Quốc tế
Mối đe dọa của IS lớn hơn Al-Qaeda
Nỗ lực của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong việc kích động người Mỹ gây bạo lực trở thành mối đe dọa khủng bố đối với Washington hơn cả một cuộc tấn công từ bên ngoài do Al-Qaeda thực hiện. Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey thừa nhận như vậy sau khi cơ quan của ông bắt giữ nhiều người cực đoan.
Vụ đánh bom xe ở Khan Bani Saad, cách thủ đô Baghdad 20km về phía bắc vào ngày 18-7 vừa qua do IS thực hiện, đã làm ít nhất 90 người chết. Ảnh: AFP |
Phát biểu tại Diễn đàn an ninh Aspen (bang Colorado, Mỹ) ngày 22-7 (giờ địa phương), Giám đốc FBI James Comey nhấn mạnh, IS đã thành công trong những tháng gần đây sau chiến dịch truyền thông xã hội kéo dài cả năm nhằm cấp tiến hóa những người dân Mỹ và châu Âu có tư tưởng bất mãn.
Hãng AP cho biết, trong 8 tuần qua, FBI đã bắt giữ một số người có tư tưởng cực đoan và đang tiến hành hàng trăm cuộc điều tra trên khắp đất nước đối với những người đã nhận thông điệp từ IS. Trong số những người bị bắt, có những người đã lên kế hoạch thực hiện các vụ tấn công nhân Ngày Quốc khánh Mỹ (4-7).
Ông Comey nhận định, còn quá sớm để nói tay súng 24 tuổi Muhammad Youssef Abdulazeez, ở Chattanooga (bang Tennessee), người đã giết 5 binh sĩ Mỹ tuần trước, bị ảnh hưởng tư tưởng cực đoan hay không. Người thân của Abdulazeez cho biết, tay súng này sử dụng ma túy và bị trầm cảm. Trong khi đó, báo Los Angeles Times cho hay, năm ngoái, Abdulazeez ở Jordan suốt 7 tháng.
Cũng theo người đứng đầu FBI, IS tìm cách tiếp cận những người mà Al-Qaeda chưa từng sử dụng, bởi họ là những người sử dụng ma túy, có tinh thần không ổn định.
Giám đốc FBI cũng cho rằng, mối đe dọa từ IS còn lớn hơn Al-Qaeda, tổ chức đã tiến hành vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ ngày 11-9-2001. Ông Comey xác nhận việc Mỹ theo dõi hàng chục công dân nước này, từ 18-62 tuổi, đã đến Syria hoặc Iraq để tham gia lực lượng IS.
Trước đó, ông Comey đã cảnh báo về tình trạng cực đoan hóa ở trong nước. Phát biểu của ông giờ đây làm sâu sắc thêm lo ngại của quan chức Mỹ về những tác động của tư tưởng bạo lực khủng bố mà IS đang thực hiện.
Năm ngoái, các quan chức tình báo Mỹ lo ngại về một cuộc tấn công quy mô lớn chống lại Mỹ do chi nhánh Al-Qaeda tại Yemen thực hiện; hoặc do nhóm Khorasan, nhánh khủng bố ít được biết đến của Al-Qaeda được thành lập cách đây 2 năm, tiến hành. Song, tại Diễn đàn an ninh Aspen, ông Comey khẳng định: Với các cuộc tấn công quân sự của Mỹ, mối đe dọa từ nhóm Khorasan đang giảm đáng kể. Lầu Năm Góc cũng vừa công bố việc tiêu diệt được Muhsin al-Fadhli, thủ lĩnh của Khorosan, trong cuộc không kích ngày 8-7 vừa qua ở Syria.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 23-7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter bất ngờ tới Baghdad để đàm phán với các nhà lãnh đạo Iraq, vốn đang nỗ lực khôi phục động lực trong cuộc chiến chống IS sau khi để mất thành phố Ramadi. Đây là chuyến thăm Iraq đầu tiên của ông Carter kể từ khi trở thành Bộ trưởng Quốc phòng hồi tháng 2-2015.
Ông Carter sẽ gặp gỡ Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cũng như các thủ lĩnh bộ tộc Sunni đến từ tỉnh Anbar - nơi đang xảy ra giao tranh với các chiến binh IS. Ông chủ Lầu Năm Góc cũng gặp khoảng 3.500 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Iraq để cố vấn và huấn luyện lực lượng địa phương chống IS. Bộ trưởng Carter nói rằng, ông muốn hình thành “sự đánh giá trên thực địa của riêng mình về chiến dịch” chống IS.
Mỹ hiện dẫn đầu liên minh quốc tế tiến hành hàng ngàn cuộc không kích chống lại IS tại Iraq và Syria. Theo Reuters, việc để mất Ramadi hồi tháng 5 vừa qua là thất bại nặng nề nhất của lực lượng Iraq kể từ khi IS có mặt ở phía bắc quốc gia vùng Vịnh này.
PHÚC NGUYÊN