Quốc tế
195 quốc gia thỏa thuận: giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C
Đúng 19g26 tối 12-12 giờ Pháp (sáng 13-12), tiếng búa của vị chủ tọa hội nghị COP21 Laurent Fabius đã vang lên đánh dấu sự kiện 195 quốc gia đạt được nhất trí về thỏa thuận khí hậu tại COP21.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius và tổng thống Pháp François Hollande vui mừng khi thỏa thuận khí hậu Paris đã được thông qua - Ảnh: AP |
Theo New York Times, các đại biểu đã bàn bạc, trao đổi tại vùng ngoại ô Paris trong suốt hai tuần qua để đi đến được một kết quả đã không thể đạt được trong hai thập kỷ: Sự đồng thuận về nhu cầu giảm dần việc sử dụng năng lượng hóa thạch và một khung hành động để 195 quốc gia làm được điều này.
Mặc dù thỏa thuận cuối cùng chưa đạt được tất cả những điều mà các nhà môi trường, nhà khoa học và một số quốc gia kỳ vọng, nhưng đã dọn đường cho những nỗ lực tiếp theo để nhân loại thoát dần các thảm kịch tồi tệ nhất do biến đổi khí hậu gây ra.
Thành công của thỏa thuận đạt được tại COP21 cũng cho thấy nỗ lực xuất sắc của các đoàn ngoại giao quốc tế. Trong những ngày hướng tới phiên họp cuối cùng, những bên ủng hộ thỏa thuận đã làm việc không nghỉ để hối thúc các nước còn đang lừng chừng rốt cuộc phải tham gia thỏa thuận.
Theo AFP, đại diện của 195 quốc gia ngày 12-12 đã thống nhất về một thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu và tăng cường các biện pháp chống lại những ảnh hưởng của tình trạng đó. Thỏa thuận chính thức có hiệu lực từ năm 2020.
Những điểm chính trong thỏa thuận Paris:
Mức tăng nhiệt độ toàn cầu thấp hơn 2 độ C
Thỏa thuận xác định biến đổi khí hậu là “một nguy cơ khẩn cấp và nhiều khả năng không thể đảo ngược đối với xã hội loài người và trái đất”.
Thỏa thuận nhấn mạnh về lo ngại cho rằng cam kết hiện tại của các nước về việc cắt giảm phát thải khí nhà khí sẽ không thể đáp ứng được những mục tiêu nhằm giảm bớt tình trạng nóng lên của hành tinh.
Thỏa thuận Paris đặt ra mục tiêu giữ cho mức tăng của nhiệt độ toàn cầu thấp hơn 2 độ C và nếu có thể, cố gắng đạt tới mục tiêu tăng thấp hơn 1,5 độ C.
Thế giới cũng hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính ở mức cao nhất càng sớm càng tốt. Tới nửa sau của thế kỷ này, cần đạt được sự cân bằng giữa lượng khí nhà kính thải ra từ các hoạt động của con người, như sản xuất năng lượng và nông nghiệp, với khả năng hấp thụ carbon của rừng, đại dương hay công nghệ lưu trữ carbon.
Hiệu lực từ năm 2020
Các quốc gia phát triển, những nước gây ô nhiễm lâu hơn, nên giữ vai trò đầu tàu trong việc áp dụng các giải pháp cắt giảm khí thải hoàn toàn.
Các nước đang phát triển vốn vẫn vẫn cần tiêu thụ nguồn năng lượng từ dầu mỏ và than đá cũng được khuyến khích để tăng cường các nỗ lực và tiến tới việc dần dần cắt giảm.
Các nước giàu được yêu cầu hỗ trợ việc cắt giảm khí thải ở các nước đang phát triển.
Năm 2018, hai năm trước khi thỏa thuận khí hậu Paris bắt đầu có hiệu lực, các nước cần đánh giá tổng quan về tác động của những gì họ đang triển khai đối với việc ngăn ngừa tình trạng tăng nhiệt độ toàn cầu, từ đó đánh giá lại các kế hoạch cắt giảm phát thải carbon của họ vào năm 2020.
Một số quốc gia đã đệ trình các mức mục tiêu đầu tiêu của họ cho tới năm 2025, một số khác tới năm 2030.
Sau khi thỏa thuận đã đi vào thực tiễn, kể từ năm 2023, cứ 5 năm một lần, LHQ sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả tổng hợp về các nỗ lực chống biến đổi khí hậu của các nước. Việc đánh giá này sẽ giúp các nước có thêm thông tin để “cập nhật và tăng cường” các cam kết của họ.
100 tỉ USD/năm
Các nước phát triển “sẽ cung cấp” tài chính giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang các nguồn năng lượng xanh và tăng cường các biện pháp ứng phó trước các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như hạn hán hay bão lũ.
Hỗ trợ tài chính phải được tăng thêm và thỏa thuận cho biết, cứ hai năm một lần các nước giàu phải báo cáo về các mức hỗ trợ tài chính của họ, hiện tại và dự kiến.
Từ mục tiêu đạt được một thỏa thuật lõi có tính ràng buộc pháp lý, thỏa thuận Paris đã chuyển mục này thành một phần quyết định riêng không bị ràng buộc.
Thỏa thuận cho biết mức 100 tỉ USD mỗi năm các nước giàu cam kết huy động đủ vào năm 2020 được xem như “mức sàn”. Khoản tiền này phải được cập nhật vào năm 2025.
Thỏa thuận cũng thừa nhận về nhu cầu “phòng tránh, giảm thiểu và giải quyết” về những tổn thất phải gánh chịu của các quốc đảo và các nước nghèo bị các ảnh hưởng nặng nề nhất vì biến đổi khí hậu như tình trạng nước biển dâng và các ảnh hưởng khác.
Theo Tuổi trẻ