Quốc tế
Thủ tướng Thái Lan quyết truy lùng thủ phạm
Gọi vụ đánh bom ở trung tâm Bangkok vào tối 17-8 là “vụ tấn công tồi tệ nhất từ trước đến nay” ở Thái Lan, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cam kết nhanh chóng truy lùng thủ phạm.
Các nhà chức trách xem xét hiện trường trước đền Erawan.Ảnh: AP |
Vụ đánh bom xảy ra tại đền thờ Erawan ở trung tâm Bangkok lúc 19 giờ ngày 17-8, thời điểm có nhiều du khách, nhân viên văn phòng và những người đi mua sắm, đã làm ít nhất 22 người chết cùng 140 người khác bị thương. Trong số những người thiệt mạng có 2 người Trung Quốc, 2 người Malaysia, 2 người Hong Kong, 1 người Singapore, 5 người Thái Lan và 8 người chưa xác định danh tính. Trưa 18-8, một vụ nổ nữa xảy ra gần nhà ga tàu ở Bangkok nhưng không gây thương vong.
Cảnh sát trưởng quốc gia Somyot Poompanmoung cho rằng, những kẻ đánh bom muốn giết hại nhiều người. “Mọi người biết rằng, lúc 19 giờ là thời điểm ngôi đền đông người Thái và du khách nước ngoài. Lên kế hoạch đánh bom có nghĩa là họ muốn chứng kiến cái chết của nhiều người”, ông Somyot nói.
Phá hoại nền kinh tế
Sáng 18-8, ông Somyot là một trong những người có mặt tại hiện trường để xem xét trong lúc lực lượng cảnh sát và quân đội tuần tra nghiêm ngặt tại khu vực này. AP dẫn lời Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho rằng, đây là vụ tấn công tồi tệ nhất chưa từng xảy ra ở Thái Lan. “Họ muốn phá hủy nền kinh tế, ngành du lịch của chúng ta”, ông Chan-ocha khẳng định. Nhà lãnh đạo này nói thêm rằng, nghi phạm có thể thuộc một nhóm chống chính phủ ở đông bắc Thái Lan, nơi được xem là căn cứ của phong trào áo đỏ.
Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan cũng nhận định vụ việc nhằm phá hoại nền kinh tế bằng cách nhắm vào khu du lịch lớn ở Thái Lan. Phát biểu trước khi bước vào cuộc họp nội các sáng 18-8, ông Wongsuwan cho hay, giới chức đã xác định rõ nghi phạm. “Chúng tôi không loại trừ khủng bố”, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan nói. Song, theo ông Prawit, các nhà chức trách không biết trước kế hoạch vụ tấn công và không có thông tin tình báo nào về vụ việc.
Đài truyền hình PBS của Thái Lan đã phát những hình ảnh về nghi can đang bị cảnh sát và quân đội truy nã. Theo hình ảnh được các camera giám sát ghi lại, đó là một người đàn ông gốc Arab mặc áo vàng, quần soóc xanh đen, đi giày thể thao đỏ và đeo balô trên vai. Người này đi về phía hàng rào bên ngoài đền Erawan và đặt chiếc balô phía trong hàng rào. Anh ta nhanh chóng rời đi và vụ nổ xảy ra sau đó vài phút. Theo cảnh sát trưởng quốc gia Somyot, nghi can này có thể là người Thái Lan hoặc người nước ngoài.
Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok đưa ra thông điệp khẩn cấp, khuyến cáo công dân Mỹ nên tránh khu vực đền Erawan. Các du khách cũng bày tỏ quan ngại bởi họ không nghĩ rằng một vụ việc như vậy lại xảy ra ở Bangkok. Trước đó, hiếm khi du khách nước ngoài là nạn nhân của bạo lực ở Thái Lan.
Phong trào áo đỏ hay phiến quân miền nam?
Theo AP, vụ đánh bom kinh hoàng là đòn giáng mạnh vào thủ đô của một quốc gia Đông Nam Á, mặc dù vương quốc Thái Lan không xa lạ gì với các vụ tấn công bạo lực. Sự nổi dậy trong hơn 1 thập niên qua của lực lượng ly khai Hồi giáo miền nam Thái Lan đã làm hơn 5.000 người chết. Riêng tại Bangkok, các vụ bạo động bị cho là mang động cơ chính trị vào năm 2010 đã làm hơn 90 người chết chỉ trong vòng 2 tháng.
Kể từ vụ đảo chính quân sự lật đổ chính phủ dân sự vào tháng 5-2014 đến nay, Bangkok trở lại yên tĩnh. Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Anusit Kunakorn cho biết, Thủ tướng Prayuth - cựu Tư lệnh quân đội – đã ra lệnh giám sát chặt chẽ tình hình ở Bangkok.
Theo đó, hàng trăm người đối lập và biểu tình bị bắt giữ. Căng thẳng dấy lên trong những tháng gần đây với việc chính phủ quân sự tuyên bố có thể không tổ chức tổng tuyển cử cho đến năm 2017 và muốn có một bản hiến pháp mới.
Tuần trước, trong thông điệp trên YouTube, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra thúc giục những người ủng hộ ông bác bỏ dự thảo hiến pháp bởi cho rằng, hiến pháp mới không dân chủ. Hiến pháp mới sẽ được Hội đồng Cải cách quốc gia xem xét và nếu được thông qua sẽ kéo theo một cuộc trưng cầu dân ý vào khoảng tháng 1-2016.
Trước áp lực tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Prayuth cũng dự kiến cải tổ nội các. Một số bộ trưởng cấp cao bác bỏ khả năng vụ tấn công liên quan việc thay đổi nhân sự này.
Trao đổi với AFP, chuyên gia nghiên cứu độc lập về an ninh Thái Lan Zachary Abuza nói rằng, ông không tin phong trào áo đỏ tấn công các đền thờ Hindu giáo hay các tôn giáo khác. Trong khi đó, các nhà chức trách cho rằng, thủ đoạn tấn công vào tối 17-8 không giống cách tấn công của lực lượng Hồi giáo ở miền nam Thái Lan.
1 người Việt Nam bị thương Sáng 18-8, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã đến thăm hỏi, động viên anh Mai Văn Trường (SN 1990, quê Đồng Lợi, Triệu Sơn, Thanh Hóa) bị thương do vụ đánh bom ở Bangkok. Anh Trường bị sức ép của bom nên bị tụ máu tại mắt và dập xương chân. TTXVN |
BÌNH YÊN