Du lịch

Hướng đi bền vững cho nhân lực ngành du lịch

07:45, 19/11/2014 (GMT+7)

Sự phát triển không ngừng của các hệ thống khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng, khách sạn… đạt tiêu chuẩn quốc tế đã đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến thu hút nhiều khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, chất lượng nhân lực phục vụ trong ngành lại là vấn đề nan giải khiến các nhà đầu tư, nhà quản lý trăn trở.

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Việt - Úc trong một buổi thực hành buồng phòng.
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Việt - Úc trong một buổi thực hành buồng phòng.

Thừa nhưng vẫn thiếu

Đó là lời chia sẻ của ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitour) về nhân lực ngành du lịch. Bởi theo phân tích của ông Tùng, tâm lý chung của nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông chỉ muốn học đại học mà không muốn học nghề. Các trường đại học thường thiên về đào tạo quản trị lữ hành dẫn đến thừa lao động, trong khi đó ngành cần lao động biết ngoại ngữ, thành thạo các công việc “4 B” (buồng-bàn-bếp-bar) thì lại luôn thiếu.

Đặc biệt ở Đà Nẵng, đội ngũ đầu bếp ẩm thực các nước châu Âu rất hạn chế, nhà hàng dành cho khách theo đạo Hồi chưa có… Ngoài ra, số sinh viên ra trường thiếu các kỹ năng mềm. Doanh nghiệp nào muốn tuyển dụng lao động thì phải đào tạo lại, dẫn đến vòng luẩn quẩn thiếu thì vẫn thiếu, thừa thì vẫn cứ thừa.

TS. Trương Sỹ Quý, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, chất lượng đào tạo ngành du lịch chưa đáp ứng mong muốn của các doanh nghiệp phần lớn là do cơ sở đào tạo, nhu cầu của người học và doanh nghiệp chưa gặp nhau dẫn đến sự thiếu hụt nhân lực. Do đó, cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông về nghề để người học hiểu đúng về nghề mà họ sẽ quyết định theo đuổi, gắn bó.

Theo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Đà Nẵng, hiện thành phố có khoảng 16.000 người hoạt động trong ngành du lịch (tăng 22% so với năm 2011). Tuy nhiên, với sự phát triển ồ ạt của các cơ sở lưu trú mỗi năm tăng khoảng 2.000 phòng, ngành du lịch thiếu cả đội ngũ hướng dẫn viên du lịch (HDV), đầu bếp, phục vụ buồng phòng, nhân viên bàn, lễ tân, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dịch vụ, du lịch.

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL thành phố cho biết, khối khách sạn hiện nay có khoảng 10.600 lao động (chiếm 66,2% tổng lao động toàn ngành). Riêng đội ngũ nhân viên buồng, phòng ở khối khách sạn 3 sao trở lên đều được đào tạo về nghiệp vụ ở các bậc trung cấp và cao đẳng nghề; còn 1-2 sao thì chưa. Tỷ lệ lao động được đào tạo đúng chuyên môn về du lịch hiện nay gần 50%.

Đừng để thua trên sân nhà

Được biết, bắt đầu từ ngày 1-1-2015, theo thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (Mutual Recongnition Arrangement - MRA) về nghề du lịch trong ASEAN, người làm việc trong ngành du lịch có thể làm việc tại bất kỳ quốc gia nào trong khối ASEAN khi đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn về nghề nghiệp. Cụ thể, ngoài những bằng cấp về du lịch, nhà hàng, khách sạn, người làm việc trong ngành du lịch cần có chứng chỉ VTOS (Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam) được công nhận qua việc đồng bộ trình độ kỹ năng của họ với Tiêu chuẩn nghề chung ASEAN đối với nghề du lịch.

Trên cơ sở Tiêu chuẩn nghề chung ASEAN, những người làm trong ngành du lịch của các nước có thể đến làm việc tại Việt Nam và ngược lại. Tại Lebelhamy Hội An Resort and Spa đã có những sinh viên người Philippines đến thực tập và làm việc.

“Các nước bạn đã đón đầu bằng cách đưa sinh viên của họ đến các nước khác để học tập và làm quen với môi trường sống. Nếu sinh viên của chúng ta không năng động, nhạy bén trong tiếp cận thông tin, nâng cao trình độ ngoại ngữ, nghiệp vụ thì rất có thể chúng ta sẽ bị thất bại ngay trên sân nhà chứ đừng nói đến ở các nước khác”, ông Lê Tấn Thanh Tùng nhấn mạnh.

Để từng bước khắc phục tình trạng trên, nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố đã thay đổi chương trình đào tạo để phù hợp với xu thế. Mới đây, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) liên kết với trường HAAAGA của Phần Lan xây dựng chương trình đào tạo gần giống với chương trình của họ dựa trên các tiêu chí phù hợp với Việt Nam.

“Ngoài ra, trường còn hợp tác với ĐH Saxseone của Hà Lan, mời các chuyên gia của họ về dạy một số môn cho sinh viên của trường, liên kết với các doanh nghiệp để gia tăng thực tập nghề và thực tập chuyên môn cho sinh viên”, TS. Trương Sỹ Quý nhấn mạnh.

Những năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Việt-Úc không ngừng hoàn thiện, nâng cấp cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành du lịch. Đến nay, trường có 15 ngành nghề được đào tạo, đáp ứng gần như đầy đủ yêu cầu nhân sự cho một khu nghỉ mát 5 sao. Ths Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với những lợi thế có được từ khung chương trình của Úc và cơ sở vật chất xây dựng theo mô hình khách sạn, khu nghỉ mát, thời gian đến trường sẽ mở rộng đào tạo tất cả các nghề trong lĩnh vực du lịch”.

Bài và ảnh: THU HÀ

.