Năm 2014, ngoài những thị trường quen thuộc như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga... du lịch Đà Nẵng tập trung thu hút nguồn khách Nhật Bản nhằm góp phần làm tăng nguồn khách và tổng thu.
Lãnh đạo ngành du lịch thành phố tặng hoa cho du khách Nhật Bản “xông đất” Đà Nẵng trong dịp năm mới 2014. |
Hướng đến nguồn khách trẻ
Đà Nẵng là một trong những điểm đến được ưa thích của du khách Nhật Bản bởi môi trường du lịch trong sạch, người dân thân thiện cùng với nét tương đồng trong văn hóa. Nhiều du khách Nhật Bản khi vừa đến Đà Nẵng đã cảm thấy yêu mến thành phố biển xinh đẹp này và mong muốn quay lại lần thứ hai. Anh Sakai Jiro (du khách đến từ Tokyo) cho biết, sở dĩ anh lựa chọn Đà Nẵng trong chuyến du lịch đầu năm mới 2014 vì qua các phương tiện thông tin đại chúng, anh được biết Đà Nẵng có môi trường du lịch an toàn, uy tín và kết nối nhiều di sản văn hóa thế giới như Huế, Hội An, thánh địa Mỹ Sơn. Còn với chị Momose Katsusuke đã đi du lịch nhiều nơi ở Việt Nam nhưng đến Đà Nẵng, chị thấy môi trường sống nơi đây thật dễ chịu và thoáng đãng. “Lần đầu tiên đến Đà Nẵng, tôi cảm thấy rất ấn tượng bởi Đà Nẵng không chỉ có bãi biển đẹp, thức ăn ngon mà cuộc sống của người dân cũng hiền hòa, không xô bồ, tấp nập như các đô thị lớn khác của Việt Nam”.
Những năm qua, nhờ chiến lược quảng bá của ngành du lịch thành phố, du khách ở xứ sở “mặt trời mọc” ngày càng biết đến Đà Nẵng nhiều hơn. Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, năm 2013, lượng khách Nhật Bản đến thành phố đã tăng lên nhanh chóng với hơn 41.000 lượt, tăng 53% so với năm 2012. Với con số ấn tượng này, Nhật Bản trở thành thị trường khách quốc tế trọng điểm, đứng thứ 3 trong tổng số lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng, sau Trung Quốc và Hàn Quốc. “Năm 2014 hứa hẹn sẽ bội thu cho các công ty lữ hành khai thác thị trường khách Nhật Bản; đặc biệt là nguồn khách trẻ đến thành phố ngày càng đông.
Giới trẻ Nhật Bản thường dành những kỳ nghỉ cuối tuần để lên kế hoạch cho những chuyến du lịch ngắn ngày đến Đà Nẵng và thường tham gia vào nhiều hoạt động vui chơi, giải trí”, ông Hà Tấn Vĩnh, Giám đốc Công ty CP TNHH Du lịch H.I.S Sông Hàn Việt Nam chia sẻ. Xác định nguồn khách tiềm năng này, không chỉ riêng H.I.S mà nhiều công ty lữ hành trên địa bàn thành phố cũng đã chú trọng xây dựng nhiều sản phẩm dịch vụ phục vụ cho giới trẻ Nhật Bản với hành trình tour thông thường là 3 ngày 2 đêm, khởi hành vào những ngày cuối tuần.
Cần thêm nhiều dịch vụ
Theo số liệu khảo sát của Trung tâm Xúc tiến du lịch thành phố, người Nhật Bản có mức chi tiêu khá cao từ 500 - 1.500 USD cho chuyến du lịch khoảng trên dưới 10 ngày. Trong thực tế, con số này còn cao hơn nhiều, bởi ngoài việc mua tour của các công ty lữ hành, khách Nhật Bản còn dành ưu tiên chi tiêu vào các dịch vụ ăn uống và bổ sung. Tuy nhiên, khi quyết định mua dịch vụ, du khách Nhật rất cân nhắc đến những yếu tố như vệ sinh, cơ sở lưu trú tiện nghi, hệ thống giao thông an toàn và thuận tiện. Vì vậy, để thu hút khách Nhật, các công ty lữ hành, các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố cần xây dựng sản phẩm dịch vụ với chất lượng bảo đảm và uy tín. “Khách Nhật Bản rất khó tính. Cái quan tâm lớn nhất của họ không phải là gói tour bao nhiêu mà là chất lượng dịch vụ có xứng đáng để bỏ tiền chi tiêu hay không”, ông Nguyễn Tường Hiếu, đại diện Công ty JTB (Nhật Bản), văn phòng tại Đà Nẵng cho hay.
Với việc xác định và dự báo dòng khách Nhật Bản là thị trường trọng điểm của du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2012-2015, ngành du lịch thành phố cũng như bản thân các doanh nghiệp du lịch cần phải có nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến cũng như xây dựng những tour, tuyến mới phù hợp với sở thích du lịch của nhiều nguồn khách. “Hiện nay chúng ta đã quảng bá tại thị trường Nhật tương đối tốt nên lượng khách đến Việt Nam nhiều hơn, trong đó có Đà Nẵng. Chúng ta cứ nghĩ khách Nhật biết về Đà Nẵng nhiều, nhưng thực chất thông tin về Đà Nẵng đối với khách Nhật rất hạn chế. Quầy bán tour đi Việt Nam của các công ty lữ hành Nhật Bản cũng khiêm tốn”, ông Vĩnh nói.
Hiện nay, tại Đà Nẵng, số lượng khách du lịch người Nhật Bản có thể giao tiếp tiếng Anh khá hạn chế và tình hình nhân lực có thể giao tiếp bằng tiếng Nhật tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp rất hiếm. Vì vậy, để có thể dễ dàng tiếp cận với du khách Nhật Bản cũng như đáp ứng được chính xác những mong muốn của họ, ngành du lịch thành phố cần có chiến lược đào tạo đội ngũ nhân lực du lịch thông thạo tiếng Nhật, giúp du khách thỏa mãn dịch vụ tại điểm đến. Điều này sẽ giúp Đà Nẵng ngày càng hấp dẫn trong mắt du khách đến từ xứ sở hoa anh đào.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN