Du lịch
Bảo vệ rạn san hô bán đảo Sơn Trà
07:42, 01/06/2010 (GMT+7)
Việc bảo vệ rạn san hô trên vùng biển Đà Nẵng tiếp tục là hoạt động “nóng”, khi san hô trước những tác động từ môi trường và con người đang bị xâm hại nghiêm trọng. Hoạt động thả phao, tuần tra thường xuyên gần đây của Chi cục Thủy sản và các bên liên quan được đánh giá là tích cực nhằm bảo tồn và làm sống lại hệ sinh thái đặc biệt này, hướng tới phát triển du lịch.
Toàn bộ lồng bè nuôi trồng thủy sản sẽ được di dời ra khỏi vùng bảo vệ san hô. |
Hiện 19 lồng bè và 4 giàn rớ vẫn chưa đi khỏi vùng bảo vệ, vì các chủ hộ đều được xác nhận là đã sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản tại đây lâu năm. Theo ông Tiệp, ngay khi thành phố có chính sách hỗ trợ hợp lý, những lồng bè sẽ được di dời để rạn san hô và các hệ sinh thái biển được bảo vệ toàn vẹn. Ngoài hoạt động nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè, việc người dân và du khách lặn ngắm, bẻ các vỉa san hô trước khi phao bảo vệ được thả, đất đá từ các công trình ven biển làm chết thảm thực vật gần bờ đã gây tổn hại lớn đến rạn san hô.
Ông Tiệp cho rằng, rạn san hô được phục hồi nhờ các biện pháp bảo vệ sẽ là sản phẩm du lịch đặc sắc trong tương lai. Từ ba năm nay, các công ty lữ hành cũng đưa nhiều lượt khách đến lặn ngắm san hô ở Hòn Sụp. Tuy nhiên, BQL cũng gửi thông báo đến các hãng lữ hành yêu cầu chỉ cho khách tiến hành lặn nông để ngắm san hô và bảo toàn san hô khỏi bị xâm hại. Việc thả phao sẽ tiếp tục ở các khu vực khác là Bãi Bắc, Hục Lỡ 1, Hục Lỡ 2.
Quyết định của UBND thành phố Đà Nẵng ngày 18 tháng 9 năm 2009 về việc phê duyệt Đề án bảo vệ rạn san hô và các hệ sinh thái biển khu vực bán đảo Sơn Trà cho thấy, ban đầu sẽ thả phao ở các vùng trên và tiếp tục mở rộng sang những khu vực khác để hình thành khu vực câu cá phục vụ khách du lịch. Bởi “Khi rạn san hô và các hệ sinh thái biển được phục hồi, các loại cá sẽ kéo về tập trung nhiều ở vùng này”, ông Tiệp nói.
Bài và ảnh: P.KHÁNH