.

Đánh thức tiềm năng du lịch bán đảo Sơn Trà

.

(ĐNĐT) - Khu rừng già bạt ngàn với nhiều loài động vật quý hiếm, những rạn san hô sặc sỡ sắc màu, bờ biển dài quyến rũ... là những món quà mà tạo hóa đã hào phóng ban tặng cho bán đảo Sơn Trà - “viên ngọc thiên nhiên quý giá” của Đà Nẵng. Thế nhưng nhiều năm qua, tiềm năng du lịch tại bán đảo Sơn Trà vẫn chưa được khai thác đúng mức.

v
Bán đảo Sơn Trà đang sở hữu nhiều tiềm năng khai thác du lịch. Ảnh: Thành Lân

Đó là ý kiến mà hầu hết các doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn thành phố đưa ra trong Hội thảo "Giới thiệu các sản phẩm tour du lịch Sơn Trà" do Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (gọi tắt là BQL) tổ chức. Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình phát triển du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2011-2015, trong đó lãnh đạo thành phố đã xác định ưu tiên phát triển du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái. 

Tiềm năng bị "ngủ quên"

Ai đã từng một lần ghé thăm bán đảo Sơn Trà dù đi đường biển hay đường bộ cũng vô cùng ngạc nhiên bởi "viên ngọc thiên nhiên quý giá" này lại hội tụ đủ cả "rừng vàng, biển bạc". Một chuyến phượt xe máy vòng quanh bán đảo Sơn Trà, đi bộ trekking len lỏi vào những con đường mòn ngắm voọc chà vá, lặn ngắm san hô và "săn" cá trong dòng nước xanh mát lạnh…, bán đảo Sơn Trà đã làm quyến rũ bước chân của biết bao du khách gần xa. Núi có, biển có, tiềm năng thì vô cùng dồi dào, thế nhưng, nhiều nhà làm du lịch ví von bán đảo Sơn Trà giống như "nàng công chúa ngủ quên" vẫn chưa được đánh thức.

Được mệnh danh là cánh rừng già duy nhất ở Việt Nam nằm trong lòng thành phố trẻ, bán đảo Sơn Trà vẫn thiếu sức lôi cuốn, mời gọi bước chân du khách quay trở lại lần thứ hai vì sản phẩm dịch vụ còn đơn điệu và khá nghèo nàn. Những năm gần đây, nhiều công ty lữ hành trên địa bàn thành phố cũng ít khi đưa điểm đến Sơn Trà vào chương trình tour vì sự xuống cấp của các điểm dừng chân.

 Lặn ngắm san hô là tour du lịch chủ đạo tại bán đảo Sơn Trà trong năm 2014. (Ảnh do BQL cung cấp)
Lặn ngắm san hô là tour du lịch chủ đạo tại bán đảo Sơn Trà trong năm 2014. (Ảnh do BQL cung cấp)

Theo số liệu thống kê của BQL, năm 2013, tính riêng tour lặn ngắm san hô, bán đảo Sơn Trà chỉ đón được khoảng 5.000 lượt khách, trong khi Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) cũng là điểm đến tương tự lại đón hơn 171.000 lượt khách tham gia loại hình tour này. Theo giới chuyên môn đánh giá, thảm san hô ở bán đảo Sơn Trà phong phú về chủng loại, không thua kém gì ở Nha Trang (Khánh Hòa). Vì vậy, con số chênh lệch về lượng khách gấp hơn 3 lần giữa Cù Lao Chàm và bán đảo Sơn Trà đã đặt ra cho những nhà làm du lịch bài toán cần tìm lời giải đáp.

Một cái "hơn" nữa của bán đảo Sơn Trà so với Cù Lao Chàm là vừa có biển vừa có rừng, vừa có thể khai thác tour đường bộ vừa có thể khai thác tour đường sông và đường biển, trong khi ở Cù Lao Chàm chỉ có các dịch vụ biển (chủ yếu là lặn ngắm san hô). "Trong những năm gần đây, ngoại trừ chùa Linh Ứng được các công ty du lịch đưa vào chương trình tour thì khách đến tham quan tại các điểm đến ở bán đảo Sơn Trà đều bị chững lại. Chúng ta vẫn chưa thực sự khai thác hết tiềm năng của một điểm đến như bán đảo Sơn Trà nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tại địa phương", anh Nguyễn Văn Tài, Trưởng phòng điều hành, Chi nhánh Bến Thành Tourist tại Đà Nẵng nói.

Vừa khai thác vừa bảo tồn

Theo anh Tài, sở dĩ bán đảo Sơn Trà ít lôi cuốn hơn Cù lao Chàm vì các sản phẩm du lịch mới hình thành và đưa vào khai thác trong vài năm trở lại đây, trong khi Cù Lao Chàm đã có trên cả chục năm "làm du lịch". Nói như vậy không có nghĩa là phải chờ vài năm nữa bán đảo Sơn Trà mới được nhiều du khách biết đến mà điều quan trọng theo nhiều nhà làm du lịch góp ý là sản phẩm của khu rừng già này có thực sự lôi cuốn được du khách hay không, các dịch vụ có đảm bảo chất lượng hay không?

Khai thác bán đảo Sơn Trà để phục vụ du lịch phải hướng đến phát triển bền vững. TRONG ẢNH: Voọc chà vá chân nâu được mệnh danh là
Khai thác bán đảo Sơn Trà để phục vụ du lịch phải hướng đến phát triển bền vững. TRONG ẢNH: Voọc chà vá chân nâu được mệnh danh là "nữ hoàng các loài linh trưởng" nằm trong danh sách đỏ cần được bảo vệ tại bán đảo Sơn Trà. (Ảnh do BQL cung cấp)

Theo chị Nguyễn Thị Kim Liên, Phó Giám đốc Khối Thị trường trong nước, Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) cho biết, trong các chùm tour khai thác khách từ hai đầu đất nước về miền Trung, Vitours đều đưa khách đi khám phá Cù lao Chàm; trong khi ở Đà Nẵng, một sản phẩm du lịch hấp dẫn như bán đảo Sơn Trà lại ít được đưa vào khai thác. Sở dĩ như vậy vì theo chị Liên, bán đảo Sơn Trà vẫn còn nhiều cái thiếu trong khâu dịch vụ như nhà vệ sinh công cộng, dịch vụ ăn uống dọc đường, trạm xe trung chuyển... để phục vụ du khách.

"Doanh nghiệp đã sẵn sàng lên tour để quảng bá cho du khách và rất mong muốn du khách lưu trú tại thành phố nhiều ngày hơn, thế nhưng tour bán được hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào điểm đến. Dù doanh nghiệp có khai thác khách nhiều đến đâu, có quảng bá tốt đến đâu mà dịch vụ điểm đến không đảm bảo thì du khách không thể hài lòng quay trở lại lần sau. BQL cũng như ngành du lịch thành phố nên đầu tư nhiều hơn nữa cho bán đảo Sơn Trà, tạo thêm nhiều dịch vụ phong phú thì trong thời gian tới, doanh nghiệp mới bán được tour về bán đảo Sơn Trà cho nhiều du khách", chị Liên chia sẻ.

Song song với việc đầu tư xây dựng dịch vụ cho điểm đến, ngành du lịch thành phố cần xúc tiến quảng bá nhiều hơn cho bán đảo Sơn Trà. Đại diện các hãng lữ hành tham dự buổi hội thảo cho rằng, du khách khi tìm hiểu tour về Đà Nẵng thường biết nhiều đến Bà Nà Hills, Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm..., trong khi "cái tên" bán đảo Sơn Trà nằm sừng sững giữa lòng thành phố lại ít được du khách biết đến. Một thực tế cho thấy, trong nhiều tour giới thiệu về Đà Nẵng, các hướng dẫn viên (HDV) du lịch có thể "thao thao bất tuyệt" giới thiệu về nhiều điểm đến của thành phố cho du khách trong khi thông tin về bán đảo Sơn Trà lại rất nghèo nàn và rất "lung tung".

"CLB HDV du lịch Đà Nẵng hiện nay có khoảng 1.300 HDV du lịch, chỉ cần một HDV giới thiệu điểm đến Sơn Trà cho du khách thôi cũng tạo được luồng thông tin vô cùng nhiều. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, BQL sẽ tổng hợp tư liệu một cách đầy đủ, chính xác và cụ thể để các doanh nghiệp có thể giới thiệu trên trang web của đơn vị và CLB HDV có thông tin tập huấn cho các hội viên trong thời gian tới", anh Đinh Viết Văn Hải, Trưởng phòng Tổ chức sự kiện, Công ty Vitours đề xuất. 

Cái khó lớn nhất theo nhiều đại biểu khuyến cáo là phải làm sao vừa khai thác mà vẫn bảo tồn được khu rừng nguyên sinh và môi trường sống của các loài động vật tại đây. Chẳng hạn, khi khai thác dịch vụ câu cá, phải hướng dẫn du khách không được săn bắt các loài cá nhỏ để bảo đảm cân bằng môi trường biển. Hoặc khai thác tour ngắm voọc chà vá, phải làm sao không ảnh hưởng đến cuộc sống của loài động vật nằm trong danh sách đỏ này. "Chúng ta không nên khai thác bán đảo Sơn Trà một cách đại trà mà cần có chiến lược cụ thể, vừa khai thác vừa bảo tồn, hướng đến phát triển một cách bền vững. Chúng tôi nghĩ rằng, chỉ nên để cho một công ty độc quyền khai thác và chịu trách nhiệm về các sản phẩm dịch vụ tại bán đảo Sơn Trà", ông Lê Tấn Thanh Tùng, Trưởng Khoa Lữ hành-Hướng dẫn, Trường Cao đẳng nghề Du lịch Đà Nẵng nêu ý tưởng. 

Nhiều ý kiến cho rằng, để tiềm năng bán đảo Sơn Trà thực sự được đánh thức cần sự liên kết của ngành du lịch, BQL và cộng đồng doanh nghiệp. Có như vậy, mới mong tìm ra hướng đi tốt nhất để phát triển du lịch ở Đà Nẵng một cách bền vững trong những năm đến.

Trong năm 2014, BQL đã lên kế hoạch xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới, trong đó có 2 tour chính là ngắm động vật hoang dã và lặn ngắm san hô. Để khai thác lượng khách tốt hơn trong mùa du lịch 2014, BQL sẽ đầu tư và nâng cấp một số dịch vụ như xây dựng chòi nổi câu cá, nâng cấp các điểm dừng chân (Nhà vọng cảnh, Đỉnh bàn cờ, Không gian xanh...), xây dựng trạm trung chuyển tại ngã ba đường Lê Đức Thọ-Hoàng Sa với diện tích 1.000 m2...

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.