.

Thế giới tăng cường chống dịch Ebola

.

ĐNĐT - Các nước phương Tây đang buộc phải xem xét lại các biện pháp an toàn tại các sân bay và biên giới, giữa lúc nỗi lo sợ đang gia tăng rằng ổ dịch Ebola Tây Phi sẽ lan ra khắp thế giới.

Ngày 16-10, Tổng thống Mỹ, Barack Obama đã ra lệnh cho Bộ Quốc phòng điều động binh sĩ dự bị sang tham gia chống dịch Ebola tại Tây Phi.  Ảnh: AFP
Ngày 16-10, Tổng thống Mỹ, Barack Obama đã ra lệnh cho Bộ Quốc phòng điều động binh sĩ dự bị sang tham gia chống dịch Ebola tại Tây Phi. Ảnh: AFP

Giữa lúc giới nghị sĩ Mỹ đang chất vấn các quan chức y tế làm thế nào một y tá nhiễm bệnh được phép lên một chuyến bay đông người thì giới chức châu Âu hứa hẹn sẽ xem xét lại cách mà các hành khách từ các quốc gia có dịch sẽ được giám sát.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã hứa sẽ tăng cường các nỗ lực nhằm giúp 15 quốc gia châu Phi bảo vệ chính họ trước Ebola, một đại dịch đã giết chết 4.500 người. 

Pháp, Tây Ban Nha đã đưa một số nạn nhân nguy cơ vào giám sát; trong khi đó, tại Liberia, nước nằm trong ổ dịch nghiêm trọng nhất, Bộ trưởng Giao thông đã tự cách ly mình sau khi người lái xe của bà qua đời.

Quan chức Y tế EU, Tonio Borg cho biết, EU sẽ xem xét lại việc giám sát hành khách từ Liberia, Guinea và Sierra Leone và có sự hợp tác với WHO. 

Ngoài ra, trong cuộc họp tại Brussesl, các bộ trưởng y tế của khối EU đã đồng ý phối hợp các biện pháp tại các cửa ngõ vào mỗi nước. Tuy nhiên, cá nhân mỗi nước tự đưa ra quyết định giám sát Ebola. 

Hiện tại, một loạt các nhân viên y tế được sơ tán về EU từ châu Phi - nơi có dịch Ebola, tuy nhiên, chỉ có một trường hợp lây nhiễm tại EU tới nay, đó là một y tá Tây Ban Nha. 

Các bác sĩ tại Tây Ban Nha đã nhận dạng thêm 6 ca có khả năng lây nhiễm, kể cả một mục sư, người vừa trở về từ Liberia và đã có dấu hiệu bị sốt. 

Tại Pháp, một y tá, trước đó có hỗ trợ một bệnh nhân Ebola, đã được đưa vào một bệnh viện quân y với triệu chứng nghi sốt. Tuy vậy, các xét nghiệm ban đầu cho kết quả âm tính với Ebola. 

Theo WHO, đến chủ nhật vừa rồi (12-10), đã có 4.493 người chết trong tổng số 8.997 ca nhiễm Ebola. WHO cảnh báo tỉ lệ lây nhiễm có thể lên tới 10.000 người vào đầu tháng 12. 

Làm thế nào chống đại dịch?

Bà Isabelle Nuttal, người đứng đầu đơn vị cảnh báo và đối phó của WHO cho rằng: “Chúng ta cần phải đảm bảo Ebola không lây lan sang nước khác”. 

Bà Lee Hieb, một thành viên của Hiệp hội Bác sĩ và Phẫu thuật Hoa Kỳ cho rằng, sự lan truyền Ebola không thể bị chặn cho tới khi việc chuyên chở từ các vùng dịch bị cấm. Bà nói thêm, người ta phải hiểu rằng, sự trợ giúp sẽ tới nhưng họ cần phải ở tại chỗ. 

Cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Kofi Annan đã chỉ trích sự phản ứng chậm chạp của thế giới trước Ebola. Ông kết tội các nước giàu đã chậm chân trong việc đối phó với Ebola bởi dịch này bắt đầu ở châu Phi. 

Ông Annan cho rằng, nếu cuộc khủng hoảng Ebola nằm ở khu vực khác thì có lẽ nó đã được xử lý khác rồi. Thực tế, chỉ khi Ebola tới Mỹ và châu Âu thì người ta mới thực sự tỉnh ngộ. 

Ngày 16-10, Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh cho Bộ Quốc phòng huy động quân dự bị tham gia vào sứ mệnh chống Ebola tại Tây Phi. Theo đó, Mỹ có kế hoạch đưa 3.200 quân tới Liberia và Senegal để cung cấp hậu cần, hỗ trợ kỹ thuật cho cuộc chiến chống Ebola. 

Các sân bay tại Anh, Canada và Mỹ đã tăng cường giám sát hành khách từ Tây Phi. Giới nghị sĩ Mỹ và giám sát an ninh nội địa cũng đã tham gia lời kêu gọi vào ngày 16-10 cho một lệnh cấm đi lại tạm thời từ Tây Phi. 

Sau khi triệu tập cuộc họp khẩn cấp thứ hai về Ebola tại Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama cho rằng, việc cấm bay thẳng thừng như vậy không có tác dụng gì bởi hiện các máy giám sát tại các sân bay vẫn đang làm việc.

Ngược lại, WHO đề xuất giám sát ngõ ra đối với hành khách từ các nước có dịch tại Tây Phi, chứ không giám sát tại lối vào, mặc dù WHO không phản đối việc giám sát ngõ vào các nước. 

Bà Nuttal cho rằng, việc giám sát như thế không phát hiện được hành khách đã nhiễm bệnh nhưng chưa có triệu chứng và cảnh báo rằng, họ có thể “cho một cảm giác an toàn giả tạo”. 

Trong khi đó, Chữ thập Đỏ quốc tế cũng thúc giục cộng đồng quốc tế hãy ít tập trung vào các hành động kịch liệt như đóng cửa sân bay mà tăng cường giáo dục người dân sử dụng vệ sinh đúng cách và tránh việc chôn lấp không an toàn. 

Bà Nuttall cũng khăng khăng rằng, tiêu điểm chính cần thiết bây giờ là chặn đứng dịch ở nơi nó đang hoành hành. “Vấn đề Ebola là nằm ở 3 nước châu Phi”, bà Nuttall nói. 

Bởi Ebola không lan truyền cho tới khi các triệu chứng xuất hiện. Vì vậy, WHO không đề xuất cách ly các nhân viên y tế không có triệu chứng mặc dù họ từng tiếp xúc với các bệnh nhân Ebola. Tuy nhiên, họ nên được giám sát về thân nhiệt và họ phải ngay lập tức tự cách ly nếu xác định các triệu chứng. 

Chỉ chặn được dịch khi có vaccine

Trong khi đó, một trong các nhà khoa học đã phát hiện ra virus Ebola, giáo sư Peter Piot, Giám đốc Trường Dịch tễ và Y học Nhiệt đới London lại cho rằng, không thể chặn đứng được Ebola cho tới khi thế giới có một loại vaccine chống lại Ebola.

Giáo sư Piot cho rằng, nếu đầu năm nay, những người tại hiện trường và LHQ hành động nhanh chóng thì việc khống chế ổ dịch đã không khó khăn. “Những gì dễ kiểm soát đã hoàn toàn bị tuột khỏi tầm tay”, giáo sư Piot nói.

Mức độ của đại dịch tại Sierra Leon, Liberia và Guinea cho thấy rằng, việc cách ly, chăm sóc và theo dõi cũng như giám sát tiếp xúc, vốn hiệu quả trước đây, sẽ không chặn được sự lây lan dịch Ebola. 

Có thể, chúng ta phải đợi một loại vaccine để chống lại đại dịch này, ông Piot nói. 

Quang Hiển (theo Reuters, Guardian)

;
.
.
.
.
.