Quốc tế

ASEAN lo ngại vấn đề Biển Đông

07:42, 04/11/2015 (GMT+7)

Bộ trưởng Quốc phòng các nước thuộc ASEAN nhóm họp ở Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 3 và 4-11 bày tỏ quan ngại về vấn đề Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho rằng, điều mà các nước đang lo lắng là có những sự cố bất ngờ trên biển nếu không được kiểm soát.

Tuần trước, Mỹ đã đưa tàu USS Lassen đến gần khu vực Trung Quốc bồi lấp đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông.  Ảnh: AFP
Tuần trước, Mỹ đã đưa tàu USS Lassen đến gần khu vực Trung Quốc bồi lấp đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông. Ảnh: AFP

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Kuala Lumpur, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết, ông hy vọng các nước bên ngoài ASEAN sẽ không làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. “Nếu các bên không thể tìm ra giải pháp thân thiện trên con đường phía trước, việc tuần tra và sự hiện diện của các tàu Trung Quốc hoặc Mỹ làm gia tăng quan ngại trong các nước ASEAN”, ông Hishammuddin nói. Cũng theo ông, ASEAN phải đoàn kết và thống thống nhất để bảo đảm sự ổn định của khu vực cũng như giải quyết tranh chấp với nước lớn ở Biển Đông.

Báo New Strait Times cho biết, tại hội nghị, các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN bàn thảo việc thiết lập các kênh trao đổi trực tiếp để kiểm soát tốt hơn những vấn đề an ninh khu vực và ký một tuyên bố chung với 8 quốc gia đối tác.

Trung Quốc tuyên bố, nước này hiện có 7 đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam) và những đảo này sẽ chủ yếu phục vụ cả mục đích dân sự lẫn quân sự. Tuần trước, Mỹ đã đưa tàu chiến vào khu vực 12 hải lý gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép. Phía Trung Quốc cho rằng, động thái của Washington đe dọa chủ quyền, lợi ích và an ninh của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng, hải quân nước này đã lên kế hoạch tuần tra ở khu vực nói trên 2 lần/quý để nhắc nhở Trung Quốc và các nước khác về quyền của Washington theo luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, phát biểu tại Đại học Bắc Kinh trong chuyến thăm Trung Quốc, chỉ huy lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris, nói rằng không nên xem việc Washington thực hiện các hoạt động hàng hải tự do là mối đe dọa với bất kỳ quốc gia nào. “Quân đội của chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động trên không, trên biển và ở bất kỳ nơi đâu cũng như bất kỳ thời điểm nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Biển Đông không phải là một ngoại lệ”, ông Harris khẳng định.

Vị đô đốc của Mỹ cũng cho rằng, Washington đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải trên toàn thế giới trong nhiều thập niên qua nên hoạt động ở Biển Đông không phải là điều bất ngờ. Ông Harris tuyên bố: Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông; đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan giải quyết bất đồng một cách hòa bình, không dùng vũ lực và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản đều gia tăng quan ngại về vấn đề Biển Đông bằng việc sẽ đưa ra tuyên bố sau các cuộc đối thoại, bất chấp Trung Quốc phản đối đề cập vùng biển đang tranh chấp này. Theo một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ, từ đầu tháng 2-2015, Trung Quốc đã nhấn mạnh rõ rằng, Bắc Kinh không muốn đề cập vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng vào hôm nay (4-11). Dự thảo tuyên bố tại hội nghị, do Malaysia soạn thảo, cũng không đề cập vấn đề căng thẳng trên Biển Đông. Tuy nhiên, Nhật Bản đã yêu cầu Malaysia hoàn thiện văn bản này và lưu ý vấn đề Biển Đông.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN sau khi tham dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM Retreat), Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng Việt Nam cho biết: “ADMM Retreat nhằm đánh giá 1 năm trong tiến trình hợp tác quốc phòng ASEAN. Các bộ trưởng đã trao đổi, đánh giá về an ninh khu vực đang có những vấn đề nổi lên như các nước ASEAN có nguy cơ trở thành điểm trung chuyển để lực lượng khủng bố dùng các quốc gia này đến Trung Đông; vấn đề an ninh mạng; những tranh chấp tại Biển Đông, đặc biệt, vấn đề an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông...”.

Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng cho biết, đoàn Việt Nam cũng chia sẻ những vấn đề an ninh chung, đồng thời khẳng định những vấn đề hợp tác cũng như đánh giá, nhìn nhận trên Biển Đông cần tuân thủ luật pháp quốc tế và chấp hành nghiêm các cam kết chung của khu vực như: Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nguyên tắc 6 điểm của ASEAN, cũng như nhanh chóng hướng tới thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN.

TTXVN

BÌNH YÊN

.