Kinh tế
Tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
45 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Trung ương và địa phương được các sở, ban, ngành triển khai, trong đó nhiều chính sách đã và đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, một số chính sách bộc lộ hạn chế khi chưa có hoặc ít doanh nghiệp thụ hưởng. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn thành phố sớm có giải pháp để tiếp cận chính sách hiệu quả hơn.
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Yamato Dana. TRONG ẢNH: Đại diện Tập đoàn Daiwa Việt Nam đến tìm hiểu sản phẩm, ký kết hợp đồng tiêu thụ túi đựng dụng cụ câu cá. Ảnh: GIA PHÚC - Đồ họa: MAI ANH |
28 chính sách Trung ương, 17 chính sách địa phương
Đối với chính sách hỗ trợ của Trung ương, 4 năm liên tiếp (2020-2023) doanh nghiệp được gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8-4-2020, Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19-4-2021, Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28-5-2022 và Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14-4-2023 của Chính phủ với số thuế hỗ trợ lần lượt tính đến cuối tháng 4-2023 là 993 tỷ đồng, 1.378 tỷ đồng, 920 tỷ đồng và 205 tỷ đồng.
Doanh nghiệp được giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước 3 năm liên tiếp (2020-2022) theo Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg ngày 10-8-2020, Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25-9-2021 và Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31-1-2023 của Chính phủ với số thuế, phí hỗ trợ lần lượt là 23 tỷ đồng, 115 tỷ đồng và 150 tỷ đồng.
Một chính sách lớn khác là giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn, nhiên liệu bay cũng được triển khai trong 4 năm liên tiếp (2020-2023) theo Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14 ngày 27-7-2020; Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21-12-2020; Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31-12-2021; Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 25-3-2022, Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 6-7-2022 và Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30-12-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tổng thuế, phí hỗ trợ hơn 1.191 tỷ đồng.
Các chính sách kích cầu tiêu thụ ô-tô bằng cách giảm 50% thu lệ phí trước bạ đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước cũng được triển khai, gồm: hỗ trợ 109 tỷ đồng theo Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28-6-2020 của Chính phủ; hỗ trợ 137 tỷ đồng theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26-11-2021 của Chính phủ.
Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô-tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước trong năm 2020 cũng được gia hạn theo Nghị định số 109/2020/NĐ-CP ngày 15-9-2020 với số thuế, phí hỗ trợ là 278,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Trung ương còn triển khai các chính sách hỗ trợ phí, lệ phí khác, song song là các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công, phát triển thương mại điện tử quốc gia…
Các chính sách hỗ trợ lớn của địa phương như: giảm 50% tiền sử dụng hạ tầng năm 2021 đối với 334 doanh nghiệp thuê đất, thuê lại đất trong Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết số 63/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND thành phố với số tiền gần 26 tỷ đồng; Quyết định số 08/2021/QĐ-UBND ngày 27-3-2021 của UBND thành phố về hỗ trợ giá thuê đất cho các tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất thuộc trường hợp phải nộp tiền thuê đất theo quy định của Luật Đất đai và Nghị định số 46/2014/NĐ-CP với số thuế, phí hỗ trợ hơn 63 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ lãi suất, khuyến công, khuyến nông, xúc tiến thương mại, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… của thành phố đã và đang hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp.
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn
Thực tế cho thấy, bên cạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả, vẫn có các chính sách ít hoặc không có doanh nghiệp tiếp cận. Đơn cử, việc hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; tham gia các chương trình đào tạo của quốc tế theo hình thức nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) theo theo quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN của Bộ KH&CN và Quyết định số 39-2020-QĐ-UBND ngày 15-10-2020 của UBND thành phố ban hành chưa triển khai được do quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN của thành phố hiện hành chưa có những quy định đối với loại hình nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030. Hay với chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, từ năm 2021 đến nay, Sở Công Thương nhiều lần ban hành thông báo gửi đến các doanh nghiệp, đồng thời đăng tải thông tin trên trang web của sở để doanh nhiệp được biết và nộp hồ sơ đăng ký tham gia chương trình theo Nghị quyết số 53/2021/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND thành phố ban hành và các văn bản liên quan. Tuy nhiên, chưa có doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
45 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được sở, ban, ngành triển khai thời gian qua. TRONG ẢNH: Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH thương mại, dịch vụ và sản xuất Huỳnh Đức. Ảnh: M.Q |
Ông Lê Trí Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do tác động từ nhiều yếu tố làm lượng đơn hàng giảm, thị trường thu hẹp… Ngoài việc sớm tháo gỡ các chủ trương, chính sách còn vướng mắc, lãnh đạo thành phố cần có thêm những buổi gặp gỡ, thảo luận thường xuyên với đại diện các hiệp hội để tiếp thu và ghi nhận ý kiến góp ý từ cộng đồng doanh nghiệp. Các sở, ban, ngành cần tiếp tục triển khai các chương trình kết nối đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu... phù hợp bối cảnh hiện nay.
Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, nhiều chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương đã và đang phát huy tác dụng, có thể kể đến như giảm và gia hạn các loại thuế, phí; hỗ trợ lãi suất khi vay vốn tại Quỹ Đầu tư phát triển; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ…Tuy vậy, qua nắm bắt ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, thực hiện thủ tục hành chính, gần đây nhất có thể kể đến là các quy định phòng cháy, chữa cháy; không ít doanh nghiệp hạn chế trong tiếp cận các thông tin về chính sách hỗ trợ do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các cấp chính quyền tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề xuất hướng xử lý để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận chính sách để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai dự án trên địa bàn thành phố.
"Thường trực HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền và thực hiện tốt các chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; chính sách hỗ trợ về tài chính, lãi suất vay vốn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ... theo chỉ đạo của Trung ương trên địa bàn thành phố. Tổ chức các buổi đối thoại doanh nghiệp, kịp thời tham mưu UBND thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề xuất hướng xử lý để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận chính sách để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai dự án đầu tư trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố và các quỹ ngoài ngân sách; nhất là tăng cường thẩm định, giải ngân vốn cho các dự án đầu tư; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại quỹ”. Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi phát biểu tại chương trình “Hội đồng nhân dân thành phố với cử tri lần thứ 4” vào ngày 30-5-2023 |
MAI QUẾ