Quốc tế

Châu Âu ủng hộ "sáng kiến hòa bình Pháp - Đức"

07:48, 10/02/2015 (GMT+7)

Các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố ủng hộ sáng kiến hòa bình do Pháp và Đức đề xuất nhưng không muốn dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga cho đến khi tình hình ở đông Ukraine được cải thiện.

Một xe tăng được cho là của lực lượng ly khai thân Nga hiện diện gần thành phố Donetsk ngày 2-2 vừa qua. 	 						Ảnh: AFP
Một xe tăng được cho là của lực lượng ly khai thân Nga hiện diện gần thành phố Donetsk ngày 2-2 vừa qua. Ảnh: AFP

Các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Nga và Ukraine đã thống nhất nhóm họp trở lại tại thủ đô Minsk của Belarus vào ngày 11-2 để tìm cách tạo sự đột phá đối với thỏa thuận hòa bình, nhằm kết thúc cuộc chiến ở Ukraine. Các cuộc đối thoại này có sự hiện diện của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.  

Tại Brussels (Bỉ) ngày 9-2, các ngoại trưởng EU hoan nghênh sáng kiến mới mà “bộ đôi” Pháp - Đức đề xuất; đồng thời, bày tỏ hy vọng sáng kiến này sẽ tiến triển tốt đẹp, chứ không chết yểu như thỏa thuận Minsk. Tuy nhiên, một số ngoại trưởng tỏ ra hoài nghi và cho rằng, với căng thẳng hiện tại thì bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào cũng dễ bị phá vỡ. Bạo lực ở đông Ukraine đến nay đã làm hơn 5.300 người thiệt mạng và 1,5 triệu người mất nhà cửa.

Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết, ông hy vọng cuộc gặp tại Minsk sắp tới sẽ tạo “những bước đi đầu tiên… hướng đến việc ngừng bắn”. Song, ông lại băn khoăn: “Tôi muốn nói lại rằng, điều này không chắc chắn”. Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom cũng nhấn mạnh bà muốn một giải pháp chính trị hơn là giải pháp quân sự. Chung quan điểm, Ngoại trưởng Lithuania Linas Linkevicius hoài nghi về cơ hội của thỏa thuận hòa bình. “Tất cả chúng ta đều kỳ vọng một giải pháp ngoại giao, không ai muốn chiến tranh”, ông Linkevicius nói.

Theo Reuters, các ngoại trưởng đang xem xét việc duy trì biện pháp trừng phạt Nga, cụ thể là sẽ thông qua danh sách thêm 19 cá nhân, trong đó có 5 công dân Nga, cùng với các tổ chức bị “đóng băng” tài sản và bị cấm đi lại. Dẫn đầu danh sách này là Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov.

Trong lúc đó, một thỏa thuận hòa bình nếu đạt được sẽ là cứu cánh của nhiều nước thuộc EU khi các nước này muốn tránh việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt Nga - nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho châu lục già cỗi này. Thực tế, các quốc gia châu Âu không muốn chính nước mình bị tổn hại về kinh tế do việc trừng phạt Nga.

Tuy nhiên, một số ngoại trưởng vẫn muốn duy trì việc cấm vận Nga cho đến khi tình hình ở đông Ukraine có những tiến triển. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nói rằng, khối này phải “rõ ràng và thống nhất về quan điểm trong việc chống lại “sự khiêu khích của Nga” ở Ukraine”.

Reuters cho hay, một vấn đề tiếp tục được đặt ra là Mỹ có cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống lại lực lượng ly khai hay không. Theo các quan chức Mỹ, ông chủ Nhà Trắng sẽ xem xét thận trọng vấn đề này. Song, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 9-2 một lần nữa bày tỏ phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Bà nói rằng, phương Tây cung cấp vũ khí cho Kiev sẽ làm căng thẳng leo thang và “việc có thêm vũ khí không dẫn đến tiến triển mà Ukraine cần”.

Về phía Nga, trước khi lên đường đến Ai Cập, Tổng thống Putin cho rằng, các nước phương Tây đã phá vỡ cam kết không mở rộng lực lượng NATO với các nước Xô Viết cũ và bỏ qua lợi ích của Nga. Theo nhà lãnh đạo Điện Kremlin, chính phương Tây đã hậu thuẫn cho cuộc đảo chính ở Kiev, lật đổ cựu Tổng thống Viktor Yanukovych vào đầu năm ngoái. “Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và các đồng minh phương Tây về những hậu quả nguy hại khi can thiệp vào các vấn đề nội bộ Ukraine nhưng họ không lắng nghe”, ông Putin nhấn mạnh.

BÌNH YÊN

.