Quốc tế

Mỹ quyết đối đầu với Nga?

07:52, 04/02/2015 (GMT+7)

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề xuất chi 168 triệu USD trong ngân sách tài khóa 2016 để đối phó với Nga, vì cáo buộc Mátxcơva can thiệp vào các nước Ukraine, Georgia và Moldova. Điều này làm dấy lên quan ngại rằng, Mỹ quyết đối đầu với Nga.

Lễ tưởng niệm một binh sĩ Ukraine thiệt mạng trong cuộc xung đột diễn ra tại Quảng trường Độc lập ở Kiev.   								     Ảnh: AP
Lễ tưởng niệm một binh sĩ Ukraine thiệt mạng trong cuộc xung đột diễn ra tại Quảng trường Độc lập ở Kiev. Ảnh: AP

Dự thảo ngân sách năm 2016 của Mỹ nêu rõ: “Để tăng khả năng phục hồi của các nền kinh tế và các chính phủ bị Nga gây áp lực, gói ngân sách sẽ chi thêm 117 triệu USD viện trợ nước ngoài trực tiếp nhằm đối phó với các hành động của Nga tại Ukraine. Bên cạnh đó, chi thêm 51 triệu USD để chống lại các hành động của Nga tại Georgia và Moldova”.

Ngoài ra, gói ngân sách còn bao gồm các khoản chi hỗ trợ NATO và Ukraine để đẩy mạnh việc ngăn sức ép từ phía Nga đối với châu Âu, đồng thời chi 789 triệu USD để mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Âu. Với việc mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ, khoản tiền 789 triệu USD sẽ được dùng để tăng cường an ninh, trấn an đồng minh cũng như giúp Washington tiếp tục gia tăng diễn tập quân sự, đào tạo và luân phiên hiện diện ở châu Âu.

AP cho biết, kế hoạch ngân sách do Tổng thống Obama đề xuất có tổng trị giá lên đến gần 4.000 tỷ USD, trong đó 605 tỷ USD được dành cho quốc phòng. Song, theo các nhà phân tích, kế hoạch của người đứng đầu Nhà Trắng có thể không qua được cửa ải Quốc hội, hiện do đảng Cộng hòa nắm giữ.
Trong khi đó, xung đột vẫn diễn ra ở đông Ukraine.

Hy vọng nối lại thỏa thuận Minsk ngày càng trở nên mong manh. Ngay khi cuộc đàm phán tại thủ đô Minsk của Belarus kết thúc vào ngày 28-1 mà không đạt kết quả cụ thể nào, căng thẳng ở đông Ukraine tiếp tục gia tăng, hai bên cáo buộc lẫn nhau về tình trạng căng thẳng leo thang. Việc không bên nào tỏ rõ thiện chí để thực hiện những gì đã cam kết là nguyên nhân dẫn đến đàm phán Minsk thất bại.

Reuters dẫn lời Andriy Lysenko, người phát ngôn của quân đội Kiev ngày 3-2 cho biết, 5 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng và 27 người khác bị thương khi giao tranh với lực lượng ly khai thân Nga ở phía đông Ukraine trong vòng 24 giờ. Về phía quân ly khai có 180 tay súng thiệt mạng và 248 người khác bị thương. Trong những ngày qua, thị trấn Debaltseve nằm giữa Lugansk và Donetsk trở thành điểm nóng khi liên tục hứng các trận pháo kích dữ dội từ cả hai phía.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước chiến sự ngày càng căng thẳng tại đông Ukaine và kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sẽ gặp gỡ Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg lần đầu tiên kể từ khi quan hệ giữa Mátxcơva với phương Tây rơi vào “băng giá” kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Người phát ngôn NATO Oana Lungescu nói rằng, cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra bên lề Hội nghị an ninh Munich (Đức), một sự kiện kéo dài 3 ngày từ ngày 6-2, với sự tham dự của các quan chức ngoại giao và an ninh. Đây cũng là lần đầu tiên ông Stoltenberg gặp gỡ Ngoại trưởng Lavrov kể từ khi ông trở thành người đứng đầu NATO vào ngày 1-10-2014.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey đã trao đổi với Tướng Philip Breedlove - Tư lệnh NATO - về việc cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine. Tuy Tổng thống Obama chưa chính thức xác nhận việc có cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Kiev hay không nhưng các nhà quan sát lo ngại rằng, nếu điều này xảy ra sẽ dẫn đến những thay đổi lớn về tương quan lực lượng giữa hai phía và có thể kéo các nước lớn vào một cuộc chiến khó lường được hậu quả.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đề nghị chi ngân sách 8,8 tỷ USD cho cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sau những thảm họa mà lực lượng này gây ra, mới nhất là vụ hành quyết hai con tin Nhật Bản và đe dọa giết chết 1 con tin Jordan.

BÌNH YÊN

.