Phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản

.

Việc hoàn thổ, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ, đấu giá quyền khai thác khoáng sản... đang được các đơn vị thực hiện tích cực, mang lại hiệu quả về công tác quản lý, khai thác khoáng sản trong thời gian đến.

Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng tạo ra bước tiến mới trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản. Trong ảnh: Một khu vực khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở quận Liên Chiểu. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng tạo ra bước tiến mới trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản. TRONG ẢNH: Một khu vực khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở quận Liên Chiểu. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Hoàn thổ, phục hồi môi trường

Sau khi kết thúc khai thác mỏ đá Đại La 2 (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang), Công ty CP Khai thác khoáng sản và xây dựng miền Nam - Chi nhánh Đà Nẵng đã cắt tầng để bảo đảm an toàn và cải tạo, hoàn thổ, san gạt mặt bằng, trồng cây trên diện tích hơn 4ha để phủ xanh, phục hồi môi trường. Phó Giám đốc Công ty CP Khai thác khoáng sản và xây dựng miền Nam - Chi nhánh Đà Nẵng Huỳnh Sơn cho biết: “Hiện đơn vị đã hoàn thành công tác hoàn thổ và trồng cây xanh cao khoảng 5m để phủ xanh các vị trí đã khai thác đá. Một số vị trí cũng đã được đơn vị san gạt và trồng cây xanh”.

Tại mỏ đất đồi ở thôn Tùng Sơn, xã Hòa Sơn, đơn vị chủ mỏ là Doanh nghiệp tư nhân Hải Yến đã tiến hành trồng cây để phủ xanh trên diện tích 1,4ha và có chăm sóc, thay thế các cây xanh bị ngã đổ sau các trận bão. Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hải Yến Nguyễn Hải Lâm thông tin, sau khi hoàn thành khai thác mỏ, chúng tôi đã tiến hành san gạt, hoàn thổ và trồng cây xanh. Hằng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng các sở, ban, ngành và địa phương đều đến kiểm tra công tác hoàn thổ sau khi đóng cửa mỏ. Trong 3 năm, chúng tôi trồng dặm thêm rất nhiều cây để bảo đảm phủ xanh toàn bộ diện tích nhằm đóng cửa mỏ.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều mỏ đã hết hạn khai thác, các đơn vị chủ mỏ đã tiến hành cắt tầng, san gạt mặt bằng, trồng cây xanh... Thậm chí, đơn vị khai thác mỏ đất đồi tại thôn Sơn Phước, xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) đã triển khai công tác đóng cửa mỏ, hoàn thổ sau khi UBND thành phố xử phạt 120 triệu đồng, trong đó đã trồng cây xanh trên diện tích 5,5ha và đã bàn giao cho địa phương quản lý. Được biết, hiện trên địa bàn huyện Hòa Vang có 28 mỏ khai thác khoáng sản đã kết thúc khai thác, trong đó có 10 mỏ đã hoàn thành công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường và UBND thành phố đã phê duyệt đóng cửa mỏ, bàn giao cho địa phương quản lý; các mỏ còn lại đang được triển khai cải tạo, hoàn thổ, phục hồi môi trường.

Theo Sở TN&MT, thời gian qua, đa số các chủ mỏ khai thác khoáng sản đã chấp hành nghiêm túc việc hoàn thổ, phục hồi môi trường theo đề án được phê duyệt. Tuy nhiên, một số chủ mỏ chưa thực hiện nghiêm túc và Sở TN&MT đã tham mưu UBND thành phố xử phạt với tổng số tiền 660 triệu đồng. Sở đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát công tác cải tạo phục hồi môi trường của 14 mỏ trong năm 2021. Một giải pháp hữu hiệu mà thành phố áp dụng những năm qua để buộc các đơn vị khai thác mỏ phải thực hiện hoàn thổ, phục hồi môi trường và đóng cửa các mỏ là phải ký quỹ phục hồi môi trường đến 500 triệu đồng/mỏ khi cấp phép khai thác. Nếu các đơn vị chủ mỏ chây ỳ, không chịu hoàn thổ, phục hồi môi trường, thành phố sẽ sử dụng khoản tiền ký quỹ này để thuê đơn vị thực hiện trước khi đóng cửa mỏ.

Đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát triển thành phố

Khai thác khoáng sản là hoạt động không thể thiếu nhằm bảo đảm cung cấp vật liệu xây dựng cho các công trình trọng điểm, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị và nhà dân. Cùng với việc lập báo cáo hiện trạng và phương án khai thác, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm tăng cường công tác giám sát đối với hoạt động khai thác khoáng sản, trong năm 2021, Sở TN&MT thường xuyên phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản đối với 10 mỏ (7 mỏ đá xây dựng, 2 mỏ đất đồi, 1 mỏ đất sét) được UBND thành phố cấp phép còn hiệu lực.

Riêng 3 mỏ đá xây dựng (Phước Thuận, Hố Chuồn, Hố Mùn 2) đang lập thủ tục gia hạn giấy phép đến cuối năm 2025 theo lộ trình quy hoạch khai thác khoáng sản đã được UBND thành phố phê duyệt, Sở TN&MT đã có thông báo yêu cầu 3 đơn vị chấp hành nghiêm túc việc dừng hoạt động khai thác khoáng sản cho đến khi UBND thành phố cho phép gia hạn mới được tiếp tục khai thác.

Đối với 13 mỏ hết thời hạn giấy phép vào cuối năm 2020, Sở TN&MT đã yêu cầu các chủ mỏ dừng hoạt động khai thác. Trong đó, có 8 mỏ đá và 1 mỏ đất đồi đã lập hồ sơ đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường theo quy định. Còn 4 mỏ đá tại thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) đang chờ chủ trương của UBND thành phố về việc gia hạn giấy phép, nếu UBND thành phố có chủ trương không gia hạn giấy phép, Sở TN&MT hướng dẫn 4 chủ mỏ lập thủ tục đóng cửa mỏ. Từ năm 2014 đến tháng 10-2021, tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố chỉ đạt 68,46 tỷ đồng (trong 10 tháng đầu năm 2021 là 9,89 tỷ đồng).

Một “bước tiến” rất lớn trong công tác quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản của thành phố là vào tháng 11-2021, Sở TN&MT đã đưa 2 mỏ đất tại xã Hòa Ninh và Hòa Liên (huyện Hòa Vang) có tổng diện tích 20ha, trữ lượng tài nguyên dự báo khoảng 1,8 triệu m3 ra đấu giá quyền khai thác với giá khởi điểm 3,615 tỷ đồng, đã được 2 doanh nghiệp trúng đấu giá với số tiền cao gấp 15 lần giá khởi điểm. Hiện Sở TN&MT chuẩn bị đưa thêm một số mỏ khoáng sản ra đấu giá quyền khai thác nhằm thực hiện hiệu quả chính sách tài chính của hoạt động khai thác khoáng sản và đáp ứng nhu cầu vật liệu cho việc xây dựng các công trình trên địa bàn thành phố.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.