.

Kinh tế Thái Lan trước nguy cơ suy thoái

.

Cựu Thủ tướng Thái Lan Anand Panyarachun cảnh báo, khủng hoảng chính trị tiếp tục diễn ra có thể đẩy đất nước này vào suy thoái.

Nông dân biểu tình ở Bangkok ngày 10-2 đòi chính phủ trả tiền mua gạo giá cao.  Ảnh: AP
Nông dân biểu tình ở Bangkok ngày 10-2 đòi chính phủ trả tiền mua gạo giá cao. Ảnh: AP

Nhận định của cựu Thủ tướng Anand Panyarachun được đưa ra khi ông trả lời phỏng vấn báo Bangkok Post. Theo đó, ông quan ngại nếu khủng hoảng chính trị tiếp diễn thì nền kinh tế và tài chính của Thái Lan sẽ tồi tệ hơn. “Trong quá khứ, một cuộc khủng hoảng phát triển khá nhanh và thấy ngay kết quả trong một vài tháng. Điều này đang diễn ra trong nhiều năm nay”, ông Anand nói.

Tăng trưởng chỉ 2,5 - 2,8%

Bangkok Post cho biết, tăng trưởng kinh tế của Thái Lan trong năm 2014 dự kiến khoảng từ 4,5 - 5%. Song, hiện Ngân hàng Thái Lan, Hội đồng Thương mại và các ngân hàng nước ngoài danh tiếng cùng các nhà phân tích tài chính dự đoán con số này từ 2,5 - 2,8%. “Mức tăng trưởng này thậm chí có thể giảm nếu tiếp tục bất ổn”, ông Anand khẳng định. Theo cựu Thủ tướng, Thái Lan đang dần rơi vào suy thoái và đây là vấn đề quan trọng đối với quốc gia Đông Nam Á này.

Khi được hỏi quan điểm khi cựu Phó Thủ tướng Pridiyathorn Devakula phát biểu rằng, chính phủ của Thủ tướng Yongluck Shinawatra là chính phủ thất bại và người đứng đầu nên từ chức, ông Anand đề cập từ “rối loạn chức năng”. Tuy nhiên, khi nói một chính phủ “rối loạn chức năng” không đồng nghĩa với việc đổ lỗi cho nội các. Ông Anand cho rằng, một chính phủ bị Hạ viện giải tán và chuyển thành chính phủ lâm thời thì không thể làm được nhiều việc, cũng không thể đưa ra các chương trình mới. Cựu Thủ tướng nhắc đến những trở ngại và hạn chế về kinh tế ở phía trước đối với Thái Lan. Theo ông, đất nước này hiện cần một chính phủ hoạt động bình thường, đầy đủ, hiệu quả và thỏa hiệp là giải pháp duy nhất.

Bắt một lãnh đạo phe biểu tình

Trong lúc đó, không những biểu tình vẫn diễn ra tại Bangkok với việc phong tỏa nhiều giao lộ cũng như các cơ quan chính phủ, mà một vụ nổ nhỏ ở trung tâm thủ đô ngày 10-2 làm 6 công nhân môi trường bị thương, trong đó có 2 người bị thương nặng.

AP cho biết, cũng trong ngày 10-2, cảnh sát Thái Lan bắt Sonthiyarn Cheunruethainaitham, cựu Giám đốc điều hành Công ty tin tức Tnews, được biết đến với quan điểm chống chính phủ, vì vi phạm luật khẩn cấp. Tổng Giám đốc Cơ quan Điều tra đặc biệt của Thái Lan, ông Tharit Pengdit, mô tả Sonthiyarn là người đứng đầu phong trào và là “nhân vật quan trọng thứ hai” sau ông Suthep Thaugsuban. Đây là vụ bắt giữ đầu tiên sau khi các nhà chức trách phát lệnh truy nã 19 thủ lĩnh biểu tình và đang tìm kiếm lệnh bắt 13 người khác.  

Theo AP, việc bắt giữ làm gia tăng căng thẳng trong cuộc xung đột chính trị kéo dài 3 tháng qua, khi những người biểu tình tìm cách lật đổ bằng được bà Yingluck.

Hiện tại, chính sách trợ giá gạo vẫn là nội dung để phe đối lập cùng những người ủng hộ lực lượng này chống lại nữ Thủ tướng lâm thời. Hơn 1.000 nông dân ngày 10-2 lại tuần hành yêu cầu được trả tiền mua gạo giá cao hơn giá thị trường, như bà Yingluck đã hứa. Khoảng 30 người đại diện được gặp gỡ Bộ trưởng Thương mại Niwatthamrong Bunsongphaisan và Bộ trưởng Tài chính Kittirat Na-Ranong, nhưng không có tiến triển nào sau cuộc gặp kéo dài hơn một tiếng đồng hồ.

Chương trình gạo là chính sách ghi dấu ấn của Thủ tướng Yingluck khi bà nắm quyền vào năm 2011 với sự trợ giúp của hàng triệu cử tri nông thôn. Nhưng giờ đây, chương trình này lại là một trong những đe dọa lớn nhất đối với quyền lực của bà. Không bỏ qua cơ hội này, cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban dẫn đầu một cuộc tuần hành từ trung tâm thương mại ở Bangkok đến các khu vực lân cận Thonglor và Ekkamai để quyên góp hỗ trợ nông dân.  

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.