Du lịch
Giải quyết tận gốc tình trạng chèo kéo, bu bám du khách
ĐNĐT - Thời gian qua, Đà Nẵng đã tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với du khách trong và ngoài nước với hình ảnh về một thành phố du lịch văn minh, lịch sự và thân thiện. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên thương hiệu cho ngành du lịch thành phố. Tuy nhiên, trong mùa cao điểm, tình trạng buôn bán hàng rong, xin ăn biến tướng, giá cả không được niêm yết… vẫn tái diễn ở một số điểm du lịch.
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu đưa ra tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2014 về hoạt động chống bu bám, chèo kéo khách du lịch trên địa bàn thành phố vào chiều 18-7, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ.
Để đảm bảo môi trường du lịch trong sạch, trong thời gian tới, Đà Nẵng kiên quyết xử lý tận gốc tình trạng bu bám và chèo kéo khách. |
"Có vấn đề chứ không hẳn tốt như báo cáo"
Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL, trong 6 tháng đầu năm, tình trạng đeo bám, chèo kéo khách đã giảm hẳn, thể hiện rõ nét nhất là trong các dịp thành phố tổ chức các sự kiện cũng như các ngày lễ lớn. Đặc biệt, trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông, việc đảm bảo an toàn cho du khách nói tiếng Hoa được triển khai kịp thời và đồng bộ nên không có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra.
Tại các điểm du lịch và trung tâm mua sắm như Bà Nà Hills, Sơn Trà, đỉnh đèo Hải Vân, Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, chợ Cồn, chợ Hàn..., tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường được đảm bảo, cơ bản không còn tình trạng đeo bám và chèo kéo khách.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nhận định: “Tình trạng bu bám, chèo kéo khách gần đây có xu hướng tăng trở lại do lực lượng chức năng buông lỏng dần. Môi trường an ninh trật tự và văn minh du lịch của Đà Nẵng có vấn đề chứ không hẳn đã tốt như báo cáo của Sở VH-TT&DL”.
Lấy dẫn chứng tại khu du lịch Danh thắng Ngũ Hành Sơn, ông Huỳnh Đức Thơ chỉ rõ, hiện trạng nhà vệ sinh công cộng ở dưới chân núi chưa đạt yêu cầu, vẫn còn tình trạng một số ki-ốt bày bán hàng lấn chiếm khu vực bãi đỗ xe, gây mất mỹ quan chung cho khu danh thắng. Tình trạng buôn bán hàng rong, xin ăn biến tướng, chèo kéo khách vẫn còn diễn ra tại một số tuyến đường ven biển Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa - Trường Sa làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường du lịch. Tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng, vẫn có một số đối tượng taxi chèo kéo gây phản cảm cho du khách quốc tế...
Tại khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn hiện vẫn còn tình trạng không niêm yết giá bán theo quy định. Một số đối tượng vì lợi nhuận trước mắt đã “hét” giá cao khiến du khách bức xúc.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Nguyễn Đắc Xứng cho biết, trên địa bàn quận hiện nay, việc mời khách thái quá ở một số nhà hàng ven biển gần đây đã giảm, ít có tình trạng nhân viên đứng vẫy tay giữa đường gây phản cảm cho khách du lịch. Một số nhà hàng đã cam kết thực hiện nghiêm túc văn minh du lịch, không cho các đối tượng hàng rong, đánh giày… vào nhà hàng chào mời khách.
Tại khu vực chùa Linh Ứng, hiện đã mở nhà bán hàng lưu niệm nên không còn tình trạng bán hàng rong trước cửa chùa gây mất an ninh trật tự như trước đây. Quận Sơn Trà cũng đã phối hợp với các lực lượng chức năng chia nhiều ca, thường xuyên túc trực tại các điểm nóng để quản lý địa bàn. Tuy nhiên, do lực lượng còn mỏng, hoạt động của các đối tượng bán hàng rong có khi diễn ra sau 19 giờ tối nên công tác xử lý vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Nhiều đối tượng hoạt động rộng rãi, di chuyển nhiều nơi trên địa bàn quận, sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng nên công tác chống chèo kéo, đeo bám khách du lịch vẫn chưa được giải quyết tận gốc khiến lực lượng chức năng trở nên “đuối sức”. Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của thành phố về việc triển khai công tác chống chèo kéo và bu bám khách, quận Sơn Trà đã tổ chức ra quân 3 đêm cao điểm và đã xử lý gần 200 trường hợp vi phạm với số tiền phạt trên 83 triệu đồng.
“Đa số đối tượng bán hàng rong trên địa bàn quận là người Quảng Ngãi và Thanh Hóa, một số gia đình có nhiều thành viên chia nhau bán hàng rong tại các điểm, trong đó có cả trẻ em và người tàn tật. Để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng này thường để hàng rong ở các con hẻm nhỏ giao với tuyến đường ven biển rồi đem theo lượng hàng nhỏ luồn lách vào đám đông người dân và du khách để chèo kéo mua hàng”, ông Xứng cho hay.
Cần giải quyết tận gốc
Để làm trong sạch môi trường du lịch Đà Nẵng trong thời gian tới, các đại biểu cho rằng, thành phố cần có những giải pháp căn cơ nhằm giải quyết tận gốc tình trạng bán hàng rong, bu bám và chèo kéo khách, nhất là trong mùa cao điểm du lịch hè, mùa du lịch tàu biển và các ngày lễ, tết.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhận định, công tác chống chèo kéo và bu bám khách du lịch là việc làm lâu dài, duy trì cả năm, chứ không phải “ngày một ngày hai” và cần triển khai quyết liệt, trong đó vai trò của UBND các quận là rất lớn. Ông Thơ yêu cầu lãnh đạo UBND các quận làm việc với các chủ nhà hàng ký cam kết không được để xảy ra tình trạng chèo kéo, bán hàng rong trong khu vực kinh doanh của nhà hàng. Trong thời gian tới, Sở VH-TT&DL phối hợp với các quận nghiên cứu thêm một số tuyến đường đưa vào diện cấm buôn bán hàng rong để đề xuất lên UBND thành phố. Đồng thời, chỉ đạo Sở VH-TT&DL hằng tháng phải làm báo cáo đánh giá và xếp loại công tác đảm bảo môi trường du lịch của các quận để chuyển cho Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố.
Giao cho Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng quản lý các hộ kinh doanh ở các bãi biển du lịch, giới hạn cụ thể số lượng ghế và dù cho các hộ kinh doanh để dành không gian cho người dân và du khách tắm biển, đồng thời giám sát chặt chẽ giá dịch vụ ở các bãi tắm nước ngọt và các khu thể thao biển.
Nhằm hạn chế tình trạng bán hàng rong trong mùa du lịch cao điểm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu Sở LĐ-TB&XH trong thời gian tới đưa các đối tượng là người tàn tật và trẻ em vào Trung tâm Bảo trợ xã hội, đồng thời tìm người thân để đưa các đối tượng này về nhà. Phó Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các Sở Tư pháp, Sở VH-TT&DL trong vòng 20 ngày tới tham mưu cho UBND thành phố về quy định tập trung và xử lý các đối tượng bán hàng rong, xin ăn trên địa bàn thành phố thật kiên quyết nhưng phải đảm bảo tính nhân văn, nhất là trong việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em và người tàn tật bị các đối tượng khác chăn dắt.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN