Kinh tế
Ngành dệt may tăng trưởng ổn định những tháng đầu năm
Những tháng đầu năm nay, lĩnh vực sản xuất trang phục ghi nhận mức tăng trưởng 11,5% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, dòng sản phẩm cao cấp bộ comple người lớn tăng 17,2%. Đây là tín hiệu đáng mừng, góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho nhiều lao động.
Công nhân Công ty CP Dệt may 29-3 đang sản xuất. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Nhận định từ các doanh nghiệp dệt may lớn trên địa bàn thành phố cho thấy, những tháng đầu năm 2022, chuỗi cung ứng và thị trường của ngành dệt may đã phục hồi với nhu cầu tăng cao sau hai năm chịu tác động bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc nhiều hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết và chính thức có hiệu lực đã trở thành đòn bẩy giúp doanh nghiệp dệt may vượt qua khó khăn, đẩy nhanh quá trình khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Đức Trị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho biết, hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là mặt hàng có giá trị cao và nhờ vậy vẫn giữ giá, mở rộng thị phần. Riêng ở thị trường châu Âu, với hiệp định EVFTA có hiệu lực, dự báo xuất khẩu dệt may sẽ tăng 67% vào năm 2025. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu một số điều chỉnh mang tính chiến lược trong thời gian 1-3 năm tới, trong đó tập trung vào việc thúc đẩy tự động hóa, đa dạng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới cũng như đầu tư nâng cao kỹ năng lao động.
Ở một góc nhìn khác, theo ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29-3, hiện nay, hầu hết các sản phẩm dệt may “made in Vietnam” đã có mặt tại các thị trường lớn trên thế giới như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đáng chú ý, các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA được ký kết và có hiệu lực đã tạo động lực lớn cho ngành để tăng tỷ lệ nội địa hóa, đẩy mạnh kim ngạch xuất nhập khẩu. Hiện nay, với đà phục hồi tốt của thị trường, đơn vị có đơn hàng ổn định để bảo đảm việc làm, thu nhập cho gần 4.000 lao động đang tham gia làm việc. Để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thời gian qua, Công ty CP Dệt may 29-3 chú trọng đẩy mạnh đầu tư vào tự động hóa, tăng năng suất giúp giảm chi phí. Cùng với đó là hướng đến xây dựng chuỗi khép kín để tự chủ nguyên vật liệu và nâng sức cạnh tranh của sản phẩm. Công ty đã đầu tư xây dựng mới hai nhà máy đạt tiêu chuẩn nhà máy xanh ở tỉnh Quảng Nam; đầu tư công nghệ xử lý nguồn nước thải. Từ nhiều năm nay, công ty tiến hành cơ cấu lại mặt hàng khăn bông, phục vụ thị trường trong nước, bằng việc chỉ nhận gia công sản phẩm khăn bông màu trắng cao cấp (cung ứng cho các khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng) thay vì đa dạng màu sắc như trước nhằm hạn chế sử dụng hóa chất, phẩm màu trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, công ty cũng tập trung vào mặt hàng veston dành cho người lớn. Tại Chi nhánh Công ty Scavi Huế, đơn vị chuyên may mặt hàng đồ lót, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ và một số nước châu Á, gần 100% công nhân đang tham gia lao động với công suất đạt hơn 90% so với cuối năm 2021. Chuỗi cung ứng được kết nối cùng nguồn hàng ổn định giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi các xưởng sản xuất nhằm đáp ứng tiến độ giao hàng.
Hoạt động sản xuất tại Chi nhánh Công ty Scavi Huế (Khu công nghiệp Đà Nẵng, quận Sơn Trà). Ảnh: KHÁNH HÒA |
Theo báo cáo từ Cục Thống kê, ngành sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi khá tốt trong thời gian qua với Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng 2,35% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ngành sản xuất trang phục với mức tăng trưởng 6,4% đã đóng góp đáng kể vào kết quả phục hồi của toàn ngành công nghiệp. Tính riêng trong tháng 4 năm 2022, một số doanh nghiệp công nghiệp đã khắc phục được khó khăn, chủ động tìm kiếm chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu, tìm kiếm đơn hàng; đồng thời đẩy mạnh sản xuất các đơn hàng tồn nên sản lượng sản phẩm tăng cao so với tháng trước cũng như so với cùng kỳ, đơn cử như Công ty TNHH Kad Industrial S.A Việt Nam, Công ty CP Dệt may 29-3, giúp tác động làm IIP ngành sản xuất trang phục tăng 11,5%; sản phẩm quần áo người lớn không dệt kim trong tháng 4 tăng 31,7%; mặt hàng bộ comple người lớn tăng 17,2% trong 4 tháng đầu năm nay.
KHÁNH HÒA