Quốc tế

Mỹ giục Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hòa giải

08:23, 02/12/2015 (GMT+7)

Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gạt bỏ những tranh cãi ngoại giao, tập trung vào mối đe dọa chung: các chiến binh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tuy nhiên, căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chưa có dấu hiệu lắng xuống khi hai bên vẫn đưa ra những tuyên bố chỉ trích nhau.

Mỹ xem Nga là đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống IS ở Syria nên muốn Ankara và Mátxcơva hòa giải. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu ở Paris, Pháp. 				                                                    Ảnh: AP
Mỹ xem Nga là đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống IS ở Syria nên muốn Ankara và Mátxcơva hòa giải. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu ở Paris, Pháp. Ảnh: AP

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về việc chống biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Paris (Pháp), ngày 1-12, Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc giục người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan giảm căng thẳng với Nga. Đồng thời, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh sự ủng hộ của Washington đối với an ninh của quốc gia đồng minh thuộc NATO.

Hãng Reuters cho biết, gặp gỡ ông Erdogan tại Paris, Tổng thống Obama khẳng định Mỹ ủng hộ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc phòng vệ và bảo vệ không phận. Hai nhà lãnh đạo đã bàn thảo về việc Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có thể phối hợp với nhau như thế nào để giảm căng thẳng và tìm ra một con đường chung sau khi Ankara bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của Mátxcơva.

Tổng thống Obama nhấn mạnh với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ rằng, IS mới là kẻ thù mà cả Ankara lẫn Mátxcơva cần tập trung đối phó. “Tất cả chúng ta có một kẻ thù chung, đó là IS, và tôi muốn bảo đảm rằng chúng ta tập trung vào mối đe dọa này”, ông Obama nói.

Căng thẳng giữa hai đối tác quan trọng đối với Mỹ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria đe dọa ảnh hưởng đến nỗ lực của Tổng thống Obama khi mở rộng liên minh chống IS. Sau khi IS nhận trách nhiệm về các vụ tấn công khủng bố ở Paris và vụ bắn rơi máy bay Nga ở bán đảo Sinai (Ai Cập), ông Obama đã chuyển sự phẫn nộ trên khắp châu Âu thành quyết tâm mới để chống IS nhưng kế hoạch của nhà lãnh đạo Mỹ gặp trở ngại bởi Mátxcơva và Ankara hiện không có tiếng nói chung.

Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga vì muốn bảo vệ con đường vận chuyển dầu bất hợp pháp từ Syria thông suốt.

Song, Tổng thống Erdogan gọi những cáo buộc này là “sự vu khống”; thậm chí, ông tuyên bố sẽ sẵn sàng từ chức nếu Nga cung cấp được bằng chứng cho thấy Ankara mua bán dầu mỏ với IS.

“Chúng tôi không bất lương đến nỗi mua dầu từ bọn khủng bố. Nếu chứng minh được chúng tôi làm như vậy thì tôi sẽ rời nhiệm sở. Họ có bằng chứng thì nên công bố”, ông Erdogan nói. Theo AFP, tuyên bố này là sự thách thức đối với Tổng thống Putin.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cũng kêu gọi Nga mở lại các kênh đối thoại với nước ông để ngăn chặn những vụ việc tương tự vụ bắn rơi máy bay Su-24, thay vì đưa ra “những cáo buộc vô căn cứ”.

Đến nay, Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan vẫn không gặp gỡ nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh ở Paris, trong khi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, đây là cơ hội để hàn gắn quan hệ giữa hai nước.

Thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn tránh căng thẳng với Nga và Ankara đặt nhiều kỳ vọng vào nỗ lực ngoại giao mới tại Vienna (Áo) nhằm hướng đến một thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc nội chiến Syria. Cả Mỹ, Nga lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều tham dự cuộc đàm phán này.

Song, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiếc Su-24 sẽ làm đàm phán ở Vienna trở nên khó khăn và Mátxcơva quyết tâm tìm kiếm một danh sách các nhóm “khủng bố” ở Syria trước khi tiến hành đàm phán. Bà Zakharova khẳng định: Nếu không có danh sách này thì sẽ không thể có hành động chung ở Syria.

Hiện Nga chuẩn bị triển khai căn cứ quân sự thứ hai ở Syria và số lượng máy bay của không quân Nga ở quốc gia Trung Đông này có thể lên đến 100 chiếc.

PHÚC NGUYÊN

.