Đà Nẵng cuối tuần
Nụ cười níu chân du khách
Ngày 2-6, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2023 chính thức diễn ra. Từng con phố bừng lên sức sống. Cùng với sự chuẩn bị chu đáo, người dân thành phố dặn nhau chào đón khách phương xa bằng thái độ hiếu khách và nụ cười thân thiện. Bởi họ tin rằng, điều đọng lại trong lòng du khách khi rời Đà Nẵng sẽ là những nụ cười cùng thái độ ứng xử văn minh, lịch sự.
Ngày 2-6, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2023 chính thức diễn ra. Từng con phố bừng lên sức sống. Cùng với sự chuẩn bị chu đáo, người dân thành phố dặn nhau chào đón khách phương xa bằng thái độ hiếu khách và nụ cười thân thiện. Bởi họ tin rằng, điều đọng lại trong lòng du khách khi rời Đà Nẵng sẽ là những nụ cười cùng thái độ ứng xử văn minh, lịch sự. |
Tiếp tục xây dựng điểm đến thân thiện
Vừa bước vào không gian mua sắm ở chợ Hàn, chúng tôi nhận ngay những nụ cười, những lời mời đon đả từ tiểu thương. Không có hiện tượng chèo kéo. Không nói thách. Mọi người đều vui vẻ và sẵn sàng hướng dẫn khách đến quầy hàng có sản phẩm cần mua.
Tranh thủ lúc vắng khách, bà Lại Nam Định, chủ quầy hàng Nam Định nhanh tay sắp xếp lại hàng hóa. Hơn nửa tháng nay, bà tăng lượng hàng dự trữ lên khoảng 30%, sẵn sàng phục vụ du khách đến Đà Nẵng xem pháo hoa. Theo bà Định, ở thời điểm hiện tại, giá mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm khô đều giữ mức ổn định. Để khách hàng yên tâm mua sắm, tất cả hàng hóa tại quầy đều có tem truy xuất nguồn gốc, niêm yết giá đầy đủ.
Thời gian qua, thực hiện tiêu chí chợ văn minh thương mại, bà Định cùng các hộ kinh doanh tại chợ Hàn đồng loạt sắp xếp lại quầy hàng theo hướng thẩm mỹ, khoa học, không chèo kéo, không “nói thách” và giữ thái độ phục vụ chuẩn mực, vui vẻ với phương châm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Bà Định cho biết sức mua ở chợ Hàn có chiều hướng tăng từ hai tuần trước, khi thành viên các đội thi pháo hoa lần lượt đặt chân đến Đà Nẵng.
Cùng với đó, du khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… cũng bắt đầu chi mạnh tay hơn khi biết Đà Nẵng vừa phát động tháng khuyến mại kích cầu mua sắm trên địa bàn. Hiện nhiều quầy hàng đã chuẩn bị quà tặng khuyến mãi hoặc giảm giá trực tiếp vào tổng hóa đơn mua sắm. Cũng theo bà Định, dự án “cải tạo, nâng cấp chợ Hàn” triển khai và hoàn thành năm 2022 mang lại tâm lý phấn khởi cho bà con tiểu thương.
“Chúng tôi ý thức sức mua ở chợ tăng hay giảm phụ thuộc khá nhiều vào không gian mua sắm, chất lượng hàng hóa và thái độ phục vụ. Do đó, ngoài nụ cười vui vẻ thì cách tư vấn chân thành, nhiệt tình cũng giúp mỗi tiểu thương chợ Hàn giữ chân khách”, bà Định nói.
DIFF 2023 được đánh giá là sự kiện mong chờ của ngành du lịch, dịch vụ sau thời gian dài ảnh hưởng Covid-19. Từ cuối tháng 5, không khí lễ hội đã tràn ngập khắp thành phố. Dọc hai bên đường, hàng quán đồng loạt mở cửa đón khách. Từng đoàn xích lô nối đuôi nhau chở khách ngắm cảnh dọc tuyến đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Hoàng Sa, Trường Sa. Nhiều khách sạn trên địa bàn có công suất phòng đạt 50-60% các ngày trong tuần và 80-90% dịp cuối tuần.
Bà Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch, Sở Du lịch khẳng định đây là cơ hội tốt để ngành dịch vụ, du lịch lẫn người dân tiếp tục xây dựng thương hiệu điểm đến an toàn, thân thiện. Để đón đầu làn sóng này, các khách sạn, đơn vị lữ hành tổ chức tập huấn cho nhân viên kỹ năng, thái độ phục vụ khách; trong đó, tiêu chuẩn chung là luôn tươi cười, niềm nở, thân thiện, lắng nghe và sẵn sàng giúp đỡ.
Nụ cười là tiêu chuẩn quan trọng
Nụ cười trở thành tiêu chuẩn đầu tiên, cơ bản và quan trọng nhất trong ngành dịch vụ, đặc biệt ở lĩnh vực du lịch, khách sạn và nhà hàng. Thậm chí, nhiều nơi xem đây là “kim chỉ nam” để hút khách.
Ông Nguyễn Hữu Minh Huy, Giám đốc Kinh doanh và tiếp thị, Khu nghỉ dưỡng Danang Marriott Resort (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, đi cùng sản phẩm du lịch độc đáo, phù hợp từng đối tượng khách hàng, du khách bước vào Danang Marriott Resort luôn nhận nụ cười rạng rỡ và trên hết là sự chăm sóc chu đáo từ đội ngũ phục vụ. Nụ cười ấy hình thành từ môi trường làm việc chuyên nghiệp, nơi mỗi nhân viên được là chính mình, được sáng tạo và phát triển sự nghiệp. Theo ông Minh Huy, một trong những lý do quan trọng khiến tập đoàn khách sạn đa quốc gia có tuổi đời 96 năm như Marriott International (Mỹ) chọn Đà Nẵng kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng là con người và cảnh quan. Điều này phù hợp với tiêu chí kinh doanh “đặt con người lên hàng đầu” của tập đoàn này.
Chính thức đón khách năm 2019, khách sạn Hilton Da Nang (quận Hải Châu) cũng xem nụ cười là tiêu chuẩn quan trọng đánh giá chất lượng dịch vụ cũng như hiệu quả làm việc của đội ngũ nhân viên. Triết lý kinh doanh này bắt nguồn từ ông Conrad Nicholson Hilton, người sáng lập tập đoàn khách sạn quốc tế Hilton.
Thời điểm đó, khi mở thành công khách sạn đầu tiên tên Mabee Loi, ông Hilton đã tập trung nhân viên lại, nói với họ về quan điểm kinh doanh nụ cười và đó cũng là tiêu chuẩn duy nhất để ông kiểm tra chất lượng công việc. Từ đó, phương châm nổi tiếng được hệ thống khách sạn Hilton lan tỏa trong văn hóa kinh doanh ngành khách sạn là: hôm nay bạn đã mỉm cười với khách chưa? Trong quá trình hoạt động, Hilton Da Nang đặt ra những chuẩn mực về lòng hiếu khách và xây dựng môi trường làm việc vui vẻ. Bởi theo họ, một đội ngũ nhân sự phục vụ “từ tâm”, vui vẻ, chắc chắn sẽ mang đến chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, từ đó mang lại nguồn doanh thu tốt cho khách sạn. Hilton Da Nang định lượng, doanh thu giảm có nghĩa là một nhóm các thành viên trong hệ thống đã không phục vụ khách hàng tốt như mong đợi.
Năm 2017, Sở Du lịch phát động chiến dịch “Nụ cười Đà Nẵng”, với loạt giải pháp dành cho 3 nhóm đối tượng: công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan quản lý Nhà nước; doanh nghiệp địa phương và người dân thành phố. Chiến dịch này được xây dựng trên tinh thần tạo ra những “hành động nhỏ, giá trị lớn”, từ đó khơi gợi ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc xây dựng thương hiệu “DaNang FantastiCity - thành phố tuyệt vời”.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, năm 2023, Đà Nẵng đặt mục tiêu khôi phục, phát triển thị trường khách quốc tế, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao, bảo đảm an ninh, an toàn điểm đến. Trong đó, nụ cười cùng thái độ hòa nhã của mỗi người dân, mỗi nhân viên làm trong ngành dịch vụ, du lịch trở thành điểm sáng thu hút khách phương xa. Và chắc chắn, điều này không giới hạn ở một chiến dịch, một sự kiện, mà trở thành dòng chảy văn hóa, xuyên suốt trong lối sống lẫn cách ứng xử nhiệt thành của người dân thành phố bao năm qua.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố định lượng thương hiệu nụ cười Đà Nẵng ngoài là tiêu chuẩn bắt buộc phải có ở ngành dịch vụ, còn ở lòng hiếu khách của mỗi người dân. Ông phân tích, khách thập phương cảm nhận thương hiệu nụ cười trước hết từ những người Đà Nẵng trực tiếp làm du lịch như hướng dẫn viên, nhân viên hải quan ở sân bay, bến cảng, lái xe, thuyết minh viên ở các bảo tàng, nhân viên lễ tân nhà hàng, khách sạn... nhưng những nụ cười ấy dẫu niềm nở đến mấy thì với khách thập phương đó cũng mới chỉ là một phần của sản phẩm du lịch.
Theo ông Tiếng, thương hiệu nụ cười không chỉ là những nụ cười tỏa nắng, chân thành của người Đà Nẵng ở “mặt tiền du lịch” - tức là của những người trực tiếp làm du lịch - dành cho khách, mà còn và quan trọng hơn là những nụ cười tỏa nắng, chân thành của người Đà Nẵng dành cho nhau ở mọi lúc, mọi nơi.
TIỂU YẾN