Quốc tế

Cơn ác mộng ở Pháp

08:06, 12/01/2015 (GMT+7)

Nước Pháp đã trải qua cơn ác mộng khủng khiếp: 53 giờ, 1 vụ thảm sát và 2 vụ bắt cóc con tin với 17 người bị sát hại. Chưa bao giờ Pháp gánh chịu nhiều cuộc tấn công như vậy.

Nỗi đau tràn ngập nước Pháp. 			Ảnh: EFE/EPA
Nỗi đau tràn ngập nước Pháp. Ảnh: EFE/EPA

Các nhà phân tích cho rằng, trong lúc này, người dân Pháp thật sự cảm thấy bất an. “Nước Pháp đang ngồi trên một ngọn núi lửa, cả về xã hội lẫn chính trị, và những rắc rối như thế này sẽ còn đến nữa”, nhà báo người Anh Jonathan Eyal viết như vậy trên tờ The Straits Times (Singapore). Tổng thống Pháp Francois Hollande cảnh báo mối đe dọa mà nước ông đang đối mặt vẫn chưa qua đi.

Hơn 1 triệu người tuần hành

Những từ như “nỗi đau chung” được Tổng thống Mỹ Barack Obama đề cập khi chia sẻ “cú sốc” của người Pháp. “Đây là nỗi đau chung. Chúng tôi sát cánh bên cạnh người Pháp”, ông Obama phát biểu tại Knoxville, bang Tennessee (Mỹ) trong niềm xúc động.

Vụ xả súng tại tòa soạn tuần báo Charlie Hebdo ở Paris ngày 7-1 làm 12 người thiệt mạng chưa làm người Pháp hết bàng hoàng thì ngày 9-1 xảy ra hai vụ bắt cóc con tin tại thị trấn Dammartin-en-Goele và Porte de Vincennes, cướp đi thêm 5 sinh mạng. Thủ tướng Pháp Manuel Valls thốt lên: “Đó là một đòn giáng”. Quả thật 3 vụ việc liên tiếp là đòn giáng mạnh vào nền an ninh của Pháp. Ông Valls cũng phải thừa nhận rằng, tình báo của quốc gia châu Âu này đã thất bại trong việc theo dõi các nghi can khủng bố, để 17 người thiệt mạng chỉ trong 3 ngày.

Nước Pháp rúng động. Cả thế giới rúng động và cùng hướng về Pháp để nguyện cầu cho các nạn nhân. Nỗi đau ngập tràn. Cuộc tuần hành tại thủ đô Paris ngày 11-1 để bày tỏ tình đoàn kết, tình yêu tự do, tưởng niệm những người thiệt mạng, đồng thời cam kết chống khủng bố có sự tham dự của khoảng 40 nhà lãnh đạo nhà nước và chính phủ, cả những người đại diện cho thế giới Arab lẫn thế giới Hồi giáo, nhưng lại vắng Tổng thống Obama. Ước tính hơn 1 triệu người có mặt tại cuộc tuần hành trong im lặng này, trong đó có cả Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Ý Matteo Renzi, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, v.v… Thông điệp quan trọng nhất của cuộc tuần hành là đoàn kết để chống khủng bố và Thủ tướng Manuel Valls mô tả là “thể hiện sức mạnh, phẩm giá của người Pháp”. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gọi đây là cuộc tuần hành của tự do mà không hành động khủng bố nào ngăn cản được. An ninh được thắt chặt với việc triển khai khoảng 2.000 cảnh sát và 1.350 binh sĩ quân đội Pháp.

Một ngày trước đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã chủ trì cuộc họp an ninh khẩn cấp. Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve nói rằng, chính phủ vẫn duy trì mức báo động khủng bố tại Paris ở mức cao nhất trong lúc các nhà điều tra xem xét những kẻ tấn công có thuộc một mạng lưới cực đoan lớn hơn hay không. Theo giới phân tích, các vụ tấn công mang đến cho nước Pháp một cơ hội đoàn kết chống lại bạo lực, như lời kêu gọi của ông Hollande rằng, hơn bao giờ hết, trong lúc này, quốc gia của ông phải đoàn kết.

Săn lùng nữ khủng bố

Bộ trưởng Nội vụ Cazeneuve tuyên bố: “Cả nước Pháp thở phào” khi 3 kẻ khủng bố là hai anh em Cherif và Said Kouachi cùng Amedy Coulibaly - kẻ tấn công siêu thị Hyper Cacher của người Do Thái đã bị tiêu diệt. Tuy nhiên, nghi can thứ tư - Hayat Boumeddiene - được cho là “có vũ khí và nguy hiểm” vẫn đang lẩn trốn.

Nữ khủng bố Hayat Boumeddiene đang bị giới chức Pháp truy lùng.Ảnh: AFP
Nữ khủng bố Hayat Boumeddiene đang bị giới chức Pháp truy lùng.Ảnh: AFP

Cảnh sát Pháp mở chiến dịch truy lùng Boumeddiene. AFP dẫn nguồn tin an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, người phụ nữ 26 tuổi này đã rời Pháp và đến Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 2-1, có lẽ đang ở Syria. Boumeddiene được cho là vợ của Coulibaly. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, họ không bắt giữ Boumeddiene bởi thiếu thông tin tình báo kịp thời từ Pháp. “Nếu có thông tin tình báo kịp thời vào lúc đó, cô ta có thể đã bị dẫn độ về nước”, một quan chức nói. Theo thông tin ban đầu, Boumeddiene đã tiếp tay cho Coulibaly bắn chết một nữ cảnh sát ở Paris. Một số nguồn tin khác cho rằng, nữ khủng bố này đã cùng Coulibaly tấn công siêu thị thực phẩm và bắt giữ con tin.

Trong khi đó, Mourad Hamyd (18 tuổi), nghi can thứ ba trong vụ thảm sát ở tuần báo Charlie Hebdo đã được phóng thích sau khi các nhà chức trách tuyên bố người này vô tội. Sau khi xảy ra vụ thảm sát, Hamyd nhìn thấy tên mình tràn ngập trên các phương tiện thông tin nên đã ra đầu thú với cảnh sát. Tuy nhiên, các nhân chứng xác nhận Hamyd đang ở trường học trong lúc anh em Cherif và Said Kouachi có “hành động man rợ” - tấn công trụ sở báo Charlie Hebdo và giết chết 12 người.

Tình báo Pháp thất bại

Nỗi sợ hãi đang bao trùm nước Pháp. Theo Bộ trưởng Nội vụ Cazeneuve, báo động vẫn được duy trì trong vài tuần tới để đối phó với “những thách thức khủng bố chưa từng có”. Tại Điện Elysée ngày 11-1, Tổng thống Hollande đã gặp gỡ các lãnh đạo cộng đồng Do Thái. Ông Hollande thông báo về các giải pháp an ninh mới sẽ được áp đặt ở tất cả khu vực Do Thái vào ngày 11 và 12-1.

Song, vấn đề đặt ra là tình báo Pháp đã thất bại trong việc đảm bảo an ninh cho người dân. “17 người chết đồng nghĩa với việc đã xảy ra sai sót”, chính Thủ tướng Manuel Valls đã nói như vậy. Nhiều câu hỏi đang được đặt ra: phải chăng các vụ tấn công đã được lên kế hoạch từ bên ngoài nước Pháp? Có mối liên hệ nào giữa Al-Qaeda với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) trong các vụ việc lần này hay không? Mục tiêu mà những kẻ khủng bố nhắm vào thật sự là gì? Nếu không giải đáp được những câu hỏi này thì sẽ khó làm vơi nỗi lo lắng của người dân Pháp.

Thực tế, hai anh em nhà Kouachi - những kẻ tấn công tuần báo Charlie Hebdo - và Amedy Coulibaly đều có tên trong danh sách nghi can khủng bố của Mỹ từ nhiều năm trước. 3 tên này cũng không xa lạ đối với lực lượng an ninh Pháp bởi những cáo buộc và tiền án. Không những thế, Cherif Kouachi được cho là đã gặp gỡ những kẻ khủng bố khác ở Yemen. Còn Said Kouachi khi đến Yemen vào năm 2011 đã gặp nhà truyền đạo Anwar al-Awlaki, một thủ lĩnh trong mạng lưới Al-Qaeda tại bán đảo Arab (AQAP).

Chính phủ Pháp ước tính 1.000 người Pháp đã đến Iraq và Syria chiến đấu cho IS. Nhưng điều đáng nói là không có bất kỳ cơ quan phương Tây nào có quyền hạn pháp lý, hoặc có nhân lực, nguồn lực để theo dõi liên tục, gắt gao hàng ngàn công dân vốn chưa hề nhận cáo buộc nào. Trong số 1.000 người đến Iraq và Syria, khoảng 200 người đã trở về Pháp. Sự thật là Paris đã quá tập trung ngăn chặn công dân Pháp đến Iraq và Syria gia nhập IS, đồng thời ngăn chặn lực lượng này trở về nên đã “bỏ quên” Yemen. Vì vậy, anh em nhà Kouachi không nằm trong “tầm ngắm” của giới chức an ninh Pháp. Chi nhánh Al-Qaeda tại Yemen cũng đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công Charlie Hebdo và nói rõ ràng rằng, đây là hành động để trả thù cho việc xúc phạm đấng tiên tri Mohammed.

Có những mối quan ngại rằng, 3 vụ tấn công nói trên chỉ mới là sự bắt đầu và sự kiện ở Paris có thể mở màn cho hàng loạt vụ khủng bố sắp tới trên khắp châu Âu. Một quan chức tình báo Pháp nói với báo New York Times: “Chúng tôi sẽ cần tăng số nhân viên lên gấp 3 lần để bảo vệ Paris”.  

PHÚC NGUYÊN

.