.

Nigeria và Senegal tuyên bố hết dịch Ebola

.

ĐNĐT - Ngày 20-10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố Nigeria chính thức hết dịch Ebola, sau 42 ngày không có ca lây nhiễm mới. 

Một giáo viên đang kiểm tra nhiệt độ của học sinh để xem có virus Ebola hay không tại một trường học ở Lagos.  Ảnh: AFP
Một giáo viên đang kiểm tra nhiệt độ của học sinh để xem có virus Ebola hay không tại một trường học ở Lagos. Ảnh: AFP

Đại diện của WHO tại Nigeria, Rui Gama Vaz cho biết: “Hiện virus đã biến mất. Ổ dịch tại Nigeria đã bị đẩy lùi. Đây là một câu chuyện thành công ngoạn mục chứng tỏ với thế giới rằng Ebola có thể bị khống chế”. 

Việc Ebola xuất hiện tại Nigeria, nước đông dân nhất và có nền kinh tế hàng đầu châu Phi, đã gây nên nỗi sợ hãi rằng virus có thể nhanh chóng lan tràn khắp đất nước 170 triệu dân này.  

Tuy nhiên, viễn cảnh đáng sợ đó đã không xảy ra và các chuyên gia y tế tham gia đối phó với nạn dịch đã khen ngợi chính quyền vì đã có phản ứng nhanh chóng và theo dõi các tiếp xúc hiệu quả, chặt chẽ.

Cả thảy có 8 người thiệt mạng trong số 20 ca nhiễm tại thành phố Lagos, thành phố lớn nhất Nigeria và cảng Harcourt. Trong khi đó, gần 900 người đã được giám sát các dấu hiệu của bệnh Ebola. 

Trước đó, hôm 17-10, Senegal đã tuyên bố hết dịch. Cả hai nước này đều được các chuyên gia y tế cộng đồng xem xét kỹ càng để tìm cách khống chế sự lây lan của Ebola khắp thế giới. 

Hơn 4.500 người đã thiệt mạng và gần 10.000 người đã bị lây nhiễm với các triệu chứng sốt xuất huyết, đa số là ở Tây Phi, kể từ đầu năm nay. Tuy nhiên, số ca bên ngoài khu vực này, đặc biệt là tại Tây Ban Nha và Mỹ, đã gây nên nỗi sợ hãi về sự lan truyền rộng rãi của Ebola và tình thế cấp thiết của việc phản ứng hiệu quả hơn. 

Cùng với việc theo dõi sự tiếp xúc nghiêm ngặt, Nigeria đã áp dụng việc giám sát y tế liên hoàn tại các điểm đến và đi của các sân bay và cảng biển. Cameroon, nước láng giềng của Nigeria ở phía đông, đã đóng cửa biên giới để đề phòng, tuy nhiên, Abuja đã không đóng cửa biên giới nước mình. 

Việc cấm đi lại đã không được áp dụng, mặc dù hãng hàng không hàng đầu, Arik Air đã dừng lịch bay tới Liberia và Sierra Leon, nước cùng với Guinea đã bị Ebola tấn công dữ dội. 

Tây Ban Nha và Mỹ cho các bệnh nhân cách ly xuất viện

Tại Tây Ban Nha, hộ lý Teresa Romero Ramos đã chiến thắng Ebola sau khi trải qua vài tuần nằm viện cách ly vì cô đã chăm sóc một bệnh nhân Ebola. 

Tại Mỹ, bà Louise Troh, vợ của Thomas Eric Duncan, người đầu tiên được phát hiện có triệu chứng Ebola và đã qua đời, đã chấm dứt giai đoạn cách ly, có nghĩa là cô ta hầu như chắc chắn không có virus Ebola và không phải là nguy cơ đối với cộng đồng tại Dallas.

Ngày 20-10, đánh dấu 21 ngày bà Troh tiếp xúc lần cuối cùng với ông Duncan, người đã thiệt mạng tại một bệnh viện Dallas. 

Bà Troh cho biết: “Chúng tôi thật hạnh phúc khi chuyện này chấm dứt và chúng tôi thật biết ơn khi không ai trong chúng tôi có dấu hiệu bệnh tật”. 

Quang Hiển (theo CNA, CNN)

 

;
.
.
.
.
.