Kinh tế

Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản

13:57, 11/05/2022 (GMT+7)

Xác định nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số theo chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Hội Nông dân thành phố phối hợp Bưu điện Đà Nẵng từng bước hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, tham gia vào nền kinh tế số, tập trung sản xuất và tiêu thụ nông sản trên nền tảng hiện đại này.

Việc tiếp cận kênh thương mại điện tử sẽ giúp nông dân quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong ảnh: Khách hàng chọn mua sản phẩm OCOP tại siêu thị sản phẩm OCOP Đà Nẵng (số 7 Nguyễn Thái Học). Ảnh: THIÊN NGUYỆN
Việc tiếp cận kênh thương mại điện tử sẽ giúp nông dân quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. TRONG ẢNH: Khách hàng chọn mua sản phẩm OCOP tại siêu thị sản phẩm OCOP Đà Nẵng (số 7 Nguyễn Thái Học). Ảnh: THIÊN NGUYỆN

Cuối tháng 4-2022, Hội Nông dân thành phố và Bưu điện thành phố Đà Nẵng ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai “Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025”. Theo kế hoạch, trong năm 2022, hai đơn vị sẽ phối hợp rà soát, đưa sản phẩm của hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn; phối hợp kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn và hệ thống điểm bán hàng của hai bên; phát triển cộng tác viên, đại lý bán hàng.

Cùng với đó, Bưu điện Đà Nẵng sẽ xây dựng, triển khai các gói sản phẩm, dịch vụ với chính sách ưu đãi cho các cấp hội, cán bộ, hội viên, nông dân và thực hiện các chương trình truyền thông về chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn lồng ghép vào các hội nghị, tập huấn, đào tạo hoặc sự kiện của hội nông dân.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Kim Dũng nhận định, đây là cơ hội để các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hộ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp… tham gia sàn thương mại điện tử; kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Qua đó, giúp nông dân đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần tránh ùn ứ nông sản trong mùa thu hoạch, tiết kiệm và giảm các chi phí, hạn chế tình trạng “được mùa, mất giá”, không tiêu thụ được sản phẩm; nâng cao giá trị nông sản, tránh phụ thuộc thương lái và các khâu trung gian khác.

“Hằng tháng, chúng tôi sẽ trao đổi, đánh giá toàn diện các mục tiêu đã triển khai trong kế hoạch; đồng thời tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn và điều chỉnh để phù hợp tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thực tế của các hội viên nông dân trên địa bàn thành phố”, ông Nguyễn Kim Dũng cho biết.

Là đơn vị được chứng nhận sản phẩm OCOP của Đà Nẵng, anh Huỳnh Đức Sol, quản lý cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) cho biết, song song với kênh bán hàng truyền thống như siêu thị, cửa hàng đặc sản…, sản phẩm của cơ sở đã xuất hiện trên một số sàn thương mại điện tử, được quảng bá rộng rãi và tiêu thụ mạnh hơn. Việc số hóa hoạt động kinh doanh là xu thế tất yếu, phù hợp nhu cầu thực tế, tuy nhiên, không phải cơ sở, hợp tác xã hay nông dân nào cũng đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử. Vì vậy, cần sự hỗ trợ của các đơn vị, cơ quan để mọi người được làm quen với cách thức bán hàng, quảng bá sản phẩm, số hóa các hoạt động kinh doanh.

Theo Phó Giám đốc Bưu điện Đà Nẵng Đào Sỹ Toàn, để việc hỗ trợ đạt hiệu quả, cần giúp nông dân hiểu lợi ích khi đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử và kênh bán hàng online. Thực tế, các sản phẩm của nông dân hầu như được bày bán và tiêu thụ chủ yếu ở những kênh thương mại truyền thống như chợ, siêu thị… Bên cạnh đó, mặc dù thương mại điện tử phát triển mạnh trong những năm qua nhưng nông dân tiếp cận kênh bán hàng này còn hạn chế. Tính đến nay, Bưu điện Đà Nẵng đã cập nhật hơn 100 sản phẩm của các đơn vị có sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Toàn bộ sản phẩm được đưa lên sàn Postmart.vn, nông dân sẽ không tốn chi phí vận hành như ở các sàn thương mại điện tử khác.

“Thời gian đến, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ đưa toàn bộ các sản phẩm OCOP lên sàn để quảng bá, xúc tiến sản phẩm cho nông dân, các hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh; đồng thời phối hợp Hội Nông dân thành phố vận động và thu thập thông tin hơn 1.500 hộ nông dân hiện đang sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp có nhu cầu bán/mua sản phẩm trên sàn giao dịch, thương mại điện tử Postmart.vn, tạo hệ sinh thái mua bán, trao đổi hàng hóa”, ông Đào Sỹ Toàn cho hay.

Việc hình thành thói quen giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trên kênh thương mại điện tử là bước khởi đầu góp phần vào công cuộc chuyển đổi số. Thông qua các sàn thương mại điện tử, sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm an toàn, đạt chất lượng VietGAP, GlobalGAP, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng trên cả nước. Từ đó, tạo động lực để nông dân tăng gia sản xuất, giới thiệu những sản phẩm mới, bảo đảm chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế. Thời gian đến, Hội Nông dân thành phố sẽ chỉ đạo các cấp hội rà soát, thống kê số hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn Posmart.vn; phối hợp Bưu điện Đà Nẵng tuyên truyền, tập huấn về xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho cán bộ, hội viên nông dân các cấp…

Bưu điện Đà Nẵng cho biết, ngay khi có kết quả phê duyệt các sản phẩm của thành phố Đà Nẵng tham gia chương trình “Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022” được tổ chức tại thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) từ ngày 15 đến 19-5, bưu điện sẽ hỗ trợ xây dựng gian hàng trực tuyến trên sàn Postmart.vn; qua đó, quảng bá, giới thiệu và kết nối giúp nông dân Đà Nẵng tiêu thụ sản phẩm.

THIÊN NGUYỆN

.