Đà Nẵng cuối tuần
Lợi thế từ sự khác biệt
Là thành phố trẻ, năng động với định hướng phát triển dịch vụ, du lịch, Đà Nẵng sớm nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng điểm đến “thành phố sự kiện”. Đây là hướng đi phù hợp với tiến trình phát triển của thành phố trong thời gian tới.
Quá trình xây dựng thương hiệu thành phố sự kiện đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Ảnh: K.H |
Vén màn hậu trường
Sau gần 3 năm tạm dừng do ảnh hưởng Covid-19, những ngày này không khí rộn ràng Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023, mở đầu cho chuỗi các hoạt động giải trí, nghệ thuật sôi động, thu hút sự quan tâm của du khách và người dân tràn ngập khắp đường phố. Còn nhớ, năm 2017 lần đầu tiên thành phố Đà Nẵng được Trung ương chọn làm địa điểm tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC 2017, đây là một trong những sự kiện quốc tế có quy mô và ý nghĩa lớn với hơn 10.000 người tham dự, trong đó có lãnh đạo của 21 nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thành công của sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 2017 đã tạo ra những cơ hội quan trọng để thành phố phát triển. Công tác chuẩn bị diễn ra trước đó cả năm, tuy nhiên gần đến ngày khai mạc cũng là lúc thời tiết không chiều lòng người khi mưa gió bão bùng, các đơn vị tham gia tổ chức sự kiện cùng người dân thành phố phải chạy đua với thời gian để đem đến một Đà Nẵng với diện mạo khang trang, sạch đẹp nhất để đón chào bạn bè trong và ngoài nước.
Trong trí nhớ của ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng Giám đốc Furama Resort (đây cũng là địa điểm tổ chức hơn 30 sự kiện trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2017), những ngày diễn ra sự kiện là kỷ niệm khó quên với rất nhiều tình tiết thú vị. Trong đó, công tác hậu cần phục vụ sự kiện là thách thức lớn đối với Furama Resort khi lần đầu tiên đón tiếp số lượng lớn quan khách, các chính trị gia hàng đầu thế giới. Bên cạnh những yêu cầu chặt chẽ về mặt an ninh, an toàn thì áp lực khiến ông Quỳnh cùng đội ngũ của mình lo lắng nhất là việc đào tạo đội ngũ, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, khâu chuẩn bị cho những bữa tiệc.
“Ngay từ tháng 7-2017 chúng tôi đã bắt đầu làm việc với các trường đại học và cao đẳng nghề tại Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế để tuyển dụng sinh viên. Chúng tôi ý thức trách nhiệm để góp phần đưa Việt Nam lên một vị thế quốc tế cao hơn, đồng thời vẫn giới thiệu được bản sắc văn hóa dân tộc”, ông Quỳnh cho hay.
Tuần lễ cấp cao APEC 2017 kết thúc thành công và an toàn, mỗi người dân Đà Nẵng là một “Đại sứ văn hóa” cùng góp sức vào thành công chung này, sau sự kiện thì mọi áp lực dường như cũng trôi qua hết, chỉ còn đọng lại niềm vui và tự hào của chính quyền và người dân thành phố. Bởi như ông Nguyễn Đức Quỳnh tâm sự, sự kiện không chỉ mang Đà Nẵng tới gần hơn với bạn bè quốc tế, tạo thêm lòng tin để các nhà tổ chức sự kiện tầm cỡ thế giới mang nhiều khách hội nghị, khách du lịch tới Đà Nẵng, mà còn mở ra nhiều cơ hội để du khách trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng.
Trong quá trình tạo dựng thương hiệu “thành phố sự kiện”, vào các năm 2016, 2019 Đà Nẵng vinh dự nhận được Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards - giải thưởng hàng đầu thế giới trong ngành du lịch, nhằm tôn vinh các thành tựu xuất sắc của ngành du lịch) - vinh danh là “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á”.
Theo thống kê từ Sở Văn hóa - Thể thao thành phố, hằng năm, Đà Nẵng tổ chức trung bình 23 đến 28 lễ hội, sự kiện phong phú, đa dạng, dành cho mọi đối tượng khán giả, du khách trong và ngoài nước. Từ các lễ hội truyền thống, dân gian đến các lễ hội giao lưu văn hóa, các chương trình nghệ thuật phục vụ du lịch được dàn dựng theo hình thức các show trình diễn có quy mô khép kín đến những không gian sự kiện rộng lớn với đông đảo khán giả tham dự các Lễ hội âm nhạc; Chương trình Lễ hội “Tuyệt vời Đà Nẵng”; Lễ hội Diều - Đà Nẵng sắc màu; Lễ hội Bong Bóng (dành cho thiếu nhi), Chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới, Lễ hội Ẩm thực quốc tế Đà Nẵng… Các sự kiện thể thao được tổ chức thành công trong thời gian qua và tiếp tục duy trì như: Đại hội Thể thao biển châu Á lần thứ V (ABG 5) năm 2016; Cuộc thi Marathon quốc tế Đà Nẵng vào tháng 8 hằng năm; Cuộc thi IRONMAN 70.3 Việt Nam…
Việc tổ chức thành công các lễ hội, sự kiện cùng với sự đầu tư, cải thiện nhanh chóng cơ sở hạ tầng, thông thoáng trong thủ tục hành chính... đã giúp Đà Nẵng dần hiện hữu trên bản đồ sự kiện quốc gia và khu vực, trở thành một trong những địa điểm được ưu tiên lựa chọn tổ chức những sự kiện quan trọng mang tầm quốc gia, quốc tế trong những năm gần đây. Cộng hưởng những thành quả nổi bật nói trên để thấy rằng, sau khi trở thành đơn vị trực thuộc Trung ương, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, với tinh thần đồng thuận cùng bản lĩnh của các cấp chính quyền và sự đồng lòng của người dân thành phố, Đà Nẵng đã tạo dựng được thương hiệu “thành phố sự kiện”, tuy nhiên việc giữ gìn và phát huy bền vững thương hiệu “thành phố sự kiện” vẫn còn nhiều việc phải làm thời gian đến.
Nghĩ về ngành công nghiệp sự kiện trong tương lai
Định hướng phát triển thành trung tâm sự kiện, lễ hội tầm khu vực và quốc tế được xem là hướng đi thích hợp với tiềm năng và khát vọng cũng như phẩm chất của con người Đà Nẵng. Điều đó được cụ thể hóa tại Chương trình số 29/CTr-TU ngày 10-5-2019 của Thành ủy Đà Nẵng về triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, xây dựng một ngành công nghiệp sự kiện là đích đến cần thiết, phù hợp xu thế chung nhằm giữ vững và tiếp tục phát huy thương hiệu mà Đà Nẵng đã định vị được.
Bà Dương Lê Phương, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao) cho biết, quá trình tìm hiểu và nghiên cứu của ngành văn hóa thành phố thời gian qua cho thấy, ngày nay, lễ hội và sự kiện không chỉ là sản phẩm văn hóa mà còn là sản phẩm thương mại, kênh truyền thông hữu hiệu cho cá nhân, tổ chức, điểm đến, một quốc gia hay khu vực. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ kéo theo nhu cầu phát triển kỹ năng nghề nghiệp và nhu cầu giải trí, thưởng thức các loại hình nghệ thuật của mọi lứa tuổi cùng với đó là thay đổi trong xu thế tiêu dùng, sinh hoạt của thế hệ đi sau… Tất cả là những yếu tố tiềm năng để Đà Nẵng hướng đến phát triển ngành công nghiệp sự kiện.
Câu chuyện thay da đổi thịt tại chợ Hàn, vốn là chợ truyền thống có hơn 50 năm tồn tại nay chuyển sang chợ phục vụ du lịch là một ví dụ điển hình cho thấy sức lan tỏa và những giá trị cộng hưởng đem lại từ quá trình thành phố định vị thành công thương hiệu “Đà Nẵng - thành phố sự kiện”; đồng thời, khắc họa rõ nét sự nhanh nhạy và thích ứng trước xu thế phát triển của thời đại. Thực tế hiện nay, không ít chợ truyền thống trên địa bàn thành phố đã trở thành điểm đến tham quan, mua sắm của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Sở Công Thương thành phố đang xây dựng đề án nghiên cứu đề xuất hình thành một số chợ điểm phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố.
Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Kim Phương cho biết, du lịch và thương mại có mối quan hệ hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau. Vì vậy, thời gian tới, ngành công thương sẽ phối hợp ngành du lịch xây dựng kế hoạch hình thành một số chợ “điểm”, tạo sản phẩm du lịch đặc thù tại chợ. Đây cũng là nơi để quảng bá các sản phẩm thương mại đặc trưng của địa phương.
Từ thực tiễn phát triển của địa phương cũng như quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và học hỏi những cách làm hiệu quả của các quốc gia tiên tiến trên thế giới, trên cơ sở những đề xuất, gợi mở từ Sở Văn hóa - Thể thao cùng các cấp, ngành liên quan, mới đây nhất, UBND thành phố thông qua Đề án “Tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa đặc sắc hằng năm, gắn với thiết lập chuỗi sự kiện, văn hóa lễ hội về đêm của thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2022-2026”.
Một trong những giải pháp được thành phố xác định đó là tăng cường hợp tác và liên kết phát triển với các đơn vị, địa phương lân cận… Tăng cường giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực và thế giới; kết nối, nâng tầm các sự kiện của Đà Nẵng; tăng cường kết nối với Tổng lãnh sự, cơ quan đại diện ngoại giao của các quốc gia tại Việt Nam (đặc biệt những quốc gia có văn phòng đặt tại Đà Nẵng) để thực hiện những ngày hội văn hóa của các quốc gia tại Đà Nẵng và mời các đoàn nghệ thuật, nghệ sĩ trong nhiều lĩnh vực của những quốc gia này tham gia biểu diễn, hoặc phối hợp tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế.
Khát vọng hướng đến xây dựng Đà Nẵng - Thành phố sự kiện đạt đẳng cấp châu Á là điều đã được khẳng định. Tất nhiên, không có công thức chung cho các quốc gia hay địa phương trong việc xây dựng nên một danh hiệu hay thương hiệu nào đó. Nhưng vẫn có những yếu tố chung để dẫn tới thành công. Đó là niềm tin, khát vọng để có lối đi, cách tiếp cận hiệu quả; vừa phát huy được lợi thế về tiềm năng sẵn có của địa phương, vừa tận dụng hiệu quả sự quan tâm, ủng hộ của của Trung ương...
KHÁNH HÒA