Quốc tế

Ông Obama thúc ép ông Putin về giải pháp hòa bình cho Ukraine

13:42, 11/02/2015 (GMT+7)

ĐNĐT - Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện cho Tổng thống Vladimir Putin vào ngày 10-2 để thảo luận về tình trạng bạo lực gia tăng tại miền đông Ukraine và thúc giục ông Putin tiến tới một giải pháp hòa bình.

 Ngày 10-2, Tổng thống Mỹ, Barack Obama đã điện thoại cho Tổng thống Nga, Vladimir Putin, thúc giục chấp nhận thỏa thuận hòa bình cho Ukraine. Ảnh: Getty
Ngày 10-2, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện thoại cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, thúc giục chấp nhận thỏa thuận hòa bình cho Ukraine. Ảnh: Getty

Với nội dung bày tỏ sự bất mãn việc “Nga tiếp tục hỗ trợ” phe nổi dậy miền đông Ukraine, ông Obama cảnh báo rằng, nếu thất bại trong đàm phán tới đây sẽ dẫn tới sự đau đớn hơn nữa cho Nga. 

Nhà Trắng cho biết, trong suốt cuộc điện thoại, ông Obama “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ông Putin nên nắm lấy cơ hội từ các cuộc thảo luận hiện tại giữa Nga, Pháp, Đức và Ukraine để đạt được một giải pháp hòa bình”. 

Theo đó, Tổng thống Obama nói rằng: “Nếu Nga tiếp tục các hành động xâm lược tại Ukraine, kể cả đưa quân đội, vũ khí và tài trợ cho phe nổi dậy, thì cái giá mà Nga phải trả sẽ tăng lên”. 

Trong những ngày qua, ông Obama vẫn úp mở các khả năng giữa lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga với việc viện trợ vũ khí cho chính phủ Ukraine nếu các cuộc đàm phán ngày hôm nay (11-2) tại thủ đô Minsk của Belarus bị đổ vỡ. 

Ngày 10-2, Nhà Trắng cho biết, thỏa thuận Minsk trước đó phải được làm cơ sở cho bất kỳ thỏa thuận mới nào. Theo đó, các điểm cốt yếu của thỏa thuận bao gồm rút “toàn bộ binh sĩ và vũ khí” khỏi miền đông Ukraine, cho phép “việc giám sát quốc tế hiệu quả đường biên giới chung” và thả hết con tin, Phát ngôn viên Nhà Trắng, Josh Earnest cho biết. 

Theo hãng tin RIA Novosti, tại cuộc hội đàm Minsk ngày 11-2, việc tạo ra một vùng phi quân sự ở miền đông nam Ukraine và khởi đầu đối thoại giữa Kiev và phe nổi dậy sẽ là lịch trình ưu tiên.

Trong cuộc hội đàm này, Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), Đức và Pháp dự kiến sẽ nhấn mạnh tới việc Nga phải đảm nhận trách nhiệm kiểm soát việc thành lập vùng phi quân sự tại miền đông nam Ukraine. 

Trong khi đó, phía Nga tin rằng, chính OSCE phải chịu trách nhiệm thiết lập vùng phi quân sự nói trên. 

Quang Hiển (Theo CNACNN)

.