoạch của năm 2022 theo chủ đề “Năm thích ứng an toàn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”.
ĐẶNG VIỆT DŨNG, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam