Quốc tế
Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên đặt mìn tại khu phi quân sự
ĐNĐT - Ngày 10-8, Quân đội Hàn Quốc đã cáo buộc Triều Tiên đặt mìn tại khu phi quân sự, làm 2 binh sĩ Hàn Quốc bị thương trong khi tuần tiễu dọc theo biên giới; đồng thời đe dọa sẽ buộc Bình Nhưỡng trả một “cái giá khốc liệt”.
Cột cờ Triều Tiên ở phía bên kia Khu phi quân sự (DMZ), gần với làng đình chiến Panmunjom, nơi chia cắt hai miền Triều Tiên. Ảnh: Reuters |
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, họ tin rằng, 3 quả mìn đã phát nổ trong vụ việc vào thứ Ba tuần trước, nhằm vào một đội tuần tiễu tại khu phi quân sự (DMZ) - một vùng đệm rộng 2 km ở mỗi bên dọc theo đường biên giới thực chia cắt hai miền.
Theo đó, phát ngôn viên Kim Min-Seok của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết họ chắc chắn đó là các quả mìn của Triều Tiên đặt với ý định giết họ.
Vụ việc xảy ra tuần trước làm một binh sĩ bị cắt bỏ 2 chân, một binh sĩ khác đã bị mất 1 chân.
Trong một tuyên bố, Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, Tướng Ku Hong-Mo cho biết, quân đội Hàn Quốc sẽ bắt Triều Tiên “trả một cái giá khốc liệt tương xứng với sự khiêu khích mà họ đã tạo ra”.
“Chúng tôi lên án mạnh mẽ hành động hèn nhát này, vốn thật khó hình dung đối với một quân đội bình thường”, Tướng Ku Hong-Mo tuyên bố; đồng thời ông cũng thúc giục Triều Tiên phải xin lỗi vì vụ tấn công và trừng phạt những người chịu trách nhiệm.
Bộ Tư lệnh Liên Hiệp Quốc, cơ quan giám sát thỏa thuận ngừng bắn hai miền Triều Tiên cho biết hôm thứ Hai rằng, họ đã tiến hành một cuộc điều tra đặc biệt đối với các tiếng nổ xảy ra tuần trước và kết luận rằng, đó là các quả mìn “hộp gỗ” từ Triều Tiên đặt trên một tuyến đường tuần tiễu đã biết ở phía Hàn Quốc.
“Cuộc điều tra đó quả quyết rằng, các thiết bị đó đã được đặt gần đây, và loại trừ khả năng đó là các quả mìn còn sót lại bị trôi dạt khỏi vị trí ban đầu của chúng”, tuyên bố của UNSC cho biết.
Người ta tin rằng, có hơn 1 triệu quả mìn được đặt dọc theo biên giới hai miền Triều Tiên, kể cả những mìn được thả rất nhiều từ máy bay trong thập niên 1960 vào lúc cao điểm của cuộc đối đầu Chiến tranh Lạnh với Triều Tiên.
Vụ việc xảy ra ở một thời điểm nhạy cảm, khi hai miền chuẩn bị cho việc kỷ niệm 70 năm bán đảo này được giải phóng khỏi ách đô hộ của Nhật Bản (1945) vào thứ Bảy tới (15-8).
Đã từng có hy vọng rằng, việc kỷ niệm này có thể mở ra một cơ hội cho một kiểu thỏa thuận nào đó, nhưng các nỗ lực tổ chức một lễ kỷ niệm chung đã chẳng đi đến đâu khi Bình Nhưỡng từ chối xem xét các cuộc đàm phán bởi Hàn Quốc hủy bỏ các cuộc tập trận quân sự thường niên với Mỹ.
Vụ tấn công trực tiếp sau cùng nhằm vào Hàn Quốc là vào tháng 12-2010, khi Triều Tiên dội pháo lên đảo Yeongpyeong của Hàn Quốc, làm chết 2 thường dân và 2 binh sĩ, gây nên những nỗi sợ hãi về một cuộc xung đột toàn diện.
Về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn còn trong tình trạng chiến tranh. Hai nước chỉ mới ký thỏa thuận ngừng bắn sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.