Kinh tế

Chủ động nguồn giống nuôi trồng thủy sản nước ngọt

14:26, 20/05/2022 (GMT+7)

Ngành nông nghiệp thành phố đang triển khai các hoạt động đẩy mạnh khai thác, chủ động tái tạo nguồn giống, hỗ trợ nông dân nuôi trồng thủy sản phù hợp điều kiện tự nhiên của địa phương; qua đó, phục vụ nuôi trồng, phát triển thủy sản bền vững.

Cán bộ Trại Thực nghiệm nông nghiệp Hòa Khương chuẩn bị nguồn giống cá để hỗ trợ cho nông dân. Ảnh: VĂN HOÀNG
Cán bộ Trại Thực nghiệm nông nghiệp Hòa Khương chuẩn bị nguồn giống cá để hỗ trợ cho nông dân. Ảnh: VĂN HOÀNG

Hỗ trợ giống sản xuất

Giữa tháng 5 này, Chi cục Thủy sản thành phố hỗ trợ 80.000 con giống cá nước ngọt truyền thống cho các hộ dân nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách trên địa bàn huyện Hòa Vang để gia tăng sản xuất, khắc phục hậu quả do thiên tai. Theo đó, tùy diện tích ao nuôi, số lượng cá giống hỗ trợ cho mỗi hộ từ 1.000-5.000 con, gồm các loại: cá tra, trắm cỏ, diêu hồng, mè…

Ông Cao Văn Mễ (trú thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương) cho hay, đợt mưa lớn trái mùa vào cuối tháng 3-2022 khiến số lượng lớn cá của gia đình ông bị thất thoát. Đợt này, ông được hỗ trợ 1.000 con cá giống các loại như: basa, diêu hồng. Với diện tích khoảng 3.000m2 hiện có, ông Mễ sẽ sử dụng 2 ao (1.000m2) để nuôi lứa cá mới. “Mưa lụt bất ngờ, cá trôi hết. Vì thế, khi được hỗ trợ con giống, chúng tôi rất mừng vì đỡ chi phí đầu tư”, ông Mễ bộc bạch.

Ông Huỳnh Đức Trung, Trưởng trại Thực nghiệm nông nghiệp Hòa Khương (thuộc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố) cho biết, hằng năm, đơn vị đều ươm nuôi và cho sinh sản tại chỗ giống thủy sản nước ngọt cung cấp cho nông dân trên địa bàn thành phố. Các loại giống chủ yếu là như cá trê, cá rô đầu vuông, cá diếc, diêu hồng, trắm cỏ, chép… Tính riêng trong quý 1-2022, dù chưa phải là vụ chính nuôi cá nhưng trại đã cung cấp gần 200.000 con giống các loại.

Theo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng diện tích nuôi thủy sản nước ngọt trên toàn thành phố là 148,427 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Hòa Vang với hình thức nuôi là quảng canh cải tiến và bán thâm canh. Trong giai đoạn 2011-2020, sản lượng bình quân từ nuôi cá truyền thống đạt 602 tấn/năm, năng suất đạt 4 tấn/ha. Tính từ năm 2016 đến nay, ngành nông nghiệp thành phố đã hỗ trợ 696.200 con giống cá nước ngọt cho 434 hộ nuôi thủy sản trên địa bàn nhằm giúp người dân gia tăng sản xuất.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đặng Văn Hồng, các vùng nuôi thủy sản nước ngọt đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của ngành kinh tế thủy sản, giúp tăng cường và cải thiện số lượng, chất lượng các nguồn lợi thủy sản; góp phần tạo nguồn nông sản hàng hóa có giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường tại chỗ; tạo việc làm và cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của nhiều hộ dân trên địa bàn. Hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nhiều hoạt động tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, xây dựng và nhân rộng những mô hình nuôi thủy sản nước ngọt hiệu quả. Có thể kể đến như: mô hình nuôi cá an toàn thực phẩm, mô hình nuôi cá thát lát thương phẩm theo chuỗi giá trị… Song song với đó, công tác hỗ trợ, chủ động nguồn giống, nguyên liệu cho việc nuôi trồng, phát triển lĩnh vực thủy sản nước ngọt cũng được ngành nông nghiệp chú trọng.

Chủ động nguồn giống tại địa phương

Được biết, từ năm 2015, Trại Thực nghiệm nông nghiệp Hòa Khương đã thực hiện thành công nhiều dự án nuôi trồng thủy sản nước ngọt trên địa bàn, chủ động tạo nguồn giống cho nông dân địa phương như: thực nghiệm sinh sản nhân tạo giống cá trê lai, sinh sản nhân tạo giống cá leo, ương nuôi (nuôi từ cá bột phát triển thành cá giống) cá thát lát từ cá bột lên cá giống… Đến nay, trại đang ươm nuôi các loại cá như diêu hồng, trắm cỏ, chép… và thực hiện sinh sản tại chỗ cho các giống cá trê, cá rô đầu vuông, cá diếc…

Ông Huỳnh Đức Trung cho rằng, khi giải quyết được bài toán về nguồn giống tại chỗ, nông dân sẽ giảm được chi phí đầu vào; các đối tượng nuôi sẽ có sức đề kháng, khả năng sinh trưởng mạnh hơn, giảm thiểu tổn thất trong quá trình nuôi. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục sửa chữa, cải tạo hệ thống ao hồ để nâng cao chất lượng, số lượng con giống cung ứng cho nông dân. Đồng thời thực hiện có hiệu quả các dự án, đề tài nhằm nâng cao năng lực cán bộ tại trại và chủ động nguồn giống trong khâu sinh sản tại chỗ, đặc biệt đối với các giống cá có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Hiện đơn vị đang triển khai, thực hiện đề tài “Sinh sản và ươm nuôi cá thát lát”.

Ông Đặng Văn Hồng nhận định, nguồn giống trong nuôi trồng thủy sản nói chung và cá nước ngọt nói riêng có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế, năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản nuôi trồng. Ngành nông nghiệp thành phố triển khai đầu tư, nâng cao hoạt động sản xuất, ương nuôi giống thủy sản nước ngọt tại Trại thực nghiệm Nông nghiệp Hòa Khương. Hằng năm, trung tâm sản xuất, ương nuôi, cung ứng gần 1 triệu con giống cá nước ngọt các loại có chất lượng tốt, khả năng thích nghi cao, an toàn dịch bệnh, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu của nông dân; góp phần chủ động nguồn giống nuôi tại chỗ và phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt bền vững.

“Trung tâm Khuyến ngư nông lâm sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật tại Trại thực nghiệm nông nghiệp Hòa Khương để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng và chủng loại con giống phù hợp với nhu cầu sản xuất, đặc thù thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương”, ông Đặng Văn Hồng cho biết thêm.

Theo Chi cục Thủy sản thành phố, số hộ dân tham gia vào hoạt động nuôi cá nước ngọt trong ao hiện nay là 535 hộ dân với 642 lao động, góp phần giải quyết đời sống cho 1.284 nhân khẩu. Tổng doanh thu đạt 49 tỷ đồng, lợi nhuận thu được 23,5 tỷ đồng, tạo thu nhập bình quân 40-120 triệu đồng/hộ/năm. Định hướng đến năm 2025, tổng diện tích nuôi cá nước ngọt thương phẩm là 150ha với sản lượng đạt 1.000 tấn; sản lượng ươm, dưỡng giống cung cấp cho nông dân đạt 1,5 triệu con…

VĂN HOÀNG

.