Quốc tế

Nhật Bản không quên bài học thảm họa kép

07:35, 12/03/2015 (GMT+7)

Phát biểu tại lễ tưởng niệm 4 năm thảm họa động đất, sóng thần làm hơn 18.000 người chết và mất tích, Nhật hoàng Akihito xúc động nói rằng, điều quan trọng là Nhật Bản tiếp tục nỗ lực xây dựng đất nước an toàn hơn nhưng không quên bài học này.

Ước tính lượng rác thải ô nhiễm phóng xạ được gom trong những chiếc túi đen lên đến 30 triệu tấn. 	Ảnh: Reuters
Ước tính lượng rác thải ô nhiễm phóng xạ được gom trong những chiếc túi đen lên đến 30 triệu tấn. Ảnh: Reuters

Trong ký ức người Nhật Bản vẫn không quên những gì xảy ra 4 năm về trước, cướp đi sinh mạng của quá nhiều người và kéo theo một thảm họa hạt nhân được xem là tồi tệ nhất trong lịch sử thời bình của xứ sở hoa anh đào. Đến nay, thảm họa kép ngày 11-3-2011 không những vẫn in dấu ở vùng đông bắc mà còn để lại nỗi đau cho nhiều người. Ba tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất là Iwate, Miyagi và Fukushima.
Ngày 11-3 năm nay, các hoạt động tưởng niệm được tổ chức tại các thành phố, thị trấn gần khu vực xảy ra thảm họa và tại thủ đô Tokyo.

Đúng 14 giờ 46 (giờ địa phương), thời khắc từng xảy ra trận động đất mạnh 9 độ Richter làm rung chuyển vùng đông bắc, cả nước Nhật chìm trong im lặng để tưởng niệm những người thiệt mạng. Nhật hoàng Akihito và Thủ tướng Shizo Abe đã cùng tham dự một lễ dâng hoa trong niềm xúc động. Những hình ảnh được phát sóng trên truyền hình Nhật cho thấy, các nạn nhân và tình nguyện viên cùng nắm tay nhau cầu nguyện gần một tòa nhà bị ảnh hưởng bởi sóng thần ở thị trấn Minamisanriku thuộc vùng đông bắc.

AFP dẫn nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát quốc gia cho biết, có tổng cộng 15.891 người được xác định thiệt mạng trong thảm họa và 2.584 người khác mất tích. 4 năm trôi qua nhưng nhiều người vẫn hy vọng tìm thấy thi thể của nạn nhân để xoa dịu nỗi đau. Công tác tìm kiếm những người mất tích tiếp tục được triển khai. Theo chính phủ, gần 230.000 người đến nay vẫn vô gia cư, trong đó 80.000 người đang sống trong các khu nhà tạm.

Điều đáng nói là thảm họa hạt nhân tại nhà máy Fukushima Daiichi, thuộc tỉnh Fukushima, do sóng thần gây ra là nỗi ám ảnh dai dẳng đối với nước Nhật và gây nhiều tranh cãi. Đối phó với việc rò rỉ phóng xạ, Nhật Bản đã phải ngừng hoạt động của tổng cộng 48 lò phản ứng hạt nhân trên cả nước.

Các nhà chức trách cũng đang tìm cách xử lý chất thải phóng xạ hạt nhân. 15 tỷ USD đã được chính phủ Nhật Bản chi ra để dọn dẹp chất thải phóng xạ. Song, chính phủ đối mặt với không ít chỉ trích vì công tác tái thiết được cho là quá chậm chạp. Những chiếc túi nhựa màu đen chứa đất, lá cây, cùng những mảnh vỡ nhiễm phóng xạ được chất thành núi ở nhiều khu vực bỏ hoang khắp tỉnh Fukushima.

Ước tính lượng rác thải ô nhiễm này lên đến 30 triệu tấn. Xung quanh nhà máy Fukushima Daiichi, mức phóng xạ vẫn gấp 10 lần so với mức bình thường. Vì vậy, hơn 47.000 người dân hiện sơ tán vẫn chưa được trở về nhà do lo ngại phóng xạ lan vào không khí, gây ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, hơn 3.200 người đã chết vì bệnh tật và nguyên nhân được xác định liên quan đến thảm họa kép đáng sợ này.

Việc ngừng hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân khiến Nhật Bản lúng túng khi thiếu hụt năng lượng. Thủ tướng Abe muốn tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân và cơ quan giám sát hạt nhân của Nhật đã phê chuẩn việc tái khởi động 2 lò phản ứng ở vùng tây bắc. Tuy nhiên, phe đối lập tại địa phương phản đối kế hoạch của ông Abe trong việc vận hành các nhà máy này vào những tháng tới.

Dự kiến mùa hè này, ông Abe sẽ công bố kế hoạch 5 năm nhằm thúc đẩy công tác tái thiết những khu vực bị ảnh hưởng thảm họa hạt nhân. “Việc tái thiết đang chuyển sang một giai đoạn mới”, ông Abe nói, đồng thời bày tỏ hy vọng công cuộc tái thiết sẽ được hoàn tất trước khi Tokyo chủ trì Thế vận hội Olympic mùa hè năm 2020.

THIÊN BÌNH
 

.