Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương:

3 trọng tâm phát triển kinh tế trong năm 2022

.

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai kết luận của Trung ương và nghị quyết của Quốc hội khóa XV và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 diễn ra ngày 5-1, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chính phủ dự thảo chủ đề điều hành của năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển" với quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành cũng như các giải pháp thực hiện trong năm 2022.

Về nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến kinh tế, Chính phủ sẽ bám sát tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, tận dụng các động lực tăng trưởng mới, bền vững.

Cụ thể, tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm là khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược. Đồng thời, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

Ngoài ra, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế thực chất, hiệu quả; phát triển thương mại điện tử, kinh tế số và các mô hình kinh doanh mới dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số; xử lý các vấn đề còn tồn đọng, kéo dài nhiều năm qua.

Với tinh thần đó, Chính phủ xây dựng các giải pháp chủ yếu thực hiện trong năm 2022. Đó là thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn và quyết liệt triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt từ 6-6,5%.

Chính phủ cũng điều hành chủ động, chặt chẽ, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa, chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Cùng đó, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, phát triển xuất, nhập khẩu bền vững. Huy động hiệu quả các nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực ngoài nhà nước.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất và hiệu quả hơn; tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, thu hút các nguồn lực, nhất là từ xu hướng tăng trưởng xanh, các sáng kiến toàn cầu cho phát triển kinh tế - xã hội và phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công.

Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu, dự án quan trọng quốc gia; thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ cũng thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chính phủ sẽ xử lý cơ cấu lại hai ngân hàng thương mại yếu kém trong năm 2022; xây dựng phương án xử lý các ngân hàng yếu kém còn lại và các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả. Đặc biệt, tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý nợ công; tháo gỡ vướng mắc, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh.

Nhóm giải pháp tiếp theo cũng được Chính phủ triển khai trong năm 2022, đó là phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là công trình hạ tầng giao thông quan trọng như: dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành…

Ngoài ra, khuyến khích phát triển hạ tầng thương mại gắn với đa dạng hóa mô hình phân phối hiện đại, hạ tầng bưu chính, viễn thông, logistics; phát triển hệ thống hạ tầng nông nghiệp, nông thôn…

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.