Quốc tế
Cơ hội hòa bình mong manh
Các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Nga và Ukraine tiến hành hội đàm 4 bên tại Belarus vào tối 11-2.
Tuy nhiên, các cuộc giao tranh giữa lực lượng ly khai với quân chính phủ Ukraine diễn ra ngay trước thềm hội đàm làm cơ hội hòa bình mà Pháp và Đức đang nỗ lực thúc đẩy trở nên mong manh.
Lực lượng ly khai tuần tra tại Uglegorsk, cách thị trấn Debaltseve 6km về phía tây nam. Giao tranh diễn ra ở Debaltseve trong những ngày qua. Ảnh: AFP |
Reuters dẫn nguồn tin từ chính phủ Ukraine cho biết, 19 binh sĩ của nước này đã thiệt mạng và 78 người khác bị thương khi giao tranh với quân ly khai tại một địa điểm gần thị trấn Debaltseve, nơi có đầu mối đường sắt then chốt đang được Kiev bảo vệ. Đây là một trong những tổn thất nặng nề nhất của Kiev trong gần 10 tháng xung đột.
Ở quận Lenin thuộc tỉnh Donetsk, một trạm xe buýt bị trúng đạn pháo và phe ly khai cáo buộc quân đội chính phủ tiến hành vụ nã pháo này. Bất ổn dồn dập tại đông Ukraine phủ bóng đen lên cuộc hội đàm 4 bên diễn ra tại thủ đô Minsk của Belarus vào tối 11-2. Theo kế hoạch, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cùng ngồi lại để tìm giải pháp cho hòa bình ở đông Ukraine, với sáng kiến mới nhất của Paris và Berlin.
Tuy nhiên, vài tiếng đồng hồ trước khi đàm phán diễn ra, nhiều quan chức các bên liên quan thậm chí cho rằng, sự kiện này có thể bị hoãn. “Có nhiều vấn đề cần được giải quyết”, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói nhưng rồi ông cho hay, mọi việc vẫn theo đúng kế hoạch. Nhà ngoại giao này gọi đây là “cơ hội đàm phán cuối cùng”. Nga cũng tỏ ra bi quan. Một nguồn tin ngoại giao Nga nhận định không có lý do gì để Tổng thống Vladimir Putin đến Minsk và khả năng các nhà lãnh đạo của Nga, Ukraine, Pháp, Đức đạt được thỏa thuận là 70%. Tương tự, Steffen Seiber, người phát ngôn của Thủ tướng Merkel cũng không chắc chắn về “một kết quả sẽ đạt được tại Minsk”.
Tổng thống Ukraine Poroshenko cho rằng, đàm phán tại Minsk là cơ hội cuối cùng để tuyên bố ngừng bắn vô điều kiện và rút pháo hạng nặng khỏi khu vực giao tranh. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 10 năm ngoái ông Poroshenko có cuộc gặp “mặt đối mặt” với Tổng thống Putin. Nhà lãnh đạo Kiev đến Minsk để tìm kiếm một tuyên bố dựa trên thỏa thuận ngừng bắn được ký kết hồi tháng 9 năm ngoái - một thỏa thuận đã “chết yểu”.
Song, nếu đàm phán lần này vẫn thất bại, Tổng thống Barack Obama cảnh báo có thể sẽ quyết định bắt đầu cung cấp vũ khí cho Ukraine, một bước đi mà các nhà lãnh đạo châu Âu không hề mong muốn. Vì vậy, Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Đức Merkel đang thúc đẩy những nỗ lực ngoại giao, “tìm mọi cách cho đến những phút giây cuối cùng” để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nghiêm trọng giữa Đông - Tây.
Về phía Nga, cũng trong ngày 11-2, Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố bất kỳ thỏa thuận nào về cuộc xung đột ở Ukraine cũng phải tôn trọng quyền của tất cả công dân đang sống ở đất nước từng thuộc Liên Xô cũ. Theo các quan chức Nga, nếu Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ là một sự xác nhận thêm thực tế rằng Washington là thành viên trực tiếp của cuộc xung đột và nhiều khả năng Mátxcơva sẽ đáp trả bằng ngoại giao. “Lúc đó, Nga sẽ xem Mỹ là đối tượng tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tranh”, chuyên gia Evgeny Buzhinsky thuộc Trung tâm PIR ở Mátxcơva nói.
Hơn nữa, phía Nga còn dọa sẽ cung cấp vũ khí cho Trung Quốc và Iran để trả đũa Mỹ nếu Washington chuyển giao vũ khí sát thương cho Kiev. Đến nay, Nga vẫn bác bỏ mọi cáo buộc của Mỹ và phương Tây cho rằng Mátxcơva đang hậu thuẫn lực lượng ly khai chống chính phủ Ukraine.
PHÚC NGUYÊN